Sau 3 kỳ Olympic liên tiếp có huy chương, đặc biệt là chiến thắng lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Rio de Janeiro 2016, thể thao Việt Nam (TTVN) lại trở về với hình ảnh trắng tay ở sân chơi lớn nhất hành tinh. Đó không phải là điều quá thất vọng, nhưng rõ ràng cũng cần phải có cách đánh giá, nhìn nhận mới hơn cho việc tham dự Olympic với tư cách là một quốc gia có tham vọng tại sân chơi này.
Nói cách khác, cần có chiến lược rõ ràng: Nên hay không nên đầu tư cho huy chương Olympic? Nếu đặt mục tiêu có huy chương, thì cần lộ trình ra sao (ngắn hạn hay dài hơi) và đầu tư vào môn nào thì hợp lý?
Đầu tiên là triển vọng tranh chấp huy chương không thể xây dựng trên số lượng môn thi đấu hay VĐV đạt chuẩn tham gia. Cho dù vẫn xuất hiện nhiều kỳ tích hay câu chuyện bất ngờ, nhưng Thế vận hội vẫn là đấu trường chỉ dành cho những VĐV xuất sắc nhất về khía cạnh chuyên môn. TTVN có 18 suất dự Tokyo 2020, xét về con số, đạt mục tiêu đề ra. Nhưng thực chất, cơ hội giành huy chương lại không nhiều hơn Rio de Janeiro 2016 hay London 2012 vì chỉ hy vọng ở môn cử tạ của Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên. Sự góp mặt của Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng)… theo dạng đặc cách chỉ làm cho cơ hội trở nên mờ nhạt hơn thôi.
Dù 4 năm mới tổ chức một lần, nhưng thực tế triển vọng huy chương Olympic không khó dự báo, nhất là ở các môn có thông số chuyên môn rõ ràng như cử tạ, bơi, điền kinh… Ngay kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh với 1 HCV, 1 HCB năm 2016, dù môn bắn súng chịu ảnh hưởng nhiều ở tâm lý, phong độ ở thời điểm thi đấu nhưng chiến thắng của Hoàng Xuân Vinh cũng có thể nhìn thấy qua việc anh vô địch một số giải đấu thế giới trước đó.
Nói cách khác, có rất ít yếu tố may rủi khi thi đấu ở Olympic. Chiến thắng tại đó luôn là kết quả của một quá trình mang tính chiến lược. Đơn cử như chiếc HCV lịch sử của thể thao Philippines ở môn cử tạ nữ hạng cân nhẹ (55kg). VĐV giành chiến thắng cũng là người đã đoạt HCB ở Rio 2016 và sau đó vô địch ở Asiad 2018. Trong các nội dung về cử tạ, hạng cân nhẹ vẫn được xem là sở trường của các lực sĩ châu Á, mở ra cơ hội cho các VĐV Đông Nam Á như Việt Nam. Nhưng dù Hoàng Anh Tuấn đã “mở màn” ấn tượng với HCB tại Bắc Kinh 2008, cử tạ Việt Nam cũng chưa tiến được xa, kể cả ở khu vực lẫn châu Á.
Triển vọng tranh chấp huy chương cần đặt tầm nhìn vào Asiad, tức Đại hội Thể thao châu Á cũng diễn ra 4 năm một lần. Một số môn thi đấu của Olympic luôn là thế mạnh của các VĐV châu Á, nên nếu có thành tích tốt ở Asiad thì bảo đảm sẽ có huy chương Thế vận hội. Từ Asiad 1994 đến nay, TTVN đều đặn có HCV, đồng thời cũng nâng dần số lượng huy chương qua các kỳ tham dự.
Đến Asiad 2018, chúng ta thắng đến 5 HCV và đoạt số huy chương nhiều nhất với 39 chiếc, thế nhưng lại thất bại ở Tokyo 2020.
Vấn đề nằm ở chỗ, các thành tích ở Asiad của TTVN khá… lộn xộn, không ổn định ở các môn thế mạnh, mỗi kỳ lại có HCV ở các môn khác nhau. Có rất ít dấu ấn của một lộ trình để chuyển lượng thành chất từ Asiad đến Olympic thông qua việc đầu tư trọng điểm cho từng tài năng, tập trung vào nhóm môn cụ thể, giành suất chính thức mà không cần đặc cách.
Sau Olympic, TTVN có lẽ cần ngay chiến lược cho Olympic Paris 2024, khi nhóm môn thế mạnh, có triển vọng phát triển đẳng cấp thế giới của chúng ta (cử tạ, bắn súng, cầu lông, bơi lội, taekwondo, judo) đang có dấu hiệu tụt hậu rất nhiều so với các nền thể thao trong khu vực, chưa nói đến tầm châu Á.
Đáng tiếc là nguồn nhân lực không thiếu thốn đến mức không thể phát triển, chẳng hạn: sau tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh, vẫn có Nguyễn Thùy Linh (23 tuổi) giàu tiềm năng, có Nguyễn Hải Đăng, Nguyễn Anh Thư (20 tuổi) từng dự Olympic trẻ; sau Nguyễn Thị Ánh Viên, vẫn có Nguyễn Huy Hoàng và nhiều nữ VĐV trẻ tài năng của Long An, Thanh Hóa… Và hơn thế, muốn mơ cao, phải chấp nhận tốn kém hơn, giúp nhiều VĐV thuộc diện tài năng đặc biệt có cơ hội tập huấn, thi đấu nước ngoài như những VĐV chuyên nghiệp thực sự.