Phá thế độc quyền rating

Nỗi lo rating ảo
Phá thế độc quyền rating

Từ tháng 3-2016, hơn 100 kênh truyền hình trong nước sẽ tham gia hệ thống đo lường, định lượng khán giả (đo rating) nhằm xây dựng dữ liệu về hành vi, thói quen cũng như đánh giá sức hấp dẫn của từng chương trình được dư luận khá quan tâm.

Ca sĩ Hà Vân (bìa trái) trình diễn tại chương trình Hãy nghe tôi hát trên Đài truyền hình Vĩnh Long

Nỗi lo rating ảo

Cũng giống như việc đếm view đối với báo điện tử, con số rating của các chương trình, các kênh truyền hình có ý nghĩa quan trọng. Chỉ cần dựa vào số rating mà các công ty truyền thông hay các nhà sản xuất sẽ nhận được những phản hồi tương đối chính xác đối với sản phẩm của mình. Ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Đo kiểm và dịch vụ phát thanh truyền hình cho biết, được ấp ủ từ khá lâu nhưng đến tháng 8-2014, hệ thống này mới đưa vào hoạt động thử nghiệm, việc vận hành chính thức bắt đầu năm 2016. Mục tiêu của dự án là xây dựng được dữ liệu về khán giả truyền hình, các thông tin về nhân khẩu, thói quen và hành vi của khán giả; nhất là số lượng khán giả của mỗi chương trình, thời lượng xem của mỗi khán giả đối với mỗi chương trình. Đồng thời, dự án cũng nhằm xây dựng hệ thống thiết bị xử lý dữ liệu định lượng khán giả truyền hình, phục vụ công tác đánh giá hiệu quả nội dung thông tin trên truyền hình; nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, đánh giá các chương trình truyền hình, phục vụ công tác lập báo cáo, xếp hạng và đánh giá chương trình truyền hình.

Trong thời gian đầu, dự án triển khai tại hai thành phố Hà Nội, TPHCM và có khả năng mở rộng phạm vi nghiên cứu trong tương lai. Hiện tại, dự án đang đo lường và cung cấp dữ liệu cho 100 kênh truyền hình trong nước. Trong đó, hệ thống cung cấp dữ liệu cho 50 kênh có chỉ số chi tiết đến các chương trình, khung chương trình; 30 kênh có chỉ số chi tiết đến từng spot quảng cáo.

Sở dĩ dư luận quan tâm, bởi từ lâu, câu chuyện về độ trung thực mà các chỉ số rating được cung cấp không phản ánh đúng thực tế, không còn là câu chuyện mới mẻ. Thực tế, đã có rất nhiều kênh truyền hình, nhiều công ty truyền thông lâm vào hoàn cảnh khốn đốn hay buộc phải đóng cửa, lý do cũng vì quá tự tin vào chỉ số rating, dẫn đến những bước đi sai lầm về chiến lược phát triển nội dung chương trình. Trong một xã hội gần như truyền hình có doanh thu bằng 0 từ khán giả, việc sống dựa gần như hoàn toàn vào các hoạt động quảng cáo vẫn đẩy các nhà đài vào tình cảnh buộc phải chấp nhận những gì mà các nhà khảo sát rating cung cấp.

Các thí sinh trong chương trình Hãy nghe tôi hát, một trong những chương trình có rating cao nhất Đài Truyền hình Vĩnh Long hiện nay

Tin cậy, khách quan hơn!

Cho đến trước khi hệ thống này ra đời, việc đo chỉ số rating ở Việt Nam chỉ do mỗi Công ty TNHH Truyền thông TNS Media Việt Nam (thuộc Tập đoàn Kantar Media - Anh) cung cấp. Thế độc quyền của TNS khiến nảy sinh không ít nghi ngờ và bức xúc từ phía các đơn vị sản xuất, từ phim cho đến chương trình truyền hình thực tế xung quanh vấn đề rating, bởi có những chương trình hoặc bộ phim được khán giả đánh giá cao nhưng rating rất thấp. “Thậm chí, dư luận vẫn râm ran xung quanh việc chi tiền để nâng “chấm” rating tùy theo chương trình, thời điểm… Tất nhiên, đây chỉ là dạng thông tin “rỉ tai” nhau của dân trong nghề vì rất khó kiểm chứng”, bà Thục Vy, giám đốc một công ty truyền thông cho biết. Bà Vy cũng cho rằng, với những diễn biến của thực trạng chỉ số rating ở Việt Nam hiện nay, việc có thêm một hệ thống đo lường rating tin cậy là điều đáng hoan nghênh.

The Remix mùa đầu tiên có chỉ số rating khác biệt với chỉ số từ các công cụ đo lường trên Social media. Trong ảnh ca sĩ Giang Hồng Ngọc biểu diễn trong chương trình The Remix

Ở một góc nhìn khác thiên về kỹ thuật, ông T.Q., từng nhiều năm phụ trách truyền thông cho một trong những “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất chương trình truyền hình, nhận định: “Trước hết, People Meter đúng là hệ thống đo lường tỷ suất người xem phổ biến trên thế giới. Nó cũng đã xuất hiện tại Việt Nam những năm gần đây bởi nhà cung cấp Kantar Media. Nên có thể thấy đây không phải là điều quá mới mẻ. Nhưng dù cho với bất kỳ nhà cung cấp kết quả nào thì đây cũng chỉ là kết quả tham khảo để các Media Agency quyết định việc đăng ký quảng cáo. Nói về hệ thống đo lường này, giới chuyên môn trong hai năm gần đây đã bắt đầu có chút “lo lắng” về mức độ “hợp lý” của các kết quả về tỷ suất người xem khi mà sự phát triển về các công cụ đo lường trên social media thường cho ra kết quả không khớp. Ví dụ như một số chương trình truyền hình càn quét mạng xã hội với các chỉ số cho thấy sự quan tâm rất lớn nhưng kết quả rating không cao. Có hai yếu tố dẫn đến việc không đảm bảo độ tin cậy cho hệ thống đo lường này là số lượng mẫu (bao nhiêu bộ thiết bị được phân bổ) và chất lượng mẫu (thiết bị được gắn ở nhà ai). Như vậy, trong thời gian tới sẽ có thêm một kênh thông tin nữa để tham khảo. Theo quan điểm cá nhân, các kết quả gần với kết quả đo lường trên mạng xã hội nhất là hợp lý nhất”.

Nói một cách ví von, việc đặt món ăn lên mặt bàn không thể không nghĩ tới người sẽ thưởng thức nó. Chính vì vậy, nhu cầu của người xem là điều cần ưu tiên số một với nhà đài lẫn nhà sản xuất. Việc tiến hành đo rating rất quan trọng bởi nó chi phối hai yếu tố chính: khán giả và thương mại. Xét trên yếu tố người xem, rating chính là thước đo thị hiếu khán giả. Về mặt thương mại, các đài truyền hình có thể kiểm soát được hiệu quả cũng như mức độ thỏa đáng về mức giá quảng cáo mà họ đưa ra cho những doanh nghiệp muốn quảng cáo sản phẩm của mình trong khung giờ phát sóng. Ngoài ra, dựa vào các con số phân tích, các doanh nghiệp sẽ biết được đối tượng mà sản phẩm của họ hướng đến. Chính vì vậy, hướng đến một chỉ số rating phản ánh trung thực những gì đang diễn ra trong thực tế luôn là điều cần thiết, giúp thị trường ngày càng phát triển lành mạnh hơn. Và một khi thị trường có hơn một đơn vị cung cấp chỉ số rating thì độ tin cậy, tính khách quan của những con số sẽ càng cao.

 Dự án People Meter được thực hiện bởi Trung tâm Đo kiểm và dịch vụ phát thanh truyền hình (VIETNAM - TAM), Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT-TT. Theo lãnh đạo của VIETNAM TAM để đảm bảo có được những số liệu tốt, hàng ngày, dữ liệu nhật ký truyền hình của hộ gia đình sẽ được các People Meter (được lắp đặt tại các hộ gia đình) ghi lại và tổng hợp. Từ 2 giờ - 6 giờ sáng ngày hôm sau, dữ liệu nhật ký truyền hình của ngày hôm trước sẽ được gửi về trung tâm để xử lý. Với quy trình này, thời gian cung cấp số liệu kiểm đếm sẽ chỉ rút xuống còn nửa ngày. Để đảm bảo tính chính xác, minh bạch của các số liệu thu được, tính thông tin bảo mật của hệ thống được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt. Số lượng các bộ đếm được triển khai ở Hà Nội là 270 chiếc và con số tương đương cũng được lắp đặt tại TPHCM, tuy nhiên để tránh trường hợp gian lận danh sách các hộ gia đình được chọn đều được giữ kín. Phương pháp, quy trình vận hành xử lý dữ liệu được áp dụng theo 10 tiêu chuẩn vàng về nghiên cứu đo lường khán giả truyền hình do Hiệp hội Đo lường định lượng khán giả thế giới - Audience Research Methods (ARM) Group đưa ra.

MAI AN - GIA BÌNH

Tin cùng chuyên mục