Ôm Sài Gòn

Ngày cuối tuần, không gian sân 37 Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, tiếng nhạc rộn ràng vang lên. Ánh sáng bao quanh sân khấu khi rực rỡ đủ cho sự tươi vui, khi trầm lại phù hợp với những khúc tình ca nhẹ nhàng. Hàng trăm khán giả đủ lứa tuổi đến với chương trình Ôm Sài Gòn bởi nghe quảng cáo ở đây có “Sài Gòn nhớ, Sài Gòn thương, Sài Gòn yêu”.
Đêm nhạc đầu tiên của Ôm Sài Gòn
Đêm nhạc đầu tiên của Ôm Sài Gòn

1. Chỉ sau 1-2 bài hát, nhiều bạn trẻ đang sinh hoạt tại Nhà văn hóa Thanh niên túa ra xem. Họ đứng bao quanh sân khấu, đứng trên tầng hai nhìn xuống. Phía khu vực gian hàng hội chợ kế đó, không ít bạn trẻ cũng tò mò lại xem.

Trong đêm nhạc đầu tiên mang tên Tiểu thuyết tình yêu, nhiều khán giả bày tỏ rất vui khi ngay tại sân khấu ngoài trời, gần gũi này có thể xem ca sĩ Tăng Phúc, Trương Thảo Nhi, Barry Nam Bảo biểu diễn. Chị Ngô Thị Quỳnh Như (28 tuổi, ngụ quận 10) nói: “Tăng Phúc rất đắt show ở các phòng trà. Hôm nay nghe Phúc hát ở đây thực sự thú vị. Sự kết hợp của hai giọng ca với chất giọng đặc biệt, ấm áp, chuyên trị những bản nhạc pop ballad như Tăng Phúc và Trương Thảo Nhi mang đến những giây phút đầy cảm xúc”. Khán giả Trần Minh Hiếu (32 tuổi, quận 3) không tiếc lời khen: “Tôi thích nghe nghệ sĩ hát live với ban nhạc như thế này. Một chương trình âm nhạc đáng để người trẻ đi xem, đặc biệt lại tổ chức ngay trong một không gian của chính họ”.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, cho hay, dự án nghệ thuật Ôm Sài Gòn chỉ vừa ra mắt nhưng nhận được nhiều phản hồi tích cực. Sau buổi diễn thể nghiệm đầu tiên vào 10-9 với chủ đề Thưởng nguyệt có Bùi Công Nam, Ái Phương, Hamlet Trương biểu diễn thu hút hơn 400 khán giả, Ôm Sài Gòn bắt đầu diễn ra định kỳ mỗi tháng 2 số theo từng chủ đề. Trước khi ra mắt Ôm Sài Gòn, gần 3 tháng qua, Nhà văn hóa Thanh niên cũng thử nghiệm chương trình Góc đèn dầu, có âm nhạc, cà phê và ẩm thực đường phố vào các ngày cuối tuần, rất được các bạn trẻ yêu thích. Ông Phúc nói: “Với Ôm Sài Gòn, khán giả sẽ có những trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật độc đáo qua sự kết hợp của âm nhạc live band mộc mạc, hài độc thoại, nghệ thuật kể chuyện dẫn mạch và các loại hình nghệ thuật mang hơi thở đương đại. Sân khấu mỗi chủ đề được thiết kế thay đổi đa dạng”.

Mỗi đêm nhạc dự kiến có hơn 400 vé, mức giá từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng, khá phù hợp nhiều đối tượng khán giả. Trong giai đoạn đầu, vé mời sẽ được gửi đi, về sau, từ mỗi lá vé bán ra sẽ trích một phần gây quỹ “Thương Sài Gòn” hỗ trợ trẻ em cơ nhỡ, các em bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

“Ôm Sài Gòn là chương trình của cảm xúc, của tình yêu dành cho thành phố. Từ những nốt nhạc đẹp của Ôm Sài Gòn, thật mong sẽ có thêm nhiều nốt nhạc đẹp khác ở các trung tâm văn hóa, điểm vui chơi giải trí… để một ngày không xa thành phố trở thành một bản hòa nhạc đẹp”, ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, chia sẻ.
2. Tối 14-10, Ôm Sài Gòn mở đầu với đêm nhạc Tiểu thuyết tình yêu. Tối 15-10, đêm nhạc chủ đề Tình ca đỏ có sự tham gia của ca sĩ Đông Quân, Hồng Mơ, Thanh Ngọc, Đoàn Đại Hòa, Duyên Quỳnh. Tối 28-10 hứa hẹn nhiều cảm xúc cùng đêm nhạc chủ đề Không khóc ở Sài Gòn với sự tham gia của Quang Trung, Hồng Phương và đặc biệt nghệ sĩ hài độc thoại Uy Lê… Rất nhiều đêm nhạc khác cũng đang được lên kịch bản. Bên cạnh các ca sĩ, dự án có sự đồng hành của các nghệ sĩ hài độc thoại trong CLB Sài Gòn Tếu.

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường, Giám đốc âm nhạc của dự án, cho biết, điểm mới của Ôm Sài Gòn so với các chương trình ca nhạc hiện nay chính là đưa hài độc thoại vào chương trình. “Một chương trình âm nhạc có host là người dẫn chuyện không xa lạ, nhưng với host là nghệ sĩ hài độc thoại có khả năng ăn nói lưu loát, dí dỏm, duyên dáng lại là điều mới. Hài độc thoại văn minh, tiệm cận thị hiếu khán giả. Tôi nghĩ, qua cách dẫn dắt dí dỏm của các nghệ sĩ trẻ sẽ mang đến cho sân khấu Ôm Sài Gòn chất rất riêng”, anh nói.

Theo nhạc sĩ, Ôm Sài Gòn không chỉ là sân khấu ca nhạc đơn thuần mà còn là nơi chia sẻ cảm xúc của văn nghệ sĩ qua những câu chuyện riêng, lan tỏa đến khán giả trẻ những câu chuyện đẹp, giàu cảm xúc. Ban tổ chức sẽ đẩy mạnh đầu tư nội dung để tạo câu chuyện văn minh, nhân văn và đặc biệt sau chương trình là các hoạt động cộng đồng.

Nghệ sĩ hài độc thoại Uy Lê - đại diện CLB Sài Gòn Tếu, cho biết, quyết tâm tìm cách tạo ra giá trị mới cho sân khấu này. “Hiện tại, CLB dự định lấy cảm hứng từ những bài hát và câu chuyện của chính nghệ sĩ để tạo thành những mạch câu chuyện, phần tương tác thú vị trên sân khấu. Sự tương tác của khán giả là một phần tạo nên trải nghiệm độc đáo. Ở Ôm Sài Gòn, chúng tôi sẽ cố gắng tạo không khí gần gũi để khán giả cũng có thể thành một phần của đêm nhạc. Tôi tin rằng Ôm Sài Gòn sẽ thu hút được lượng khán giả riêng, như cách mà hài độc thoại tìm được những khán giả cùng gu”, Uy Lê chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục