Ông Đinh La Thăng tiếp tục bị đề nghị truy tố

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra kết luận điều tra vụ án thứ hai về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại PVN và PVC, đồng thời đề nghị truy tố 22 bị can. Trong số các bị can bị đề nghị truy tố có ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN) 
Ngày 21-12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra kết luận điều tra vụ án thứ hai về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), đồng thời đề nghị truy tố 22 bị can.
Trong số các bị can bị đề nghị truy tố có ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN) cùng 11 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và 8 bị can bị khác bị đề nghị truy tố về tội “Tham ô tài sản”.
Còn 2 bị can gồm Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) và Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám PVC) bị đề nghị truy tố cả 2 tội danh nêu trên.
Trước đó, ngày 19-12, ông Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm khác đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn PVN.
Qua điều tra, Cơ quan An ninh điều tra làm rõ, tháng 12-2007, ông Đinh La Thăng đã đưa Trịnh Xuân Thanh từ Tổng Công ty Sông Hồng về làm Tổng Giám đốc, sau là Chủ tịch HĐQT PVC.
Tháng 2-2009, ông Thăng tiếp tục đưa Vũ Đức Thuận từ Tổng Công ty Sông Đà về làm Phó Tổng Giám đốc, sau là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVC, đồng thời tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho PVC hoạt động, như bố trí việc làm, tạo nguồn vốn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2009, PVC không đảm bảo khả năng thanh khoản, gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư và trả nợ, toàn bộ tài sản ngắn hạn không đủ bù đắp nợ ngắn hạn.
Bên cạnh đó, cuối năm 2010, thực hiện chủ trương tái cơ cấu, thoái vốn của Tập đoàn PVN, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo PVC phải nhận lại các khoản đầu tư từ các đơn vị của PVN, trong đó hầu hết là các khoản đầu tư tại các dự án đang gặp khó khăn về tài chính, dừng hoạt động, chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý, kinh doanh thua lỗ... làm cho PVC tiếp tục bị mất cân đối tài chính nghiêm trọng, thiếu vốn hoạt động và trả nợ gốc, nợ lãi ngân hàng. Riêng đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số gần 120 tỷ đồng.
* Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra và chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố bị can Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) về tội “Tham ô tài sản”.
Cùng bị đề nghị truy tố về tội “Tham ô tài sản” với bị can Trịnh Xuân Thanh còn 7 bị can khác là Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản điện lực Dầu khí Việt Nam - PVP Land), Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land), Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty CP Minh Ngân), Nguyễn Thị Kim Thoa (nguyên kế toán trưởng Công ty 1/5 và Minh Ngân), Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (lao động tự do), Thái Kiều Hương  (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Vietsan) và Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà).
Qua điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ, năm 2009 - 2010, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chủ trương chuyển tất cả các công ty bất động sản về PVC. Theo chủ trương này, PVP Land sáp nhập vào PVC, kéo theo dự án Nam Đàn Plaza có chủ đầu tư là Công ty Xuyên Thái Bình Dương, trong đó PVP Land chiếm hơn 50% cổ phần và Vietsan chiếm 25% cổ phần.
Do đó, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Ngọc Sinh, Đào Duy Phong là những người có quyền quyết định và có trách nhiệm quản lý tài sản là cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương mà ở đây là dự án Nam Đàn Plaza.
Để PVP Land thoái vốn khỏi dự án Nam Đàn Plaza, Thái Kiều Hương đã nhờ Đinh Mạnh Thắng để Hương và môi giới là Huỳnh Nguyễn Quốc Duy gặp Trịnh Xuân Thanh, qua đó nhờ Thanh tác động để cho PVP Land thoái vốn.
Thanh đã đồng ý cho PVP Land thoái vốn, đồng thời chỉ đạo Đào Duy Phong tìm giới thiệu khách muốn mua dự án Nam Đàn Plaza. Trong khi đó, Hương và Duy cũng bàn bạc, truyền đạt ý kiến của Trịnh Xuân Thanh về việc bán cổ phần thấp hơn giá thực tế.
Tiếp đó, ngày 1-4-2010, Phong ký tờ trình việc bán cổ phần tại dự án Nam Đàn Plaza với giá 34 triệu đồng/m2 gửi lên Trịnh Xuân Thanh và được chấp nhận việc này. Sau đó ít ngày, Lê Hòa Bình ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với từng cổ đông Công ty Thái Bình Dương với giá 52 triệu đồng/m2. Việc thanh toán hợp đồng này đã tạo ra chênh lệch giá cổ phần trị giá hơn 87 tỷ đồng của PVP Land, trong đó có tài sản nhà nước.
Với số tiền chênh lệch từ việc chuyển nhượng cổ phần của PVP Land, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 49 tỷ đồng. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh chiếm 14 tỷ đồng, Đào Duy Phong chiếm 10 tỷ đồng; Đinh Mạnh Thắng chiếm 5 tỷ đồng, Nguyễn Ngọc Sinh chiếm 2 tỷ đồng...

Tin cùng chuyên mục