Phân biệt chữ Hán, chữ Nôm, chữ Hán Nôm

Hỏi:

Hỏi: Xin giúp tôi phân biệt: chữ Hán, chữ Nôm, chữ Hán Nôm.
Nguyễn Trung Chánh (Đồng Tháp)

1. Chữ Hán là ngôn ngữ của người Trung Quốc nên người Hoa có thể đọc được. Chữ Hán còn có các tên gọi xưa như chữ Nho (chữ dùng để dạy đạo Nho, tức Khổng giáo), chữ ta (cách gọi sai lầm của trí thức Việt Nam ngày xưa), chữ Hoa, chữ Trung, chữ Tàu.

Còn chữ Nôm là thứ chữ xưa do người Việt chế tác để ghi tiếng Việt bằng các cách mà chúng tôi đã trình bày ở các số báo trước đây.

Trong tiếng Việt có nhiều yếu tố gốc Hán, như nhân, đạo, tiền, hậu… (độ 70% trong tiếng Việt) nên trong chữ Nôm có nhiều chữ Hán còn giữ nguyên dạng nên người Hoa đọc được. Ngoài ra, còn khoảng 30% chữ Nôm vốn là chữ Hán đọc chệch, đọc theo âm xưa, ghép hai chữ Hán,…. Trước những chữ Nôm chính cống này, người Hoa không đọc được hoặc đọc không đúng. Thí dụ; chữ Hán cố (chấp) người Việt đọc âm Nôm là có; chữ Hán biệt (ly) người Việt đọc là biết,…

Còn cách gọi chữ Hán – Nôm là không đúng vì đây là tên gọi hai thứ chữ nên chỉ có thể gọi chữ Hán và chữ Nôm hoặc ngành Hán – Nôm là ngành chuyên nghiên cứu hai thứ chữ trên.

PGS-TS Lê Trung Hoa

Tin cùng chuyên mục