Theo chân đoàn cán bộ dự án IMPP tỉnh Trà Vinh (Cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo), chúng tôi về ấp Thanh Nguyên tìm gặp anh Huỳnh Văn Đẳng, Tổ trưởng Tổ hợp tác Chánh Nguyên, xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành, người khởi xướng trồng giống ớt chỉ thiên ở vùng này.
Dù đang giữa trưa nắng nhưng anh hăng hái đưa chúng tôi ra ruộng tham quan mô hình trồng ớt chỉ thiên của các hội viên trong tổ. Bà Thạch Thị Hết, 50 tuổi, ở ấp Thanh Nguyên A, cùng chồng là ông Ngô Chân đang hì hục giữa trưa nắng hái vội 1,5 công ớt chín rộ đầu vụ để kịp giao hàng về TPHCM.
Thấy có khách đến tham quan, bà ngưng tay, cười tươi tiếp chuyện: “Năm nay bà con chúng tôi trúng đậm mùa ớt, loại ớt chỉ thiên hổm rày rất được giá, bán tại ruộng 19.000 đồng/kg nên nhà nào cũng thu lợi nhuận cao. So với trồng bầu, bí hay lúa, lợi nhuận từ ớt cao gấp 8 đến 10 lần…”.
Tiếp lời bà Hết, ông Thạch Sư, tổ viên Tổ hợp tác Chánh Nguyên khoe: “Gia đình tôi trồng được gần 1 công ớt chỉ thiên, đến nay đã thu hoạch được 2 đợt. Trồng giống ớt chỉ thiên ít bị sâu bệnh, chịu hạn tốt, chăm sóc cũng khỏe”.
Trong khi nhiều giống ớt khác lúc cho trái đều mọc rủ xuống đất, thì cây ớt chỉ thiên cho trái lại quay lên trời. Nên bà con đặt cho nó cái tên là ớt chỉ thiên. Ớt chỉ thiên có nguồn gốc Nam Mỹ được thuần hóa và trồng ở châu Âu, Ấn Độ cách đây hơn 500 năm và du nhập vào Việt Nam hơn 10 năm qua. So với nhiều giống ớt khác, ớt chỉ thiên có giá trị kinh tế cao, thị trường xuất khẩu rộng, luôn hút hàng. |
Nhiều nông dân ở đây còn cho biết, thời nay trồng ớt khỏe re, cứ vừa hái xong là có thương lái vào tận ruộng thu mua để xuất qua Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc… Vụ ớt năm nay cho năng suất khá cao, trung bình 1,8-2 tấn/công.
Nông dân Huỳnh Văn Đẳng, nhớ lại: Thời kỳ đầu vận động bà con địa phương bỏ cây bầu, cây bí, dưa hấu vì đầu ra bấp bênh để chuyển sang trồng giống ớt chỉ thiên nhiều người chẳng tin, bà con lo khi phát triển đại trà không nơi tiêu thụ.
“Để phát động phong trào, khuyến khích nông dân sản xuất giống ớt này, tôi mạnh dạn chuyển 13 công đất của mình sang trồng cây ớt chỉ thiên. Tới lúc thu hoạch, ớt cho thu nhập mỗi ngày. Đặc biệt, chi phí đầu tư ít nhưng thu hoạch được 7-10 tháng. Từ hiệu quả trồng ớt của tui, bà con mới trồng theo” - Anh Đẳng tâm sự.
Về vùng trồng ớt Chánh Nguyên, Mỹ Chánh thời điểm này chúng tôi thấy các điểm thu mua ớt lưu động cũng “mọc” khắp nơi. Vào mỗi đợt thu hoạch rộ, thương lái còn chạy xe ra tận ruộng để chờ “ăn” hàng. 1 công ớt trồng được 2.600 đến 2.800 gốc mùa mưa, 3.200 đến 3.500 gốc mùa khô. Loại ớt này cho trái rất sai và có thể ra trái đến khi cây tàn, trung bình từ 800-1.000 trái ớt/cây.
Từ mô hình ban đầu của nông dân Huỳnh Văn Đẳng, hiện nay mô hình này đã nhân rộng lên hơn 100 hộ với diện tích lên đến 20 ha, riêng tổ hợp tác Chánh Nguyên có 30 thành viên tham gia.
Anh Đẳng cho biết thêm: Hiện tổ hợp tác Chánh Nguyên đã ký được hợp đồng với Công ty Hân Quy, TPHCM và Công ty Lâm Thái Sơn, tỉnh Đắc Lắc bao tiêu giá ớt thấp nhất 8.000 đồng/kg. Còn giá thị trường bao nhiêu công ty thu mua theo giá đó, đảm bảo không để nông dân thiệt.
Dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao, ớt chỉ thiên đang mở ra triển vọng đổi đời cho nhiều nông dân vùng đất khó Mỹ Chánh, Châu Thành, Trà Vinh.
ĐÌNH CẢNH