
Chiều 16-11, đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM chủ trì buổi đối thoại với hơn 100 giảng viên, giáo viên (GV) trẻ tiêu biểu của TPHCM. Buổi đối thoại còn có bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM và đại diện các sở ban ngành TP tham gia. Không chỉ băn khoăn về chuyên môn dạy học, những cơ chế quản lý, điều kiện làm việc, lương và chế độ đãi ngộ được nhiều GV quan tâm đã làm “nóng” buổi đối thoại kéo dài hơn 4 giờ.
Khó đổi mới phương pháp giảng dạy
Là những GV trẻ có nhiều nỗ lực, thành tích xuất sắc đến từ các trường lớn, nhỏ, người ở tận huyện đảo Cần Giờ hay ở một ngôi trường nghèo xa xôi của TPHCM, trong họ có lòng yêu nghề, yêu trẻ và tâm huyết với sự phát triển của ngành GD TP. Nhưng họ cũng thừa nhận, sống với nghề “gõ đầu trẻ”, chỉ bằng cái tâm thôi, chưa đủ…

Cô Vũ Thị Hạnh Thu phát biểu trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP. Ảnh: VIỆT DŨNG
“Phát pháo” đầu tiên, cô giáo trẻ Nguyễn Tuyết Phương của Trường ĐH Khoa học tự nhiên chỉ ngay khuyết điểm trong đổi mới phương pháp dạy học: “Các nhà GD luôn khẳng định để nâng cao chất lượng GD thì phải đổi mới phương pháp dạy – học hiện nay. Nhưng rào cản lớn nhất là những quy định, tiêu chuẩn đánh giá quá rạch ròi, tiểu tiết từ soạn giáo án, chương trình khung đến cách đánh giá kết quả học tập… buộc GV phải chạy theo, mất dần hứng thú, sáng tạo trong dạy học. Thử hỏi, một GV tiểu học phải làm tất tần tật mọi việc nhưng phải đúng quy trình, thời hạn sẽ không còn thời gian và sức lực đầu tư cho lớp học thêm sinh động”.
Nhiều GV còn dẫn ra những bất cập như chương trình học tập, SGK quá tải dẫn đến thực tế là HS học kiến thức nhưng thiếu những kỹ năng về cuộc sống. Đó là chưa kể với HS khuyết tật, khiếm thị, sự thiếu thốn về tài liệu, sách vở càng lớn mà đúng lý thì những HS khiếm khuyết này cần được đầu tư nhiều hơn.
Câu chuyện của cô Lý Thị Hồng Thắm, Trường THPT Nguyễn Trãi (quận 4) có lẽ cũng là nguyên nhân giải thích cho những vướng mắc trên. Cô kể: “Để tăng sinh động dễ hiểu cho HS, tôi làm 1 video tốn 2 triệu đồng. Kết quả, môn học nhận được sự đánh giá cao của HS, phụ huynh và ban giám hiệu nhưng cuối cùng tôi nhận được 100.000 đồng. Thiết nghĩ, nên có quỹ dành cho GV làm dụng cụ, minh họa cho môn học để những GV có tâm không chịu thiệt thòi”.
Trả lời vấn đề này, ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM giải thích: “Để đổi mới phương pháp dạy và học từ số đông sang cá thể đòi hỏi phải thay đổi tư duy, trình độ GV mà trước hết là các GV trẻ; giảm sĩ số lớp học, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và cả cơ chế quản lý. TPHCM bắt đầu đổi mới từ nhiều năm nay, “năn nỉ” GV đổi mới nhưng không khoán hẳn chương trình để GV muốn làm sao thì làm”. Thầy Trần Quốc Toản của Trường TH Trung Nhất (Phú Nhuận) góp ý nên chăng vận động PHHS cùng đóng góp xây dựng trang thiết bị phục vụ học tập.
Đồng chí Nguyễn Văn Đua khẳng định: “Cơ sở vật chất thì vẫn đầu tư, nhưng phải hiểu chủ trương xã hội hóa GD cho đúng. Mối quan hệ giữa nhà trường – PHHS phải minh bạch, hỗ trợ trao đổi về học tập và sinh hoạt của HS. Nhưng với tư cách là một PHHS, tôi xin đặt hàng lại với các GV là nên vận dụng những cái sẵn có nhưng giàu giá trị như trích đoạn cải lương, bảo tàng lịch sử, địa đạo Củ Chi, thảo cầm viên… vừa giúp HS học kiến thức thực tế vừa tiếp thu lịch sử dân tộc. Đó cũng là sáng tạo, mà không cần phải đầu tư nhiều tiền hay thay đổi gì ghê gớm”.
Dạy bằng cái tâm thôi chưa đủ
GV Đặng Tất Dũng (Trường ĐH Luật TPHCM) “mổ xẻ” hiện tượng “chảy máu chất xám”, nhiều trí thức bỏ cơ sở công để ra ngoài làm việc vì thiếu điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ.
Không chỉ quy chế “làm khó” GV trong dạy học mà điều kiện để GV trẻ học tập, nâng cao tay nghề cũng khan hiếm. GV Vũ Thị Hạnh Thu dẫn chứng: “Điều kiện ưu đãi cho GV trẻ quá thấp, đa phần GV trẻ đều phải ở nhà thuê, kể cả căn chung cư nhỏ cũng không mua nổi, đời sống bấp bênh; hoạt động nghiên cứu khoa học cho GV trẻ trong các trường ĐH- CĐ còn hạn chế nguồn tư liệu, kinh phí…”. Với những GV trẻ có thừa sức trẻ và tâm huyết với nghề nhưng bấy nhiêu đó không thể giúp họ sống, học tập và làm chuyên môn.
Thầy Lê Tấn Lộc, GV Trường TH Minh Đạo quận 5 dẫn một câu chuyện làm cả khán phòng cười lớn: “Một HS ghi vào lưu bút ước mơ sau này trở thành GV, rồi sau đó làm ca sĩ hoặc kỹ sư. Cậu học trò nói là thích làm thầy giáo nhưng sau đó phải chuyển sang nghề khác vì thầy giáo nghèo quá thầy ơi!”. Mà đúng như vậy thật, bản thân vợ chồng thầy Lộc đã gắn bó với nghề 16 năm nay nhưng đến giờ vẫn phải ở nhà trọ và cũng chỉ dám có 1 đứa con thôi…
Cô Nguyễn Thị Lan, GV Trường THCS Cần Thạnh (Cần Giờ) tâm sự buồn: “Cái khó khăn lớn nhất cho GV vùng ven là thiếu điều kiện làm việc. Tôi chỉ mong được học chính trị, đứng vào hàng ngũ Đảng để đóng góp sức trẻ cho ngành GD. Ở trường cô chỉ có 3 máy vi tính, 1 của hiệu trưởng, 1 dành cho hiệu phó và 1 là của kế toán, văn thư làm việc. Thỉnh thoảng GV mới được làm việc trên máy tính. Có lần, chỉ 3 ngày nữa thao giảng bằng PowerPoint, GV phải vắt giò mà soạn giáo án”.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà xúc động: “Tôi biết đời sống GV gặp nhiều khó khăn nên vừa qua UBND TP cố gắng giải quyết tiền phụ trội cho GV mầm non bớt khổ. Nhưng ngân sách cũng có giới hạn, Sở Tài chính đồng ý duyệt tăng tiền 200 giờ/năm cho GV mầm non. Hệ thống trường lớp của TP đang quá tải, cần đầu tư thêm cơ sở vật chất và nhất là ở các trường vùng sâu, vùng xa…”.
Lắng nghe những lời tâm huyết của các vị lãnh đạo TP dành cho ngành GD, nhiều GV trẻ càng củng cố thêm lòng yêu nghề và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Họ phấn đấu thầm lặng bằng sự sáng tạo và trí tuệ của mình, những người thầy cô Trần Tuấn Anh, Lý Thị Hồng Thắm… và còn nhiều nữa những GV trẻ vẫn ngày ngày cặm cụi bên bảng đen, phấn trắng, học trò…
MINH TÚ - TIÊU HÀ