Phân làn đường tại TP Hồ Chí Minh: Nhiều bất hợp lý

Thời gian qua trên địa bàn TPHCM, trên nhiều tuyến đường xe gắn máy không tuân theo bất kỳ luật giao thông nào, chạy tràn vào làn đường ô tô, leo lên lề, thậm chí chạy ngược chiều. Việc phân làn đường nhằm lập lại trật tự kỷ cương giao thông trên địa bàn TPHCM là điều cần thiết. Tuy nhiên, nhiều nơi phân làn, phân luồng lại gây ra nhiều bất tiện cho người tham gia lưu thông.
Phân làn đường tại TP Hồ Chí Minh: Nhiều bất hợp lý

Thời gian qua trên địa bàn TPHCM, trên nhiều tuyến đường xe gắn máy không tuân theo bất kỳ luật giao thông nào, chạy tràn vào làn đường ô tô, leo lên lề, thậm chí chạy ngược chiều. Việc phân làn đường nhằm lập lại trật tự kỷ cương giao thông trên địa bàn TPHCM là điều cần thiết. Tuy nhiên, nhiều nơi phân làn, phân luồng lại gây ra nhiều bất tiện cho người tham gia lưu thông.

Thấp thỏm đón xe buýt

Để khắc phục tình trạng kẹt xe do phân luồng trên đường Trường Chinh, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã đưa toàn bộ các trạm nhà chờ xe buýt ra con lươn giữa đường, vì xe buýt không còn được chạy vào làn xe gắn máy như trước đây, tức là buộc xe buýt chạy ở làn đường ô tô. Chính vì thế, hành khách muốn muốn đi xe buýt buộc phải băng ngang qua đường giữa dòng xe gắn máy lao vun vút, rất dễ xảy ra tai nạn. Anh Đoàn Minh Tài, nhà trên đường Trường Chinh phường 15, quận Tân Bình, đối diện trạm chờ xe buýt góc Trường Chinh - Phạm Văn Bạch, cho rằng việc phân luồng, phân làn như vậy không khác nào gài người đi xe buýt vào thế  khó. Nhất là vào giờ cao điểm, xe gắn máy lưu thông kín mặt đường không còn chỗ trống, hành khách giơ hai tay lên trời để xin đường, rồi len lỏi ra trạm xe buýt trong tâm trạng bất an. Vừa bước xuống xe buýt tuyến Củ Chi - Chợ Lớn tại trạm dừng gần cổng Khu công nghiệp Tân Bình, cô Lê Thị Mỹ, nhà ở hẻm 151 Trường Chinh phường 15, Tân Bình, phải mất gần 15 phút mới qua đường được. “Lần nào qua đường cũng thót tim vì xe cứ như đâm thẳng vào mình. Kiểu này có ngày cũng bị xe đâm là chắc. Trong khi đó, có trạm không có nhà chờ” - cô Mỹ bức xúc.

Phân luồng giao thông hợp lý sẽ giúp lưu thông thông thoáng, an toàn. Ảnh: DIỄM THY

Phân luồng giao thông hợp lý sẽ giúp lưu thông thông thoáng, an toàn. Ảnh: DIỄM THY

Trên thực tế tại nhiều nơi có đường phân làn, hành khách từ lề đường băng qua 2 làn xe máy, qua dải phân cách mới đến được làn ô tô chờ xe buýt. Hành khách từ xe buýt xuống, phải lội ngược qua dòng xe máy dày đặc để sang đường dành cho người đi bộ. Nhiều người bước ra giữa đường mắc kẹt giữa dòng xe gắn máy, đi tới cũng không được thối lui cũng không xong. Nhiều người đi đường cho rằng nếu đã phân luồng thì phải đảm bảo cho người đi xe máy được lưu thông thuận tiện. Việc ép hàng ngàn xe máy vào một làn đường chật hẹp, trong khi xe buýt ra vào đón khách khiến việc lưu thông cực kỳ khó khăn. Tương tự trên đường Võ Văn Kiệt, xa lộ Đại Hàn, xa lộ Hà Nội… hành khách đi xe buýt cũng không mấy khả quan hơn so với tuyến Trường Chinh.
 
Ùn tắc gia tăng.

Ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho rằng, trên tổng thể, việc lắp đặt dải phân cách đã cho thấy hiệu quả giảm tai nạn giao thông (TNGT) đáng kể. Thời gian qua, sở đã chọn 11 tuyến đường trong số 23 tuyến đường thường xuyên xảy ra TNGT để lắp đặt dải phân cách và bắt đầu đưa vào sử dụng. “So sánh số liệu thống kê giữa tháng 5-2012 với tháng 4-2012 trên 11 tuyến đường này đã giảm 19 vụ TNGT, giảm 9 người chết, tăng 1 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2011 thì TNGT trên 11 tuyến đường này cũng giảm. Những con số này, để thấy rằng việc lắp đặt dải phân cách là hiệu quả” - ông Lê Toàn lý giải. Ngoài ra, trong khi TNGT và kẹt xe đang có xu hướng giảm tại 11 điểm đen TNGT thì tính chung toàn địa bàn TP, tình hình TNGT lại có xu hướng gia tăng trở lại. Ngoài đường Trường Chinh, 10 tuyến đường được phân làn còn lại, tình trạng kẹt xe giảm đáng kể. Sở GTVT đang tiếp tục rà soát lại các tuyến đường lắp dải phân cách chưa phù hợp để điều chỉnh.

Tuy nhiên, trong những cuộc họp giao ban về an toàn giao thông gần đây, Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Hữu Tín dẫn chứng về tình trạng ùn tắc trên đường Trường Chinh kể từ khi lắp đặt dải phân cách, phân luồng giao thông. Xe máy chen chúc trong làn đường hỗn hợp trong khi làn đường cho ô tô thông thoáng. “Việc phân luồng giao thông trong thời gian qua nhiều lúc quá cứng nhắc. Sở GTVT cần nghiên cứu thời gian cụ thể để có sự phân luồng thích hợp trên cơ sở thực tế” - Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh. Sở GTVT, cùng các đơn vị liên quan cần tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân và báo cáo UBND TPHCM trong cuộc họp sơ kết 6 tháng về an toàn giao thông sắp tới. Đồng thời thực hiện các giải pháp đồng bộ để hạn chế TNGT, ùn tắc giao thông, ngập úng khi mùa mưa đang tới.

Thời gian qua, Sở GTVT đã cho lắp dải phân cách giữa làn ô tô và xe máy tại 11 tuyến đường nằm trong danh sách 23 tuyến đường có điểm đen về tai nạn giao thông, gồm: Võ Văn Kiệt, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Trường Chinh, Cộng Hòa, quốc lộ 13, quốc lộ 22, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Linh, Lê Thị Riêng, Trần Hưng Đạo, quốc lộ 1A.

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục