Phân biệt hòa giải thương mại và trọng tài thương mại

Hòa giải thương mại và trọng tài thương mại là hai trong các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn (ngoài tòa án) theo pháp luật Việt Nam. Theo đó, các phương thức này được hình thành dựa trên sự thỏa thuận, tự nguyện và có thủ tục giải quyết tuân thủ quy định pháp luật; cụ thể là Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại và Luật Trọng tài thương mại năm 2010. 
Một số điểm giống nhau
Hòa giải thương mại và trọng tài thương mại có nhiều điểm giống nhau. Đó là: Thẩm quyền phát sinh từ sự thỏa thuận của các bên. Điều kiện cần để các bên tiến hành giải quyết thông qua các phương thức là phải có tồn tại thỏa thuận hòa giải hoặc thỏa thuận trọng tài dưới hình thức văn bản.
Các thỏa thuận thể hiện ý chí các bên đồng ý sử dụng các phương thức này để giải quyết các tranh chấp phát sinh và có thể được lập trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp. 
Tiếp theo là tính bảo mật. Khác với cơ chế giải quyết tranh chấp tại tòa án, một trong những đặc trưng quan trọng của các phương thức là tính bảo mật (không công khai). Tính bảo mật sẽ giúp các bên bảo vệ được uy tín kinh doanh, các vấn đề riêng tư của mỗi bên.
Theo đó, các vấn đề tranh chấp chỉ được hòa giải viên hoặc trọng tài viên, các bên và những người có thẩm quyền của các trung tâm hòa giải thương mại, trung tâm trọng tài thương mại (nếu các bên sử dụng hòa giải hoặc trọng tài quy chế) được biết. Bên thứ ba không thể có tài liệu, thông tin về vụ tranh chấp, trừ các trường hợp được quyền thu thập thông tin theo qui định pháp luật.
Phân biệt hòa giải thương mại và trọng tài thương mại ảnh 1 Một số thương hiệu thời trang trên thế giới nhờ các trung tâm trọng tài thương mại Việt Nam hỗ trợ pháp lý việc sản phẩm của họ bị làm giả. Trong ảnh: Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra một lô hàng nhập lậu, có dấu hiệu giả mạo
Kế đến có sự tham gia của bên thứ ba. Trong các phương thức này, mỗi bên đều có quyền lựa chọn người mà thực hiện dưới vai trò là hòa giải viên hoặc trọng tài viên để giải quyết.
Trong việc lựa chọn này phải cân nhắc đến các tiêu chí của người thứ ba theo qui định pháp luật, bao gồm các tiêu chí chung và các tiêu chí cụ thể liên quan đến đặc thù của vụ tranh chấp (như kinh nghiệm chuyên môn, khả năng ngôn ngữ...). Sự lựa chọn đáp ứng các tiêu chí này sẽ giúp các bên giải quyết vụ tranh chấp một cách tốt nhất.
Những khác biệt cơ bản
Một số điểm khác biệt chính của hai phương thức giải quyết tranh chấp nêu trên cần lưu ý là: Tính độc lập của thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận hòa giải so với hợp đồng. Khi trong hợp đồng có tồn tại thỏa thuận hòa giải hoặc thỏa thuận trọng tài thì thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận độc lập với hợp đồng.
Do vậy, nếu hợp đồng vi phạm điều cấm của luật thì hợp đồng bị vô hiệu, nhưng không kéo theo thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu. Trong tình huống tương tự, thỏa thuận hòa giải sẽ bị vô hiệu theo hợp đồng. 
Thêm nữa, ở đây thể hiện điểm khác biệt của vai trò, thẩm quyền của bên thứ ba. Cụ thể, trong quá trình hòa giải, hòa giải viên sẽ giúp các bên hiểu rõ về quan điểm của bên còn lại mà không quyết định ai đúng, ai sai. 
Kết quả giải quyết tranh chấp luôn phụ thuộc vào các bên; hòa giải viên không có thẩm quyền áp đặt hòa giải đối với các bên. Trong khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, người ra quyết định cuối cùng là trọng tài viên.
Họ chỉ ra phán quyết dựa trên quy định pháp luật và các sự việc đã xảy ra làm phát sinh tranh chấp. Các bên không thể biết trước được kết quả giải quyết tranh chấp cho đến khi nhận được phán quyết do hội đồng trọng tài ban hành. 
Để giúp các bên hiểu rõ quan điểm của nhau và đạt được thỏa thuận hòa giải thì hòa giải viên sẽ khai thác thông tin, tài liệu do chính các bên cung cấp.
Đối với trọng tài, ngoài những tài liệu, chứng cứ, lập luận của các bên, hội đồng trọng tài còn có thẩm quyền khác theo luật định như thẩm quyền xác minh sự việc từ người thứ ba, thẩm quyền triệu tập người làm chứng... để thu thập thêm thông tin nhằm đảm bảo việc giải quyết tranh chấp khách quan, đúng theo pháp luật.
Ngoài ra, thủ tục giải quyết và cưỡng chế thi hành giữa hòa giải thương mại so với trọng tài thương mại cũng khác biệt. Quy trình hòa giải do các bên thỏa thuận hoặc quy định tại các quy tắc hòa giải ở những trung tâm hòa giải do các bên lựa chọn.
Tuy nhiên, quy trình thường có nhiều phiên họp giữa hòa giải viên với các bên, được gọi là các phiên hòa giải. Các phiên này có thể có sự tham gia của đầy đủ các bên hoặc chỉ là phiên họp kín giữa hòa giải viên với từng bên.
Chính phiên họp kín này là “môi trường” lý tưởng cho hòa giải viên tìm hiểu rõ những “tảng băng chìm”, những vấn đề các bên chưa hiểu lẫn nhau. Đây là yếu tố quan trọng giúp hòa giải viên gợi ý các giải pháp tiếp cận vấn đề cho các bên nhằm hướng tới đạt được kết quả hòa giải thành.
Ngược lại, trong tố tụng trọng tài, các phiên họp giải quyết tranh chấp của trọng tài không bao giờ chỉ dành riêng cho một bên, mà đòi hỏi phải có mặt của cả hai bên. Trường hợp vắng mặt, tùy từng tư cách của họ, nếu là nguyên đơn thì xem như rút đơn khởi kiện; còn là bị đơn thì hội đồng trọng tài sẽ tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp dựa trên các tài liệu, chứng cứ hiện có. 
Nếu hòa giải thành công, chấm dứt thủ tục hòa giải sẽ là văn bản kết quả hòa giải thành mà khi đó, nếu một bên không tự nguyện thực hiện thì bên còn lại có thể yêu cầu tòa án có thẩm quyền công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án (trước khi muốn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế thi hành theo pháp luật thi hành án dân sự). 
Đối với tố tụng trọng tài, phán quyết trọng tài sẽ có hiệu lực chung thẩm. Nếu một bên không thi hành theo phán quyết, bên còn lại có quyền yêu cầu cơ quan thi hành dân sự cưỡng chế thi hành mà không phải qua thủ tục công nhận tại tòa án (trừ trường hợp phán quyết trọng tài vụ việc phải đăng ký tại tòa theo qui định).

Tin cùng chuyên mục