Các bên cũng mong muốn, tùy thuộc vào quyền kháng cáo, phán quyết là chung thẩm và có tính ràng buộc đối với các bên. Đây chính là một trong các nội dung thuộc ấn bản “Trọng tài Quốc tế” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế và các đơn vị chuyên trách phối hợp thực hiện.
Khi đưa tranh chấp ra trọng tài, các bên cam kết thi hành phán quyết không chậm trễ và được xem như đã từ bỏ quyền kháng cáo của mình dưới bất kỳ hình thức nào. Mọi phán quyết là chung thẩm, tức phán quyết đã giải quyết chung cuộc các vấn đề và ràng buộc các bên.
Phán quyết chung thẩm thường là kết quả của quá trình tố tụng trọng tài được tiến hành từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, phán quyết có thể là thỏa thuận hòa giải giữa các bên. Trong trường hợp này, phán quyết đó thường được biết đến như là một phán quyết đồng thuận hoặc phán quyết dựa trên những điều khoản thỏa thuận.
Một loại phán quyết khác là phán quyết của quá trình tố tụng mà một bên không tham dự hoặc từ chối tham dự. Trường hợp này, phán quyết đó được gọi là phán quyết với một bên vắng mặt.
Thời hạn phản đối phán quyết bắt đầu được tính kể từ ngày phán quyết được ban hành. Khi phán quyết chung thẩm đã được lập, không bên nào có thể phản đối bất kỳ nội dung nào trong phán quyết này, nếu nội dung lập được dựa trên một phán quyết từng phần không bị phản đối trước đó. Hơn nữa, chỉ có một phán quyết mới thỏa mãn điều kiện để được công nhận và cho thi hành theo các công ước quốc tế có liên quan, bao gồm công ước New York.
Sự phân biệt giữa một “phán quyết” và “lệnh” có lẽ không đơn giản như việc đọc tiêu đề mà hội đồng trọng tài gán cho văn bản đó. Tòa án phúc thẩm Paris và tòa án Liên bang Mỹ đã phân loại một số quyết định trọng tài mà hội đồng trọng tài đặt tiêu đề là “lệnh” vào nhóm “phán quyết”. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến các phán quyết trong quá trình hủy hoặc công nhận và cho thi hành tại các tòa án quốc gia.
Không hội đồng trọng tài nào được trông đợi là có thể đảm bảo phán quyết của mình sẽ được thi hành tại bất kỳ quốc gia nào thắng kiện lựa chọn để thi hành phán quyết. Tuy nhiên, hội đồng trọng tài phải nỗ lực hết sức để phán quyết có thể thi hành được. Để hội đồng trọng tài đạt được tiêu chuẩn hành động, ban hành một phán quyết trọng tài có thể được thi hành trên phạm vi quốc tế, hội đồng trọng tài phải đảm bảo rằng mình có thẩm quyền đối với tất cả các vấn đề được đệ trình tới mình.
Hội đồng trọng tài cũng phải tuân thủ mọi quy tắc tố tụng điều chỉnh quá trình tố tụng trọng tài. Những quy tắc này thường bao gồm quy định về phân bổ phí trọng tài, xác định địa điểm trọng tài, thủ tục phê chuẩn chính thức phán quyết của một trung tâm trọng tài… Hội đồng trọng tài cũng phải ký và đề ngày tháng tại phán quyết, sắp xếp gửi phán quyết cho các bên theo quy định pháp luật. Việc công nhận và cho thi hành một phán quyết trọng tài có thể bị từ chối nếu cơ quan có thẩm quyền “tại quốc gia nơi công nhận” cho rằng, việc công nhận và cho thi hành phán quyết có thể vi phạm trật tự công của quốc gia đó.
Tất cả phán quyết đều là chung thẩm và ràng buộc nếu không có yêu cầu hủy phán quyết. Tuy nhiên, thuật ngữ phán quyết chung thẩm thường được sử dụng chỉ những phán quyết mà ở đó, nhiệm vụ của hội đồng trọng tài đã hoàn thành. Tùy thuộc vào một số trường hợp ngoại lệ nhất định, bằng việc ra phán quyết chung thẩm, hội đồng trọng tài đã hết trách nhiệm. Điều này sẽ dẫn đến những hệ quả quan trọng.
Hội đồng trọng tài không nên ban hành phán quyết chung thẩm cho đến khi cảm thấy hài lòng để thực sự hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nếu vẫn còn các vấn đề chưa được giải quyết, thì nên ban hành một phán quyết biểu thị rõ ràng rằng, đây là một phán quyết từng phần. Loại phán quyết này là một cách thức hiệu quả nhằm quyết định các vấn đề có thể giải quyết dễ dàng trong quá trình tố tụng trọng tài, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên. Thẩm quyền ban hành phán quyết từng phần của hội đồng trọng tài có thể xuất phát từ thỏa thuận trọng tài hoặc từ pháp luật áp dụng. Trên thực tế, phán quyết từng phần thường xuyên được lập trong các vụ việc tại ICC (Quy tắc của Phòng Thương mại Quốc tế), đặc biệt trong trường hợp thẩm quyền bị phản đối hoặc hội đồng trọng tài phải xác định pháp luật phù hợp.
Một ví dụ về trường hợp mà phán quyết từng phần có thể hữu ích, chẳng hạn như khi có tranh chấp giữa các bên về luật áp dụng cho nội dung tranh chấp. Nếu tranh chấp này không được giải quyết dứt điểm ở giai đoạn đầu của quá trình tố tụng, các bên có thể tìm căn cứ cho vụ việc của mình bằng cách dẫn chiếu đến các hệ thống pháp luật khác nhau. Thậm chí các bên có thể phải đưa ra chứng cứ là lời giải thích của các luật sư có kinh nghiệm. Trong các trường hợp này, hội đồng trọng tài thường nhận thấy việc đưa ra quyết định sơ bộ về luật áp dụng là cần thiết.
Tuy nhiên, sẽ xuất hiện những rủi ro trên thực tế khi cố gắng phân tách các vấn đề cần quyết định vào giai đoạn đầu của quá trình tố tụng trọng tài. Bản chất của vụ tranh chấp và cách thức các bên trình bày vụ việc có thể thay đổi trong quá trình tố tụng trọng tài.
Phán quyết trong nước và nước ngoàiSự khác biệt giữa hai phán quyết này có ý nghĩa trong bối cảnh yêu cầu hủy và cho thi hành phán quyết tại tòa án quốc gia. Tại Ấn Độ, đạo luật phán quyết nước ngoài năm 1961, định nghĩa phán quyết nước ngoài là phán quyết được lập tại quốc gia khác nhằm giải quyết bất đồng giữa các bên xuất phát từ các quan hệ pháp luật. Được hiểu là quan hệ thương mại theo pháp luật, có hiệu lực tại Ấn Độ dù có hay không có hợp đồng. Tòa án Tối cao Ấn Độ đã xem xét thuật ngữ “Phán quyết nước ngoài” và quyết định rằng, một vụ kiện chỉ có thể diễn ra khi tòa án cho rằng, quan hệ giữa các bên có thỏa thuận trọng tài được xem là mối quan hệ “thương mại”. Thuật ngữ này nên được quy định với ý nghĩa thuật ngữ bao quát. Ngược lại, Tòa án Tối cao Ấn Độ quyết định rằng, thuật ngữ “Phán quyết trong nước” có nghĩa là phán quyết được lập tại Ấn Độ, dù thuộc bối cảnh trong nước thuần túy hay không. Do đó, định nghĩa này cũng bao hàm một phán quyết “được lập trong nước” dù quá trình tố tụng trọng tài là ở trong nước hay quốc tế. Phán quyết một bên vắng mặtĐôi khi, tố tụng trọng tài quốc tế được tiến hành mà một bên không tham gia hoặc từ chối tham gia. Tính huống này có thể là hoàn toàn không tham gia, nghĩa là ngay từ lúc bắt đầu tố tụng hoặc có thể xảy ra giữa chừng trong quá trình tố tụng, là kết quả của việc thay đổi ý kiến hoặc chiến thuật của bên không tham gia. Hội đồng trọng tài buộc phải giữ vai trò chủ động hơn trong những trường hợp như thế này, khiến cho nhiệm vụ của hội đồng trọng tài khó khăn hơn. Nếu hội đồng trọng tài ra phán quyết có lợi cho bên tham gia tố tụng trọng tài, hội đồng trọng tài sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng phán quyết có hiệu lực. Thêm nữa, hội đồng trọng tài phải giải quyết mọi vấn đề về thẩm quyền có liên quan và nêu rõ trong phán quyết, cho dù các vấn đề đó có được một trong các bên đưa ra hay không. Các phán quyết bổ sungKhi hội đồng trọng tài ban hành một phán quyết mà phán quyết này không giải quyết tất cả các vấn đề đã được trình bày, trong một khoảng thời gian nhất định, các bên có thể yêu cầu một phán quyết bổ sung để khắc phục thiếu sót này. Nhiều quy tắc trọng tài quy định rõ ràng về phán quyết bổ sung. Ngay cả khi phán quyết bổ sung không được quy định rõ ràng tại các quy tắc trọng tài, vẫn thường tồn tại một công cụ tố tụng, thông qua đó phán quyết bổ sung vẫn có thể thực hiện được. Quy tắc của ICC là một ngoại lệ. Quy tắc này có quy định cả về việc sửa lỗi văn thư hoặc đánh máy cũng như giải thích phán quyết, nhưng lại không quy định về việc lập một phán quyết dựa trên phản đối của một bên rằng, hội đồng trọng tài đã không xem xét một vấn đề đã được trình bày. Điều này rõ ràng là kết quả của thủ tục rà soát của tòa án ICC. |