Phân loại rác thải 2 nhóm: Lợi cả đôi đường

Hiện mỗi ngày TPHCM có khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Lượng rác sinh hoạt bình quân của TPHCM khoảng 0,98 kg/người/ngày. Việc tăng nhanh chóng CTRSH đô thị với tính chất, thành phần đa dạng, phức tạp đã trở thành áp lực cho nhà quản lý, các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý. Để giảm áp lực cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, TPHCM đã triển khai công tác phân loại CTRSH tại nguồn theo 2 nhóm.
Thu gom rác thải đã phân loại tại quận 5. Ảnh: CAO THĂNG
Thu gom rác thải đã phân loại tại quận 5. Ảnh: CAO THĂNG

Nỗ lực từ quận huyện

Từ tháng 5-2021, người dân TPHCM sẽ thực hiện phân loại CTRSH thành 2 nhóm thay vì 3 nhóm như trước. Đó là nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (có thể gọi là phế liệu như giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh) và nhóm còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại và các loại chất thải khác phát sinh từ cá nhân, hộ gia đình và chủ nguồn thải). Theo quy định mới này, cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải CTRSH có thể chuyển giao trực tiếp hoặc để sẵn các thiết bị lưu chứa CTRSH trước nhà chờ chủ thu gom, vận chuyển CTRSH đến lấy trong khoảng thời gian quy định (khuyến khích thực hiện phương thức chuyển giao trực tiếp). Khi thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, cá nhân, hộ gia đình có thể chuyển giao (bán, tặng) nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế cho chủ thu gom, vận chuyển CTRSH hoặc cá nhân, cơ sở thu mua chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở tái sử dụng, tái chế xử lý.

Theo chia sẻ của một số quận, huyện, việc phân loại rác thành 2 nhóm được người dân hưởng ứng nhiệt tình bởi nó thuận tiện hơn so với việc phân thành 3 nhóm như trước kia. Nhìn chung, việc thực hiện phân loại theo quy định này được đánh giá lợi cả đôi đường. Theo Phòng TN-MT huyện Hóc Môn, huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thực hiện phân loại rác theo quy định mới của UBND TPHCM. Hầu hết người dân đã và đang làm tốt quy định này, người dân còn phản ánh, phân loại rác thành 2 nhóm thuận tiện và dễ dàng hơn so với 3 nhóm như trước đây. 

Ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND phường Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), cho biết, do Thủ Thiêm là đô thị mới, có nhiều khu dân cư, khu đô thị mới được xây dựng, ngay từ đầu phường đã làm việc với ban quản lý, các đơn vị liên quan tuyên truyền cho dân cư khu vực thực hiện bảo vệ môi trường, trong đó có công tác phân loại rác tại nguồn thành 2 nhóm theo chỉ đạo mới của UBND TPHCM. Đến nay đã có 100% hộ dân thực hiện quy định này. Ông Tạ Thanh Khiêm, Phó Phòng TN-MT quận Bình Thạnh, chia sẻ, quận đang tuyên truyền và vận động người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định mới. Tuy nhiên, do quận đang nỗ lực thu gom, xử lý lượng rác thải lớn từ các khu vực bị phong tỏa do dịch Covid-19 nên chưa đánh giá được hiệu quả của việc thực hiện. Khi dịch kết thúc, quận sẽ triển khai công tác này đồng bộ và sâu rộng hơn. 

Nhiều lợi ích

Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, đối với các đơn vị thu gom, vận chuyển, việc phân rác làm 2 nhóm giúp dễ dàng thực hiện, không phải đầu tư thêm thiết bị, phương tiện. Không chỉ vậy, phần rác tái chế, người dân có thể bán hoặc cho lực lượng thu gom, việc này sẽ tạo thêm nguồn thu nhập không chỉ cho chủ nguồn thải, hộ gia đình mà còn mang lại giá trị kinh tế cho lực lượng thu gom, vận chuyển, xử lý. Từ đó, tạo nền tảng hình thành thị trường thu hồi - tái chế, tiến đến hình thành trung tâm tái chế chất thải, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Công ty đã trình Sở TN-MT dự án “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế” từ Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn. Dự án nhằm mục đích quản lý, thu hồi, tái chế và tái sử dụng chất thải một cách hiệu quả, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh, sản xuất không phát thải, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Liên quan việc thay đổi phương thức phân loại rác theo quy định mới, lãnh đạo Sở TN-MT TPHCM cũng cho biết, với tình hình hiện nay, TP định hướng rất rõ là tập trung vào công nghệ tái chế và công nghệ đốt. Khi người dân đã phân loại, việc thu gom rác của các đơn vị cũng thuận tiện, dễ dàng. Đặc biệt, việc phân loại đơn giản thì sẽ đỡ chi phí trong chuỗi thu gom, vận chuyển từ nhà dân đến nơi xử lý. Mặt khác, TPHCM đang hướng đến công nghệ xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện và tái chế thay vì chôn lấp, nên việc thay đổi phân loại rác thành 2 nhóm là vô cùng cần thiết.

MINH HẢI
----------------------------------------

Xử lý nghiêm đơn vị thu gom không đúng quy định


Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai công tác phân loại rác tại nguồn từ rất lâu. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nghịch lý người dân đã phân loại rác tại nguồn cụ thể nhưng khi đơn vị thu gom rác (nhất là lực lượng thu gom dân lập) khi thu gom thì lại bỏ chung vào một thùng, một bao, người dân cảm thấy công sức bị lãng phí nên không còn hứng thú với chương trình. Để thực hiện thành công phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn thành 2 nhóm, UBND TPHCM đã có những yêu cầu khắt khe đối với lực lượng thu gom, vận chuyển chất thải. 

Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu chủ thu gom, vận chuyển sử dụng loa, chuông hoặc hình thức thông báo khác đã được thỏa thuận với cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải khi đến lấy CTRSH. Chủ thu gom, vận chuyển CTRSH đảm bảo thu gom riêng biệt các nhóm chất thải sau phân loại, có thể thu gom cùng lúc các nhóm chất thải sau phân loại. Song song đo, phải đảm bảo có thiết bị lưu giữ riêng các nhóm chất thải sau phân loại bên trong phương tiện thu gom; không được treo, móc chất thải bên ngoài phương tiện. Trường hợp cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải không có điều kiện chuyển giao CTRSH cho chủ thu gom, vận chuyển CTRSH theo đúng thời gian quy định thì tổ trưởng khu phố chủ trì lập danh sách, báo cáo UBND phường, xã, thị trấn giải quyết.  

Tùy vào đặc điểm của mỗi khu vực dân cư, UBND phường, xã, thị trấn chủ trì, phối hợp với chủ thu gom, vận chuyển CTRSH và đại diện của các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải (tổ trưởng tổ dân phố, tổ trưởng khu phố, ban quản lý chung cư) xác định thời gian và phương thức chuyển giao CTRSH phù hợp với hiện trạng và quy định của Nhà nước. Đối với chất thải rắn cồng kềnh, cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải có thể tự vận chuyển hoặc tự thỏa thuận với chủ thu gom, vận chuyển CTRSH để yêu cầu dịch vụ thu gom, vận chuyển đến nơi tiếp nhận. Nơi tiếp nhận là điểm hẹn, trạm trung chuyển CTRSH hoặc điểm tiếp nhận chất thải rắn cồng kềnh do chủ thu gom, vận chuyển CTRSH phối hợp với UBND cấp huyện xác định và công bố.

Trường hợp chất thải rắn cồng kềnh sau khi tháo rã, giảm thể tích có thể chứa trong thùng 660 lít thì có thể thu gom ra điểm hẹn. Các trường hợp khác, chất thải rắn cồng kềnh có thể được tháo rã và giảm thể tích trước hoặc sau khi chuyển đến trạm trung chuyển CTRSH hoặc điểm tập kết chất thải rắn cồng kềnh do chủ thu gom, vận chuyển CTRSH phối hợp với UBND cấp huyện xác định và công bố. Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh từ điểm tập kết đến cơ sở xử lý chất thải do chủ thu gom, vận chuyển CTRSH phối hợp với UBND cấp huyện xác định, thực hiện định kỳ ít nhất 1 lần/tháng và được UBND cấp huyện đưa vào nội dung đấu thầu, đặt hàng cung ứng dịch vụ vận chuyển CTRSH trên địa bàn quản lý. Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải phải trả giá dịch vụ tháo rã, thu gom chất thải rắn cồng kềnh từ nơi phát sinh vận chuyển đến nơi tiếp nhận theo giá tự thỏa thuận với đơn vị cung ứng dịch vụ.

Theo ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, trường hợp quá trình cung ứng dịch vụ của chủ thu gom, vận chuyển CTRSH không đúng thời gian, tần suất, không đạt yêu cầu về chất lượng vệ sinh như thỏa thuận trong hợp đồng thì cá nhân, hộ gia đình phản ánh cho tổ trưởng tổ dân phố tổng hợp, báo cáo UBND phường, xã, thị trấn kịp thời nhắc nhở chủ thu gom, vận chuyển CTRSH (bằng văn bản hoặc biên bản họp) chấn chỉnh công tác này và xử lý vi phạm hợp đồng. Trường hợp có trên 20% cá nhân, hộ gia đình trong tuyến thu gom phản ánh chủ thu gom, vận chuyển CTRSH vi phạm hợp đồng cung ứng dịch vụ và UBND phường, xã, thị trấn đã nhắc nhở hơn 1 lần/tháng thì UBND phường, xã, thị trấn tổ chức lấy ý kiến của tập thể  cá nhân, hộ gia đình mà chủ thu gom, vận chuyển CTRSH này đang cung ứng dịch vụ để làm cơ sở thay đổi chủ thu gom, vận chuyển CTRSH. Phương án chọn lựa sẽ theo ý kiến của đa số cá nhân, hộ gia đình.
HÀ VĂN 

Tin cùng chuyên mục