Phản hồi loạt bài “Miền Trung - Giải pháp an cư với lũ?”: Linh hoạt trong ứng phó

Nhân rộng mô hình “điểm”
Phản hồi loạt bài “Miền Trung - Giải pháp an cư với lũ?”: Linh hoạt trong ứng phó

Sau loạt bài “Miền Trung – Giải pháp an cư với lũ ?” nêu lên những kinh nghiệm, lẫn những “phát minh” của người dân miền Trung trong việc ứng phó với mưa lũ cũng như những bất cập trong công tác di dời dân vùng sạt lở, Báo SGGP đã nhận được những ý kiến, những phản hồi tích cực từ phía các ngành chức năng từ miền Trung.

Quảng Bình đang tổng kết mô hình nhà bè chạy lũ tại Tân Hóa, Minh Hóa để nhân rộng ra các vùng lũ khác, nhằm giảm thiểu thiệt hại khi lũ về. Ảnh: Minh Phong

Quảng Bình đang tổng kết mô hình nhà bè chạy lũ tại Tân Hóa, Minh Hóa để nhân rộng ra các vùng lũ khác, nhằm giảm thiểu thiệt hại khi lũ về. Ảnh: Minh Phong

Nhân rộng mô hình “điểm”

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết: Lãnh đạo sở rất hoan nghênh quý báo đã kịp thời phản ánh mô hình lò sấy lúa do nông dân Cao Văn Hướng (thôn Tiên Lai, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) sáng chế từ những vật liệu đơn giản như tre nứa, đất, xi măng... Đây là mô hình có tính thực tiễn cao, phù hợp với tình hình sản xuất lúa tại địa phương.

Do đó, việc đầu tư lò sấy có tính chất nhóm, hộ nông dân với quy mô vừa và nhỏ, phục vụ cho sản lượng lúa vài ba tấn trong thời gian ngắn là rất cần thiết. Sở NN-PTNT tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp, nhân rộng mô hình lò sấy lúa do nông dân Cao Văn Hướng sáng chế, áp dụng cho nông dân các vùng thấp trũng, thường xuyên đối mặt với nguy cơ mất mùa vì mưa lũ trên địa bàn.

Trong khi đó, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng cho rằng: “Qua Báo SGGP tôi được biết đến mô hình lò sấy lúa của nông dân Quảng Trị là rất cần thiết cho nông dân miền Trung hiện nay. Với tình hình thất bát trong vụ lúa vừa rồi do thời tiết, thiết nghĩ cần triển khai nhân rộng mô hình này cho nông dân các tỉnh miền Trung. Sắp tới, chúng tôi sẽ đi tham quan, tìm hiểu để phổ biến cho nông dân Đà Nẵng. Một khi mô hình này được nhận rộng, chắc chắn sẽ giảm thiểu thiệt hại cho nông dân rất nhiều trong việc ứng phó với thời tiết”.

Còn tại xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) năm nay đón 3 trận lũ lớn, nhưng nhờ mô hình nhà bè làm từ thùng phuy hoặc thùng nhựa đã giảm thiểu thiệt hại tài sản người dân.

Ông Cao Thanh Bình, Bí thư xã Tân Hóa cho biết, mô hình nhà bè đã cứu nhiều gia súc gia cầm, gạo, ngô, sắn, lúa và nhiều tài sản cũng như tính mạng người dân. Ban chỉ huy phòng chống bão lụt Quảng Bình đang nghiên cứu để đưa mô hình nhà bè của người dân Tân Hóa ra toàn địa bàn tỉnh nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân thường xuyên bị lũ lụt tấn công.

Cần giải quyết “phần gốc”

Về vấn đề tái định cư, ổn định cuộc sống cho người dân trong vùng sạt lở, nguy cơ lũ quét, ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN) Thừa Thiên - Huế cho rằng, các dự án đầu tư khắc phục các điểm sạt lở đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn và thời gian thực hiện tương đối dài. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã và đang triển khai các dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển và các dự án trồng rừng sản xuất, tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng, tăng độ che phủ rừng lên 60% trong năm 2011. Một khi ngăn chặn được tình trạng sạt lở, xâm thực thì khó khăn trong việc di dời dân, tái định cư cũng được giải quyết triệt để.

Đối với vấn đề xây dựng những công trình chưa đồng bộ và việc giải quyết tiêu thoát lũ làm tình hình ngập lụt thêm trầm trọng mà Báo SGGP phản ánh, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết: “Để mở rộng dòng chảy của lũ, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu Sở NN-PTNT, Sở Xây dựng… tiến hành nạo vét, xây kè trên sông Hà Thanh và các cửa sông, cửa biển”…

Còn tại Đà Nẵng, Ban chỉ huy PCLB và TKCN đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng mở rộng những cống thoát lũ trên tuyến QL14B, nhằm giải quyết tình trạng ngăn lũ do tuyến đường này gây ra trong thời gian qua. Khu Quản lý đường bộ 5 cũng đang nghiên cứu mở thêm những cầu, cống trên tuyến QL1A, đoạn qua địa bàn các tỉnh miền Trung, từ đó giảm áp lực ngập úng ở phía Tây tuyến đường. 

Đề cập giải pháp căn cơ để miền Trung sống chung với bão, lũ, ông Nguyễn Đăng Lâm, Giám đốc Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung, cho rằng: Trong thời gian tới, quỹ sẽ tập trung chương trình trồng rừng ngập mặn ven biển, bảo vệ người dân khỏi nạn xâm thực hoặc trồng rừng trên cát để ngăn chặn tình trạng cát bay, giúp chắn gió khi có bão xảy ra. Đây là những dự án thí điểm đã được thực hiện tại Thanh Hóa và Quảng Trị, sau đó sẽ triển khai rộng ở các tỉnh miền Trung khác.

Tuy nhiên, theo ông Lâm, với tình hình thời tiết diễn biến bất thường, tần suất những cơn bão, lũ xuất hiện ngày càng nhiều và mạnh hơn thì miền Trung rất cần một chính sách từ Chính phủ. Hiện nay, một số địa phương như Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế đã có mô hình nhà tránh bão, lũ, nếu Chính phủ có chính sách hỗ trợ triển khai xây dựng loại nhà này thì chắc chắn người dân sẽ an tâm hơn, thiệt hại giảm đi rất nhiều khi có thiên tai xảy ra. Mỗi năm miền Trung xây được khoảng 2.000 - 3.000 căn nhà kiểu này thì trong vòng vài năm sẽ không còn cảnh nhà nhà, người người bị nước lũ cuốn trôi ra biển.

Nhóm PV

- Miền Trung - Giải pháp an cư với lũ?

Tin cùng chuyên mục