
Ngày 25-3-1975, tỉnh Thừa Thiên - Huế hoàn toàn được giải phóng. Qua 30 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được những thành quả kinh tế, văn hóa - xã hội đáng tự hào. Hiện nay, Thừa Thiên - Huế đang đứng trước những vận hội mới, thách thức mới. Nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng Thừa Thiên - Huế, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Xuân Mãn - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế về những vấn đề trên.
- PV: Thưa đồng chí Bí thư, xin đồng chí cho biết những thành tựu chủ yếu về kinh tế - xã hội mà Thừa Thiên - Huế đạt được sau 30 năm giải phóng?

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn
- Đồng chí HỒ XUÂN MÃN: Thành tựu lớn nhất trong 30 năm qua là đã làm thay đổi căn bản về cách nhìn, nếp nghĩ, tư duy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là tư duy kinh tế của con người ở một vùng đất vốn không phải là trung tâm kinh tế năng động như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác.
Thời kỳ 1990 - 2005, sau khi phân chia lại tỉnh và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nền kinh tế Thừa Thiên - Huế luôn duy trì mức tăng trưởng cao.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ - du lịch ngày càng tăng trong GDP (36% và 43,6%), nông nghiệp chỉ còn 20,4% (năm 1990 cơ cấu này là 22,2% - 36,8% - 41%). Từ năm 2000 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9,2%/ năm (thời kỳ 1976-1989 là 3,4%)... Nhiều công trình quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc gia và khu vực được khởi công và đưa vào sử dụng đã và đang làm cho Thừa Thiên - Huế trở thành một tỉnh động lực của miền Trung và cả nước.
Gần đây nhất, thành công của 3 kỳ Festival (2000, 2002, 2004) đã tạo tiền đề quan trọng để xây dựng Huế trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, mở ra triển vọng thúc đẩy ngành du lịch dịch vụ phát triển. Đại học Huế với 7 trường thành viên, có 1.227 cán bộ giảng dạy (800 người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và thạc sĩ: 60 giáo sư, phó giáo sư, 203 tiến sĩ, 537 thạc sĩ, 377 giảng viên chính, 18 nhà giáo ưu tú) là nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Ngành Y tế từng bước khẳng định là một trung tâm y tế chuyên sâu; 75% trạm y tế có bác sĩ, 1 vạn dân có 9 bác sĩ. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, không còn hộ đói, số hộ nghèo còn 7%. Hoàn thành Chương trình điện khí hóa, 100% số xã có điện lưới quốc gia với 95% số hộ sử dụng điện, 75% số hộ nông thôn sử dụng nước sạch.
- Để trở thành động lực phát triển kinh tế của miền Trung và cả nước, thời gian tới, Thừa Thiên – Huế sẽ làm gì, thưa đồng chí?
- Mục tiêu quan trọng trong thời gian sắp tới mà Thừa Thiên - Huế quyết tâm phấn đấu là vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao của các trung tâm: Trung tâm văn hóa du lịch; Trung tâm giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học; Trung tâm y tế chuyên sâu và đặc biệt là phấn đấu để trở thành một Trung tâm kinh tế của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung và cả nước. Thừa Thiên - Huế sẽ thực hiện bằng được mục tiêu đó, bắt đầu bằng việc đẩy mạnh cải cách hành chính, xem cải cách hành chính là khâu đột phá, là giải pháp trọng tâm, hàng đầu, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ cương và trách nhiệm; tập trung xây dựng nền hành chính có hiệu lực quản lý và điều hành cao, xã hội trật tự kỷ cương.
Cụ thể, Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung và tạo đột phá vào 3 mũi nhọn: công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, du lịch dịch vụ và nuôi trồng và chế biến thủy sản; đồng thời, ra sức vận hành để khu công nghiệp - đô thị Chân Mây sớm ra đời, trở thành khu vực kinh tế mở của tỉnh, tạo điều kiện phát triển nhanh trong quá trình hội nhập. Chúng tôi cũng sẽ chỉ đạo chính quyền sớm ban hành các chính sách ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, bà con đồng hương Thừa Thiên - Huế trong và ngoài nước đến đầu tư.
Trong đấu tranh cách mạng, nhân dân Thừa Thiên - Huế với tinh thần “tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” để làm nên một Thừa Thiên - Huế anh hùng, thì ngày nay tinh thần đó phải được thể hiện ở sự đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo để phát triển Thừa Thiên - Huế thành một tỉnh giàu mạnh.
- Xin cảm ơn đồng chí!
HÀ NGUYÊN - NGUYỄN HÙNG