Nhiều nguồn tin từ báo chí phương Tây những ngày qua cho biết, ngay sau thất bại trong cuộc chiến tại Nam Ossetia, Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili sẽ có khả năng tiếp tục phải đối mặt với một cuộc chiến khác trong nước khi phe đối lập tuyên bố sẽ chất vấn ông sau khi Tbilisi trở lại yên ổn.
Tờ Les Echos của Pháp đăng tải nhận xét của một quan chức giấu tên trong đoàn tùy tùng của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết: “Ông Saakashvili đã chơi một canh bạc tại Nam Ossetia và đã thua trắng tay. Ông ta sẽ phải trả giá cho những tính toán sai lầm của mình”. Vậy những tính toán của Tổng thống Gruzia với “canh bạc” Nam Ossetia là gì?
Giới phân tích chính trị nói về những tính toán của ông Saakashvili như sau: Tổng thống Gruzia quyết định sử dụng quân sự với niềm tin rằng quân đội Nga sẽ không hành động nếu Nam Ossetia bị tấn công; còn nếu bị tấn công thì ông này hy vọng có thể tự biến mình thành nạn nhân của nước Nga để giành lấy sự ủng hộ về ngoại giao của phương Tây và biến một thất bại quân sự thành thắng lợi về chính trị.
Bộ máy tuyên truyền của Gruzia vừa qua đã hoạt động mạnh theo hướng này nhưng không đủ sức thuyết phục dư luận.
Thực tế chứng minh Nga sử dụng quân sự với một lý do hoàn toàn chính đáng là bảo vệ an toàn những công dân Nga tại Nam Ossetia. Lực lượng của Nga đến Nam Ossetia không có gì khác là để đem lại sự yên bình trong khu vực.
Trong khi đó, tính toán của Gruzia “biến mình thành nạn nhân” đến giờ phút này chẳng thu được mấy kết quả. Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder đã lên tiếng phản đối Gruzia là “kẻ khơi mào rắc rối” và ví ông Saakashvili như một “con bạc khát nước”. Còn trong nước, ông đối mặt với nhiều phản đối, phe đối lập bắt đầu tuyên bố sẽ “chất vấn” tổng thống.
Từng thắng cử áp đảo sau cuộc “Cách mạng hoa hồng” tháng 11-2003, ông Saakashvili bắt đầu thể hiện là một nhà lãnh đạo độc đoán. Lên nắm quyền từ các hoạt động biểu tình “dân chủ”, nhưng, Tổng thống Gruzia đàn áp thẳng tay các cuộc biểu tình do phe đối lập tổ chức vào tháng 11-2007, ban bố tình trạng khẩn cấp, sau đó tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 1-2008 rồi bầu cử quốc hội vào tháng 5 với chiến thắng của phe thân chính phủ bị tố cáo là gian lận.
Các đồng minh của Saakashvili trong cuộc “cách mạng hoa hồng” đã dần dần xa lánh ông, như Nino Bourdjanadze và Zourab Jvania. Nhiều cựu bộ trưởng đã chuyển sang phe đối lập, như cựu Ngoại trưởng mang quốc tịch kép Pháp-Gruzia Salome Zourabichvili.
Hơn nữa, tình hình kinh tế, xã hội của Gruzia chưa có nhiều khả quan. Nạn tham nhũng phần nào đã được đẩy lùi nhưng vẫn cao, năng lực sản xuất của Gruzia vẫn ở mức rất thấp, tỷ lệ người dân sống ở mức nghèo không hề giảm đi.
Hơn thế nữa, 2 mục tiêu chính trong nhiệm kỳ tổng thống của ông là đưa Gruzia gia nhập NATO và tái lập chủ quyền đối với hai vùng lãnh thổ ly khai Abkhazia và Nam Ossetia, tới nay gần như không còn hy vọng đạt được với bước đi liều lĩnh mất lòng dân của ông trong cuộc chiến vừa qua. NATO khó có khả năng chấp nhận tư cách thành viên cho một nước nằm giữa “thùng thuốc súng Caucasus”.
ANH VĂN