Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An: Thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh

Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An: Thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh

Nhờ vị trí tiếp giáp TPHCM và là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên Long An luôn dẫn đầu khu vực ĐBSCL về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Để tiếp tục phát triển kinh tế ổn định trong thời gian tới, tỉnh Long An đang tạo môi trường hấp dẫn nhằm đón làn sóng đầu tư mới. Nhân hội nghị xúc tiến đầu tư vào Long An với chủ đề “Hợp tác, phát triển bền vững” diễn ra vào ngày 17-10, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về những lợi thế của Long An. Ông Trần Văn Cần nhận định:

Lãnh đạo tỉnh Long An giới thiệu về quy hoạch phát triển của tỉnh với các chuyên gia, doanh nghiệp…

Là tỉnh vừa thuộc vùng ĐBSCL vừa nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên Long An đóng vai trò cầu nối giữa trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất nước là TPHCM với các tỉnh ĐBSCL. Tỉnh cũng có cửa sông Soài Rạp hướng ra biển Đông với cảng quốc tế Long An đang xây dựng, có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng từ 30.000 - 50.000DTW. Long An còn có đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia dài 133km, với cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (huyện Mộc Hóa), cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ) và 3 cửa khẩu phụ sẽ nâng cấp lên cửa khẩu quốc gia… Có thể nói, điều kiện tự nhiên của Long An tương đối thuận lợi cho việc phát triển hài hòa cả công nghiệp và nông nghiệp. Cụ thể, các huyện như Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước và một phần ở huyện Thủ Thừa, Đức Huệ, TP Tân An có điều kiện phát triển công nghiệp, thương mại và đô thị do nằm gần TPHCM. Hiện quỹ đất phát triển công nghiệp của tỉnh dồi dào với 28 khu công nghiệp và 32 cụm công nghiệp, tổng diện tích khoảng 13.000ha. Các khu vực khác của tỉnh, đặc biệt vùng Đồng Tháp Mười rất phù hợp để phát triển nông nghiệp. Đây là vùng nguyên liệu rộng lớn với diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 330.000ha, đất rừng hơn 30.000ha, đất nuôi thủy sản 8.500ha…

- PHÓNG VIÊN: Với điều kiện khá thuận lợi, những năm qua Long An đã thu hút đầu tư thế nào, thưa ông?

>> Ông TRẦN VĂN CẦN: Đối với đầu tư nước ngoài (FDI), trong 9 tháng đầu năm 2016, tỉnh thu hút 89 dự án với vốn đăng ký 542 triệu USD, tăng 10 dự án so cùng kỳ. Tính đến nay, trên địa bàn Long An có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư 772 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 5,1 tỷ USD, trong đó có 459 dự án đi vào hoạt động, vốn hơn 3 tỷ USD. Về đầu tư trong nước, 9 tháng đầu năm nay cũng thu hút 300 dự án với số vốn 27.544 tỷ đồng; nâng tổng dự án đến nay lên 1.259 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 139.845 tỷ đồng. Các lĩnh vực như may mặc, cơ khí, bao bì, chế biến thức ăn gia súc, thức ăn chăn nuôi… được các doanh nghiệp đầu tư nhiều nhất. Nhờ thu hút nhiều dự án FDI đã góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh Long An tăng trưởng mạnh, bình quân đạt 11,26%/năm, GDP đầu người đạt trên 50,7 triệu đồng/người/năm…

- Để đón làn sóng đầu tư mới, tỉnh chuẩn bị những gì và định hướng phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới như thế nào? 

Theo định hướng từ nay đến năm 2020, tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp bền vững; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp phát triển theo chiều sâu, đẩy mạnh các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, gắn với phát triển dịch vụ công nghiệp; đồng thời tập trung cho công nghiệp hỗ trợ. Khuyến khích hình thành các cụm liên kết ngành, ưu tiên mời gọi, bố trí các dự án đầu tư có tính liên kết sử dụng sản phẩm của nhau; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên kết phát triển thành doanh nghiệp vệ tinh trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn nước ngoài.

Song song đó, tỉnh đầu tư phát triển dịch vụ chất lượng cao, cải thiện hạ tầng dịch vụ nhằm hướng đến các tiện ích hiện đại và thuận tiện cho người sử dụng. Thiết lập trung tâm dịch vụ nhằm khai thác lợi thế cửa ngõ của vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tăng cường các dịch vụ phục vụ công nghiệp, dịch vụ kho vận, công nghệ - thông tin, tài chính… Đối với ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Lúa gạo được xác định là trọng tâm, vì thế sẽ được đầu tư thâm canh và chuyên canh, ứng dụng công nghệ mới, sử dụng giống chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Vùng Đồng Tháp Mười sẽ định hướng nuôi thủy sản có kiểm soát về chất lượng và đảm bảo môi trường sinh thái. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất thanh long, lúa, trồng chanh, rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Nhằm làm hài lòng các nhà đầu tư, tỉnh sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; thủ tục đầu tư nhanh gọn, tạo lập môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Định kỳ hàng tháng gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, đề xuất và tháo gỡ kịp thời nếu có khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Long An cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư trong và ngoài nước làm ăn hiệu quả. Quan điểm của tỉnh là đồng hành cùng doanh nghiệp, thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh.

- Thưa ông, đâu là những lĩnh vực Long An đang kêu gọi đầu tư?

Tỉnh đang tập trung kêu gọi đầu tư vào 16 dự án như: Phát triển khu kinh tế cửa khẩu tại thị xã Kiến Tường, khu công nghiệp Phú An Thạnh tại huyện Bến Lức, khu công nghiệp Việt Phát tại huyện Thủ Thừa, khu sinh thái Đồn Rạch Cát tại huyện Cần Đước, khu phức hợp giải trí Khang Thông tại huyện Bến Lức, trung tâm công nghệ sinh học Đồng Tháp Mười, khu kho vận và logistics - cảng Long An tại huyện Cần Giuộc, nhà máy chế biến khoai mỡ ở huyện Thạnh Hóa, nhà máy chế biến thanh long ở huyện Châu Thành, dự án phát triển năng lượng mặt trời ở huyện Thạnh Hóa…

- Xin cảm ơn ông.

HUỲNH LỢI - ĐĂNG NGUYÊN


Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Long An, hiện tỉnh đã xác định 8 loại nông sản chủ lực tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Điển hình như sản xuất lúa sản lượng khoảng 2,8 triệu tấn/năm; rau, đậu các loại khoảng 180.000 tấn/năm; trái cây 300.000 tấn/năm; thịt các loại hơn 72.000 tấn/năm; trứng gia cầm 160 triệu quả/năm… Để hàng nông sản tiêu thụ ổn định, tỉnh mở rộng các kênh kết nối với nhiều doanh nghiệp, nhằm hướng tới việc sản xuất theo hợp đồng, gắn nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, Long An đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thời gian qua đã có khoảng 15% số hộ nuôi heo áp dụng hệ thống làm mát, máng tự động; khoảng 650 hộ nuôi gia súc, gia cầm đạt chuẩn VietGAP; đối với trồng trọt có nhiều hộ ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, nhà lưới, ứng dụng tia laser trong san phẳng mặt ruộng; đến nay đã có hàng trăm hécta thanh long, chanh, rau màu… sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Kế hoạch đến năm 2020, Long An xây dựng 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: 20.000ha lúa ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười; 2.000ha thanh long GAP ở huyện Châu Thành; 2.000ha rau màu tiêu chuẩn GAP ở huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP Tân An; vùng chăn nuôi bò thịt hàng ngàn con theo tiêu chuẩn GAP ở huyện Đức Huệ và Đức Hòa.

NGỌC DÂN


Kết nối

Long An là tỉnh có mức tăng trưởng kinh tế ổn định trong 10 năm qua, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước 1,5 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và đúng hướng theo xu thế giảm dần tỷ trọng GDP khu vực nông nghiệp - lâm nghiệp - ngư nghiệp, tăng tỷ trọng GDP khu vực dịch vụ và môi trường đầu tư. Sự phát triển và tăng trưởng ổn định trong thời gian qua là xuất phát từ đòn bẩy kết nối giao thông giữa Long An với TPHCM và các tỉnh khác...

Trong vòng 5 năm trở lại đây, hệ thống hạ tầng giao thông qua địa bàn tỉnh Long An đã có bước thay đổi lớn khi các dự án do Trung ương đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng như tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, tuyến N2, quốc lộ 1, quốc lộ 50, tuyến hành lang đường thủy số 2 (hợp phần B của dự án WB5), cao tốc Bến Lức - Long Thành đang triển khai thi công… Giao thông thông suốt đã tạo sự kết nối giữa Long An với TPHCM và các tỉnh ĐBSCL; nhờ đó giảm thời gian đi lại, tăng năng lực vận tải, lưu thông hàng hóa...

Theo ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, hệ thống giao thông huyết mạch thông thoáng đã phá thế ngõ cụt về các xã vùng sâu, đồng thời hướng tới kết nối trong vùng và nước bạn Campuchia. Hiện nay, giao thông ở Long An từ quốc lộ, tỉnh lộ đến nông thôn được đầu tư hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Những tuyến đường huyết mạch đã tạo nên bệ phóng cho Long An trong quá trình tăng trưởng kinh tế.

Để tạo thế mạnh kết nối giao thông giữa Long An với TPHCM và các tỉnh ĐBSCL, Long An có thuận lợi về quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vì đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh phát triển giao thông vận tải, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Tháng 7-2016, UBND tỉnh Long An và UBND TPHCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội (trong đó có hợp tác kết nối giao thông) giai đoạn 2016 - 2020. Lãnh đạo của 2 địa phương tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình hợp tác; định kỳ 6 tháng sẽ tổ chức họp để trao đổi, thảo luận, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay là chưa có cơ chế điều hành, giải pháp chưa phù hợp, dẫn đến phân tán, tản mạn và ưu tiên theo lợi ích của từng địa phương. Ngoài ra, thiếu cơ chế đặc thù trong liên kết vùng, nhất là cần xây dựng cơ chế điều phối vùng dưới sự điều hành trực tiếp của Chính phủ - chứ không thể áp dụng cơ chế luân phiên mỗi tỉnh làm chủ tịch điều phối vùng 1 năm. Đây là những vấn đề cần tháo gỡ để thúc đẩy kết nối giao thông hiệu quả hơn trong thời gian tới.

LONG HÒA

Tin cùng chuyên mục