OPEC hay OAPEC?

Hỏi:
OPEC hay OAPEC?

Hỏi: Tôi vẫn thường nghe đài truyền hình và radio nói liên tục về giá dầu xuất khẩu, dầu của OPEC. Nhưng khi đọc trên báo lại thấy lúc thì ghi OPEC, lúc thì ghi OAPEC. Xin hỏi, đây là một hay hai tổ chức khác nhau về xăng, dầu?
Lâm Triết (P. Tân Thới, Q12)

OPEC hay OAPEC? ảnh 1

Lá cờ và biểu tượng OPEC trên nóc tổng hành dinh ở Geneva.

NGHÊ DŨ LAN: OPEC và OAPEC là hai tổ chức khác nhau.

OPEC (The Organization of the Petroleum Exporting Countries: Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) là tổ chức liên chính phủ (intergovernmental) được sáng lập trong Hội nghị Baghdad diễn ra từ 10 đến 14-9-1960 tại Baghdad (thủ đô Iraq) gồm 5 nước Ả Rập Saudi, Iran, Iraq, Kuwait và Venezuela. Sau đó lần lượt có thêm 8 thành viên: Qatar (1961); Indonesia (1962); Libya (1962); UAE (United Arab Emirates: Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, 1967); Algeria (1969); Nigeria (1971); Ecuador (1973) và Gabon (1975). Lần lượt hai nước Ecuador (1992) và Gabon (1994) rút tên nên hiện nay còn mười một thành viên. Lúc đầu tổng hành dinh OPEC đặt tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ) nhưng từ 1-9-1965 đã dời về Vienna (thủ đô Áo) cho tới nay. Website của OPEC tại www.opec.org.

Mục tiêu của OPEC là: (a) phối hợp và thống nhất các chính sách mua bán dầu hỏa giữa các thành viên để đảm bảo giá cả ổn định và công bằng giữa các nước sản xuất dầu; (b) cung cấp dầu cho các nước tiêu dùng một cách hiệu quả, tiết kiệm và thường xuyên; (c) hoàn vốn một cách công bằng cho các nhà đầu tư vào công nghiệp dầu hỏa.

OAPEC (the Organization of Arab Petroleum Exporting Countries: Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thuộc khối Ả Rập) là tổ chức liên chính phủ mang tính vùng hay miền (regional intergovernmental) được thành lập do thỏa thuận giữa các nước xuất khẩu dầu hỏa cùng nằm trong khối Ả Rập (có lẽ vì thế nên biểu tượng của OAPEC chỉ dùng tiếng Ả Rập).

OAPEC thành lập ngày 9-1-1968 tại Beirut (thủ đô Lebanon) gồm 3 thành viên sáng lập là Ả Rập Saudi, Kuwait và Libya. Họ chọn Kuwait là nơi đặt trụ sở chính. Năm 1970 tăng thêm 4 thành viên mới: Algeria, Bahrain, Qatar và UAE (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). Sau có thêm Iraq và Syria (1972), rồi thêm Ai Cập (1973). Tunisia gia nhập 1982 nhưng rút tên vào năm 1986 nên hiện nay chỉ còn 10 thành viên. Tổng thư ký đương nhiệm là Abdulaziz A. Al-Turki. Website của OAPEC tại www.oapecorg.org.


Mục tiêu của OAPEC là phát triển công nghiệp dầu thô bằng cách thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên, góp phần sử dụng hiệu quả các mỏ dầu thông qua việc bảo trợ các liên doanh (sponsoring joint ventures). OAPEC tin rằng xây dựng một công nghiệp dầu mỏ thống nhất cho khối Ả Rập là tạo ra cơ sở nền tảng quan trọng để sau này thống nhất kinh tế giữa các nước trong khối Ả Rập.

Tin cùng chuyên mục