Sau loạt bài “Nỗi buồn di tích”, phản ánh tình trạng các di tích rất có giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc ở miền Trung (đặc biệt là Quảng Nam) bị bỏ hoang phế, PV Báo SGGP đã phỏng vấn ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng tỉnh Quảng Nam xung quanh việc tìm giải pháp trước nguy cơ các di tích bị xóa sổ.
°PV: Ông đánh giá thế nào về thực trạng các di tích ở Quảng Nam hiện nay?
°Ông PHAN VĂN CẨM: Trước hết tôi rất hoan nghênh loạt bài mà Báo SGGP đã phản ánh về thực trạng các di tích ở Quảng Nam hiện nay, đặc biệt 2 di tích mộ bà Đoàn Quý Phi và Phật viện Đồng Dương. Đây là 2 di tích rất có giá trị về văn hóa lịch sử cũng như nghệ thuật kiến trúc mà các cấp, ngành ở Quảng Nam đang rất quan tâm. Trong đó, di tích mộ bà Đoàn Quý Phi đã được chúng tôi đưa vào danh mục các di tích cấp tỉnh đã xuống cấp nghiêm trọng và cần tu bổ gấp và sẽ tiến hành tu bổ vào đầu năm 2011. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn có 121 di tích cần tu bổ cấp thiết, gồm 32 di tích bị xuống cấp nghiêm trọng và 89 di tích hiện đã trở thành phế tích hoặc không còn vết tích gì. Những di tích này đã có đề án trùng tu, tôn tạo.
°Vậy với di tích cấp quốc gia như Phật viện Đồng Dương sẽ tiếp tục bỏ phế?
°Đây là di tích được đánh giá cực kỳ quý hiếm. Nhưng do hiện trạng của di tích này chỉ còn lại Tháp Sáng và một đoạn bờ tường thành; hơn nữa vì là di tích cấp quốc gia nên việc trùng tu, tôn tạo cần phải có lộ trình. Muốn thực hiện, UBND tỉnh phải có đề án gởi Bộ VHTT-DL cũng như các bộ, ngành liên quan. Nếu được đồng ý mới có thể tiến hành. Hiện Sở VHTT-DL đã tham mưu cho UBND tỉnh ra văn bản trình lên Bộ VHTT-DL phê duyệt đề án trùng tu cũng như khai quật di tích này. Trước mắt, chúng tôi sẽ tiến hành chống đỡ cấp thiết Tháp Sáng để tránh xảy ra tình trạng bị sụp đổ. Cần phải nói thêm, việc khai quật di tích này rất khó khăn. Bởi lẽ, khu vực di tích này rất rộng lớn, có thể gấp 5 lần Hoàng thành Thăng Long. Vì vậy, kinh phí cũng không hề nhỏ, việc bảo vệ sau khi khai quật cũng là vấn đề nan giải. Thực hiện trùng tu, khai quật ở Phật viện Đồng Dương phải có dự án cụ thể, chi tiết nên cần chờ thêm thời gian.
°Theo ông, để các di tích xuống cấp nghiêm trọng cũng như trở thành phế tích hoặc không còn dấu vết ở Quảng Nam trong thời gian qua là do thiếu kinh phí hay thiếu trách nhiệm?
°Nói thiếu trách nhiệm thì hơi quá. Các cấp, ngành cũng quan tâm, lo lắng lắm chứ, nhưng ngặt nỗi chưa có cơ chế rõ ràng. Đối với di tích cấp tỉnh, từ sau ngày giải phóng đến nay chưa có bất cứ một cơ chế tài chính nào cũng như kế hoạch thống nhất nên công tác tu bổ, tôn tạo còn rất hạn chế. Nhưng rất mừng là chúng tôi vừa hoàn thành đề án “Tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh giai đoạn 2011-2020” và đã được UBND tỉnh phê duyệt, cấp kinh phí hơn 42 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí này, ngay trong năm 2011, chúng tôi sẽ lần lượt cho chu bổ 32 di tích xuống cấp nghiêm trọng và 89 di tích hiện là phế tích. Đồng thời, chúng tôi cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế phân cấp quản lý di tích một cách cụ thể cho từng cấp, ngành; tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Còn đối di tích cấp quốc gia đã có “Chương trình mục tiêu quốc gia” của Bộ VHTT-DL hàng năm vẫn rót kinh phí để tỉnh thực hiện. Như vậy, có thể nói, đến thời điểm này, “bài toán” tu bổ, tôn tạo di tích ở Quảng Nam xem như đã có “lời giải”.
°Thời gian qua, do chưa có cơ chế phân cấp rõ ràng nên việc trùng tu các di tích do cấp huyện thực hiện. Trong khi, chuyên môn cũng như việc tuân thủ các quy định về trùng tu chưa được đảm bảo. Vì vậy, đã xảy ra nhiều trường hợp di tích sau khi được trùng tu đã biến dạng, thậm chí không còn nhận ra di tích nữa. Vậy, để chấm dứt tình trạng này theo ông cần có biện pháp gì?
°Trong đề án “Tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh giai đoạn 2011-2020”, chúng tôi cũng đã nêu, để đảm bảo tính chân xác trong việc trùng tu di tích, khuyến khích sử dụng những phương tiện, kỹ thuật truyền thống để tu bổ nhằm giữ gìn các yếu tố nguyên gốc, bản sắc, đặc trưng riêng của từng di tích. Mục đích cao nhất của việc bảo tồn, tu bổ di tích là bảo vệ và nâng tầm các giá trị nổi bật của di tích. Đối với các di tích kiến trúc nghệ thuật và di tích lịch sử có gắn với công trình kiến trúc tu bổ theo hướng phục dựng hoặc phục hồi, trên cơ sở các căn cứ khoa học đã được khẳng định. Đối với các di tích danh lam thắng cảnh sẽ bảo tồn theo hướng giữ nguyên trạng địa hình và quang cảnh tự nhiên, khôi phục các yếu tố cảnh quan gắn liền với di tích. Đối với các di tích đã phế tích hoặc không còn vết tích gì, tiến hành xây dựng nhà bia lưu niệm. Còn di tích khảo cổ học xây dựng nhà bia và hàng rào theo khu vực khoanh vùng bảo vệ.
NGUYỄN HÙNG (thực hiện)
Thông tin liên quan:
Nỗi buồn di tích. Bài 1: Xót xa lăng Bà Chúa, thành Hoàng Đế