Phân loại, tính khối lượng rác tại nguồn: Thiếu đồng bộ, nhiều bất cập

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nhiều điểm đáng chú ý, như người dân phải phân loại rác tại nguồn, thải nhiều rác sẽ phải trả thêm tiền... Tuy nhiên, theo ghi nhận, đến nay, nhiều người dân trên địa bàn TPHCM vẫn băn khoăn, lo lắng trước quy định mới; các đơn vị thu gom rác vẫn hoạt động theo phương thức cũ, thiếu sự đồng bộ.
Công nhân thu gom rác vẫn cho tất cả rác thải vào chung xe ba gác để chở đến điểm tập kết
Công nhân thu gom rác vẫn cho tất cả rác thải vào chung xe ba gác để chở đến điểm tập kết

Khó xác định khối lượng

Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM (Citenco), mỗi ngày TPHCM thải ra khoảng 9.500 tấn rác thải rắn sinh hoạt và tăng dần theo từng năm, dao động 6%-10%. Khối lượng rác thải bình quân đầu người khoảng 0,98kg/người/ngày. Việc tăng nhanh chóng rác thải sinh hoạt đô thị với nhiều tính chất, thành phần sẽ tạo áp lực cho các nhà quản lý, đơn vị thu gom và công tác vận chuyển xử lý.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực từ 1-1-2022) quy định áp dụng thu phí rác thải tính theo khối lượng, hộ dân xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Báo SGGP, hiện quy định này gần như chưa được tuyên truyền rộng rãi ở các khu dân cư. Người dân lo ngại việc thực hiện sẽ khó khăn, khó công bằng vì người thu gom rác không thể mang theo cân để xác định khối lượng rác thải từng hộ gia đình, hoặc dễ nảy sinh nạn đổ trộm rác thải sinh hoạt.

Chị Nguyễn Trang Nhã (ngụ quận Gò Vấp) kể: “Gia đình tôi gồm 3 người sống chung và có mở một phòng khám nha khoa tại nhà. Giá thu gom rác sinh hoạt vẫn được tính với mức 40.000 đồng/tháng, rác thải y tế tính riêng 80.000 đồng/3kg/tháng/địa điểm, và đóng theo từng năm. Hiện hợp đồng thu gom rác của gia đình tôi gần hết hạn, chuẩn bị đăng ký đóng thêm tiền cho năm mới. Gia đình chưa biết đến điều khoản xả nhiều rác phải trả thêm tiền và phương thức xác định khối lượng rác thải mỗi gia đình như thế nào?”.

Chung tâm trạng, chị Nguyễn Thị Nguyệt Hằng (ngụ đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp) cho biết, gia đình chị có hơn 10 phòng cho thuê trọ, chủ yếu là sinh viên và công nhân thuê ở, rác thải cả dãy trọ đều được bỏ vào thùng đựng rác chung để ở trước cổng. Chi phí thu gom rác là 120.000 đồng/tháng, nếu cân rác để tính tiền thì rất khó xác định phòng trọ nào thải ít rác và phòng nào nhiều rác. “Hiện tôi chưa nghe phổ biến về quy định tính tiền rác theo cân và xác định khối lượng như thế nào cho công bằng, nhất là tại các dãy nhà trọ”, chị Hằng băn khoăn.

Tại chung cư Nguyễn Ngọc Phương (quận Bình Thạnh), phí thu gom rác được tính chung với các loại phí dịch vụ vệ sinh khác, cư dân không rõ giá dịch vụ rác thay đổi như thế nào. Chị Thu Hà, cư dân chung cư, bày tỏ: “Tôi rất hưởng ứng điều luật mới, khuyến khích cư dân có trách nhiệm với lượng rác mình thải ra, ai xả nhiều rác thì phải đóng nhiều tiền. Tuy nhiên, nếu cư dân sống ở chung cư thì ai sẽ cân và giám sát khối lượng rác từng căn hộ?”.

Bất cập phân loại rác

Từ tháng 1-2022, người dân không phân loại rác sinh hoạt theo đúng quy định sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển. Ghi nhận ở nhiều hộ gia đình, chung cư, dãy trọ cho thấy người dân vẫn chưa có thói quen thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Đa phần người dân vẫn cho tất cả các loại rác thải sinh hoạt vào túi ni lông hoặc bỏ vào thùng rác chung. Bên cạnh đó, hiện nay các đơn vị thu gom rác dân lập hay công lập đều đến lấy rác và đổ chung vào một xe ba gác, vận chuyển đến các điểm tập kết vì chưa có các xe chuyên dụng chở rác đã phân loại. 

Chị Lê Thị Hằng (ngụ đường Tô Ngọc Vân, TP Thủ Đức) cho biết, đến nay gia đình vẫn chưa nắm được quy định phải phân loại rác tại nguồn và dán nhãn như thế nào cho phù hợp, dễ nhận biết, nên gia đình vẫn cho tất cả các loại rác thải sinh hoạt vào chung một túi ni lông để các đơn vị đến thu gom. “Gia đình tôi vẫn chưa biết phải phân loại như thế nào cho đúng, nếu phân loại mà đơn vị thu gom lại đổ chung vào một xe rác thì mất công sức cho người dân chúng tôi quá. Do vậy, cần thực hiện đồng bộ giữa người dân và các đơn vị thu gom rác thì mới có hiệu quả”, chị Hằng bày tỏ.

Anh Phan Văn Kỳ (nhân viên đơn vị thu gom rác dân lập phường 13, quận Tân Bình) chia sẻ: “Qua báo chí, truyền hình, tôi có nghe được thông tin sẽ phân loại rác tại nguồn và bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2022, nhưng đến nay đơn vị vẫn chưa thông báo, triển khai thực hiện. Hiện tại, chúng tôi vẫn cho tất cả các loại rác sinh hoạt của người dân vào chung một xe ba gác, chở đến điểm trung chuyển để mang đi xử lý theo đúng quy trình”.

Tương tự, anh Những (nhân viên đơn vị thu gom rác dân lập phường Tân Thành, quận Tân Phú) cho hay, đến nay các đường dây thu gom rác vẫn chưa nhận được thông tin phải phân loại rác tại nguồn và công tác thu gom, xử lý như thế nào cho đúng. “Hiện tại, các đường dây thu gom rác vẫn cho tất cả các loại rác sinh hoạt của người dân vào chung một xe ba gác để chở đến điểm trung chuyển”, anh Những nói.

Thực tế, để phân loại rác tại nguồn có hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ từ người dân đến đơn vị quản lý và các đường dây thu gom rác. Hiện nay, nhiều người dân đã có ý thức phân loại rác tại nguồn, tuy nhiên nhiều đơn vị thu gom vẫn lúng túng, chưa có phương tiện phân loại chuyên dụng, chưa có dây chuyền xử lý rác đã phân loại, dẫn đến công tác phân loại còn bất cập, không mang lại hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn.

Tin cùng chuyên mục