Phải sòng phẳng theo cơ chế thị trường

Mới đây, Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công thương gửi văn bản yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ đạo chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 “tập trung mua than của Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) sản xuất.

Mới đây, Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công thương gửi văn bản yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ đạo chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 “tập trung mua than của Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) sản xuất.

PVN chủ động làm việc với TKV để ký hợp đồng mua bán than năm 2016; đồng thời, đàm phán để ký kết hợp đồng mua bán than dài hạn cho nhà máy trước ngày 15-7”. Các chuyên gia trong ngành cho rằng, chỉ đạo này khó có thể đặt thành vấn đề khi cả TKV và PVN đều là tập đoàn nhà nước và cùng là “người nhà” thuộc Bộ Công thương. Song, đối với người dùng điện, văn bản kết luận này thực sự là một câu chuyện lớn khi mà giá than của TKV hiện đang cao hơn than nhập khẩu tính ra khoảng 5USD/tấn so với giá nhập khẩu. Theo đó, mỗi năm các nhà máy máy nhiệt điện trên cả nước tiêu thụ gần 30 triệu tấn than, tính ra tiền chênh lệch có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng!

Trên thực tế, việc đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng than là vấn đề sống còn đối với nhà máy nhiệt điện. Được biết, riêng với Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, để vận hành được liên tục cả 2 tổ máy, lượng than tiêu thụ trung bình mỗi ngày lên tới khoảng 9.000 tấn, tương đương khoảng 3,3 triệu tấn/năm, chưa kể dự phòng. Tính chung toàn thị trường, nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện hiện lên tới gần 30 triệu tấn/năm. Do vậy, giá nhiên liệu cạnh tranh sẽ có giá điện cạnh tranh và ngược lại. Nhưng trong nhiều năm, TKV đã chịu thiệt thòi khi không được tính đủ giá than bán cho điện. Nay khi giá than bán cho hộ tiêu thụ lớn này đã tiệm cận giá thị trường thì giá thế giới lại giảm, cũng có thể coi là một thiệt thòi của ngành than khi nhiều khách hàng tìm thêm nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đã đặt vấn đề về việc nếu tính theo đơn vị nhiệt năng, giá bán than trong nước của TKV đang cao hàng đầu thế giới, vì giá thành khai thác than của TKV cũng đang cao hàng đầu thế giới. Như vậy, nếu dùng mệnh lệnh hành chính để yêu cầu các nhà máy điện tiêu thụ than cho TKV, phải chăng là đang “ép” người tiêu dùng chia sẻ với tập đoàn này vì các nhà máy điện suy cho cùng cũng chỉ trả hộ. Cho nên, thay vì những mệnh lệnh như vậy, nên chăng yêu cầu tâp đoàn này tối ưu hóa chi phí sản xuất để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh.

Tại một số nhà máy nhiệt điện hiện đang sử dụng cùng lúc hai nguồn than trong nước và nhập khẩu, hiện đang có tình trạng oái oăm khi hạch toán hai loại giá than do có sự chênh lệch về mức giá giữa than trong nước so với than nhập khẩu. Theo chỉ đạo của Bộ Công thương, các nhà máy nhiệt điện chỉ được thanh toán chi phí than đã mua từ nguồn khác với giá than bao gồm cước vận chuyển “không vượt quá” giá than trong nước kể cả cước vận chuyển do TKV cung cấp. Nhưng nay, khi giá than nhập không những không vượt mà còn thấp hơn thì giá than trong nước lại không điều chỉnh theo mà mỗi “ông” một giá. Với tính toán gần nhất theo Quy hoạch điện VII, để đáp ứng nhu cầu than cho điện từ năm 2016 trở đi sẽ phải nhập khẩu khoảng vài triệu tấn và đến năm 2020 có thể lên 20 - 30 triệu tấn/năm. Nếu câu chuyện này không được giải quyết rạch ròi, e rằng sẽ khó xây dựng được một cơ chế thị trường sòng phẳng.

THẢO TIÊN

Tin cùng chuyên mục