
Gặp ông tại thủ đô Washington (Mỹ), một người bạn già hỏi kháy ông rằng: “Qua đây, đã thấy thiên đường chưa?”. Ông chỉ cười và gửi lại cho bạn một mẩu giấy, viết rằng: “Thiên đường là quê hương và cảm giác “lên thiên đường” chính là lúc được chiêm ngưỡng các cảnh đẹp của quê hương mình. Hãy về quê hương chơi, đi lang thang với nhau, sẽ rõ”.
- Theo chân ông già “gân”

Ông Chí ở Mỹ.
Rút cái máy kỹ thuật số ra đặt lên chân máy, mắt ngắm về phía tượng đài liệt sĩ VN hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ trên đất Atôpư (Lào), ông Đinh Hữu Chí bước lên phía trước để chế độ chụp tự động. Trong hàng trăm chuyến đi lang thang một mình khắp nơi, ông Chí vẫn tự chụp hình như thế. Và tôi bắt gặp người sĩ quan chế độ cũ này đang cúi đầu thật thấp trước anh linh của những con người phía bên kia chiến tuyến.
Ông già Chí này “gân” thật! Mới nghe ông đang lang thang ở Mỹ đã lại gặp ông trên đất Lào. Đã tròn 70 tuổi, nhưng dấu xe Honda của ông đã lăn qua 64/64 tỉnh thành trong cả nước. “Đi một mình có cái thú riêng, chú em à. Hồi xưa tôi đi bằng chiếc DH 88, chỉ trang bị võng dù, đèn pin, lương khô, máy chụp hình xài phim, 2 bộ đồ thay đổi... Còn nay, ngoài chiếc Dream, trong ba lô tôi có đủ máy định vị, nhiệt kế, la bàn, máy đo độ cao, máy chụp hình KTS, giá 3 chân chụp hình như chú em đã thấy đó”, ông Chí cười nói với tôi khi biết cả hai đều cùng có “máu lang thang”. Rồi ông tiếp: “Trung bình một ngày tôi đi 300km, ngồi 10 tiếng đồng hồ trên xe, xài 100.000 đồng/ngày là vừa. Thích đâu ghé đó, gặp đâu ngủ đó là khỏe nhất chứ đi theo đoàn thì đâu còn ý nghĩa khám phá, du khảo nữa”.
Tôi hỏi: “Sức đâu ông đi dữ vậy?”.
- Chú em nắn cái tay của tôi coi cứng không. Tôi theo môn Thiếu Lâm từ trẻ, nay còn tập môn thiền nữa. Với lại không nhậu nhẹt, hút sách chi hết nên coi bộ dạng của chú em, tôi chấp cái một! - Ông Chí vui vẻ trả lời.
Quả thật, tôi từng chinh phục Trường Sơn, xuyên Việt, về Mũi Cà Mau... không biết bao nhiêu lần nhưng nếu so với ông Chí, tôi thầm “ganh tỵ”, lẫn kính nể. Những con đường xuyên rừng Bù Gia Mập, QL 27 - 28 nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung bộ, đường lên địa đầu Tổ quốc Lũng Cú, đường qua chín cửa sông Cửu Long, đường nối từ Đông sang Tây Bắc..., ông đều đi qua và chụp “độc ảnh” làm kỷ niệm.
- Những chuyến đi và những thứ mang về

Ông Chí tại Trung Quốc.
Đi hết các nơi trong nước, ông Chí ba lô sang các quốc gia láng giềng. Đi đến đâu, ông cũng ghi chép, chụp ảnh, mua bản đồ... làm tư liệu viết sách. Năm 2002, ông sang Campuchia, Thái Lan rồi về lại Lào bằng xe buýt. Cần nói thêm rằng lúc ấy, chuyện “ta ba lô” đi quốc tế là khá hiếm hoi.
Với vốn tiếng Anh từ thời làm việc ở ngành Hậu cần Không quân Hoa Kỳ (Sư đoàn 4), ông Chí “tung hoành” khắp Bangkok, Pattaya, Changmai (Thái Lan), Siêm Riệp, Phnôm Pênh (Campuchia), Savannakhet, Xê Kông, Viêng Chăn (Lào)... và mang về hàng đống tài liệu, kiến thức và những bộ sưu tập đồng xu, tem, bản đồ, kỷ vật đa quốc gia rất quý giá. Có một câu chuyện tưởng như đùa là sau khi đi du lịch ba lô qua Hồng Công, Đài Loan, Singapore, Maylaisia, Indonesia, Trung Quốc... ông Chí quyết định đi Úc với số tiền chỉ có 800 AUD (trừ tiền máy bay) trong túi.
Sau khi sục sạo tất cả địa danh ở Sydney, Melbourne, Canberra, ông Chí hết tiền. Nhờ người bà con giới thiệu với Nhà hàng Old Sai Gon vào làm... bồi, ông Chí lại có “tiền típ”... để “đi chơi cho hết nước Úc”. Rồi lại cạn túi, lại làm công nhân sơn tường cho một chủ người Việt được 50 AUD/ngày, ông già Chí lại tiếp tục đi và mang về VN 2.500 AUD tiền công. Khoe cái máy vi tính mua bằng những đồng tiền kiếm được ở Úc, ông Chí hăng hái “mổ” các bản thảo sách trên bàn phím bằng 2 ngón tay cho tôi xem...
Thế nhưng không phải chuyến đi nào ông già “gân” này cũng mang về những kết quả như ý. Lần đi Lào gần đây, do một người bạn du khảo năn nỉ quá, ông Chí đã đưa người này theo và kết cục là người bạn ấy mất do tai nạn giao thông. Kể tới đây, ông Chí ứa nước mắt nói: “Đời du khảo tôi đi nhiều, khi bị bể bánh trên đèo Ngang, lúc đứt dây sên ở đèo Hải Vân, khi thì bị biên phòng hỏi thăm ở Dăk Nông... nhưng chưa lần nào đối mặt với một tai nạn khủng khiếp như vậy, mà lại ở nước ngoài. Sau chuyến đó, tôi nằm dài ở nhà đến mấy tháng. Cho đến một sáng đẹp trời, chạy lòng vòng ở quận Tân Bình, tôi nảy sinh “ham muốn” rồi lái xe đi Tây Ninh và về trong ngày. Ham muốn đi du lịch lại trỗi dậy!
- 90 ngày trên đất Mỹ
Đó là tựa đề quyển sách (121 trang, NXB Thanh Niên) mà ông già Chí vừa cho ra mắt bạn đọc kể về những kỷ niệm, cảnh đẹp của 50 thành phố thuộc 17 tiểu bang của Hoa Kỳ. Ông Chí đi lang thang trên đất Mỹ bằng xe điện, ô tô, tàu thủy, xe bus và đi bộ. Ông khoe với tôi, đã đến bên tượng Nữ Thần Tự Do, đã leo núi tuyết Rainier, đã vào Bảo tàng Washington, đến Cali, Texas, Oregon, Maryland...
Ông kể (trong sách) về cuộc gặp gỡ với những người bạn đã sang Mỹ từ 30-4-1975 và về cộng đồng Việt bên xứ người; ông triết lý (với PV) về giai đoạn học tập cải tạo 5 tháng sau khi Sài Gòn được giải phóng...; ông thầm cảm ơn chính quyền cách mạng đã trọng dụng ông trở lại và cho làm việc ở Tổng cục Thủy lợi miền Nam... và rút ra một câu kết luận: ”Từ đó, tôi thấy yêu đất nước mình quá chừng, không thèm đi xuất cảnh nữa, chỉ muốn đi thăm cho hết các cảnh đẹp rồi chết tại quê hương là thỏa lòng”.
Bước sang tuổi thất thập, ông Đinh Hữu Chí vừa nhận được một giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác văn học TPHCM xưa và nay (Sở Du lịch TPHCM trao giải ngày 7-2). Ông Chí bảo đó là động lực để ông tiếp tục du khảo, lang thang; đi và viết để khẳng định rằng: quê hương vẫn là nơi đẹp nhất. Trước khi chia tay, tôi hỏi: “Sắp tới ông đi đâu?”. “Kim tự tháp Ai Cập”, ông Chí trả lời không chần chừ.
Anh Minh