Giá xăng tăng, giá USD tăng, giá nguyên liệu dược đầu vào tăng cao… Đó là những nguyên nhân khiến giá cả trên thị trường thuốc chữa bệnh những tuần qua nóng trở lại.
Cứ “té nước theo mưa”
Trong vai người bệnh, chúng tôi qua một nhà thuốc trên đường Nguyễn Chí Thanh (phía trước Bệnh viện Chợ Rẫy, quận 5, TPHCM), hỏi mua dầu tỏi Garlic Oil dùng để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh về đường hô hấp do virus, cô bán hàng nói ngay: “Giá 55.000 đồng/chai”. Ngỡ ngàng vì tháng trước mới mua 45.000 đồng/chai, chúng tôi thắc mắc thì cô bán hàng tiếp: “Tăng rồi chú ơi, còn đâu giá cũ nữa. Chú không thấy giá cả hàng hóa tăng ào ào đó à. Giá tỏi tăng thì dầu cũng tăng chứ”. Tính ra chỉ sau mấy tuần mà giá Garlic Oil đã tăng tới 23%.
Ghé một nhà thuốc lân cận, trình bày dạo này hay mất ngủ, cô bán thuốc đưa ra một hộp thuốc hiệu Mimosa và cho biết uống loại này vào dễ ngủ, ít phản ứng phụ. Khi hỏi giá, cô bán hàng nói 51.000 đồng/hộp và tự giãi bày là giá đã có thay đổi so với trước đây (43.000 đồng/hộp) để khách đỡ băn khoăn.
Dạo một vòng qua các nhà thuốc bán lẻ khác trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TPHCM), Thành Thái (quận 10, TPHCM)… chúng tôi ghi nhận nhiều loại thuốc đã tăng giá như thuốc trị cảm Panadol, thuốc ho trẻ em, thuốc trị sốt và đường hô hấp có kháng sinh Acemuc 100mg, 200mg…
Theo chủ các nhà thuốc, liên tục trong 2 tuần qua các hãng dược đã thông báo điều chỉnh giá bán lẻ. “Nhiều người bệnh vô nhà thuốc cứ ngỡ là mua thuốc bình ổn giá. Có đâu mà bình ổn, mấy công ty dược đòi tăng hà rầm” - chủ một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng cho biết.
Đem tâm trạng bức xúc vì giá thuốc tăng cao, chúng tôi hỏi một chủ nhà thuốc thì nhận ngay câu than vãn: “Tụi tui có muốn bán thuốc giá cao đâu. Tại mấy doanh nghiệp dược cứ té nước theo mưa, thấy giá xăng dầu, USD tăng là y như rằng đòi tăng theo”… Những mặt hàng thuốc nói trên chỉ là thuốc nội, còn thuốc ngoại nhập cũng tăng giá không kém.
Theo ghi nhận của Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh dược phẩm, vừa qua một loạt thuốc Singulair 4mg, 5mg, 10mg (trị ho suyễn, viêm mũi dị ứng) đồng loạt tăng giá 10%. Hay như Renitex 5mg, 10mg (dùng trong điều trị tim mạch) cũng tăng từ 88.000 đồng/hộp lên 96.000 đồng/hộp và 135.000 đồng/hộp lên 147.000 đồng/hộp.
Trong khi đó, một loạt công ty dược phẩm tại Trung tâm dược phẩm sỉ Codupha và Tô Hiến Thành (quận 10) cho biết đang chuẩn bị cho một đợt tăng giá mới. “Hiện các công ty dược phân phối và đầu mối nhập khẩu đã báo giá tăng trung bình 10%-15% rồi, có loại tăng đến 30%. Chỉ đợi hàng về là áp giá ngay” - giám đốc một công ty dược tại Trung tâm dược phẩm Codupha cho biết.
Theo các công ty phân phối dược phẩm thì tập trung tăng giá chủ yếu vẫn là thuốc kháng sinh, huyết áp, tim mạch và vitamin các loại. Trong đó, thuốc chứa kháng sinh tăng giá nhiều nhất do dịch bệnh đang vào mùa.
Đáng chú ý, kể từ khi Bộ Y tế dừng nhập khẩu nguyên liệu Pseudopherine (thành phần sản xuất thuốc cảm cúm) thì các công ty dược trong nước gần như “đứt hàng” các loại thuốc trị cảm cúm, viêm đường hô hấp. Thay vào đó các loại thuốc trị cảm cúm, nhức đầu ngoại nhập tha hồ tăng giá.
Tăng trưởng cao và tiếp tục tăng... giá
Khảo sát thị trường dược cả 3 khu vực miền Nam, miền Trung và miền Bắc của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam trong tháng 2 và 2 tuần đầu tháng 3 cho thấy hàng loạt loại thuốc tăng giá. Trong đó, nhiều loại thuốc nội tăng trung bình gần 10%, còn thuốc ngoại nhập tăng trung bình gần 9%.
Điều đáng nói, theo Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược, có loại thuốc qua khảo sát cho thấy tăng quá cao hoặc liên tục tăng. Có những loại thuốc được khảo sát tháng trước đã tăng thì qua khảo sát tháng sau lại tiếp tục tăng. Trong đó, việc tăng các loại thuốc kháng sinh, thuốc phòng ngừa, hỗ trợ điều trị các loại bệnh về hô hấp được ghi nhận nhiều.
“Dịch bệnh tay chân miệng, tiêu chảy và một số dịch bệnh khác đang bùng phát khiến các hãng dược phẩm đua nhau tăng giá. Và điều này gần như trở thành quy luật” - giám đốc một công ty dược phẩm nước ngoài thừa nhận.
Sự thật, với giá thuốc tăng liên tục trong năm qua và những tháng đầu năm nay đã đưa tốc độ tăng trưởng thị trường dược phẩm nước ta lên trung bình 25% và dự báo đạt giá trị khoảng 2 tỷ USD vào năm 2012. Đây là một trong những nhận định của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa đưa ra. Điều này cho thấy chi tiêu cho tiền thuốc trong điều trị bệnh đang ngày càng tăng.
Hiện nay, ước tính của Bộ Y tế cho thấy tiền thuốc bình quân đầu người đã lên trên 20 USD/người/năm. Đương nhiên, theo phân tích của các chuyên gia dược học thì con số này sẽ không dừng lại ở đó khi giá thuốc đang tiếp tục leo thang.
Bên cạnh đó, với sự lệ thuộc đến 90% nguyên liệu nhập khẩu, các công ty dược trong nước đang như ngồi trên lửa vì giá USD tăng lên. “Sắp đến đợt nhận nguyên liệu cho 3 lô hàng nhưng giá USD tăng thế này thì lỗ chắc” - giám đốc một công ty dược nói.
Theo các công ty dược trong nước, giá nguyên liệu tăng, giá xăng tăng, cước phí vận chuyển tăng thì không có cách nào khác để tồn tại là buộc phải tăng giá thuốc. “Kỳ này hàng loạt mặt hàng thuốc nội lẫn ngoại tăng giá vù vù thì chẳng có gì lạ và đã dự báo rồi”, lãnh đạo một công ty dược cho biết.
Theo Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh dược phẩm, thị trường dược phẩm trong nước tiếp tục điều chỉnh tăng. Một số mặt hàng thuốc sản xuất trong nước có thể tăng do các yếu tố đầu vào cho sản xuất như điện, nguyên phụ liệu, xăng dầu, chi phí vận tải… tăng. Giá một số mặt hàng thuốc nhập khẩu có thể tăng do giá nhập khẩu, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh tăng.
Có nghĩa là gánh nặng giá thuốc vẫn tiếp tục đè nặng lên vai người bệnh, trong khi các cơ quan quản lý vẫn chưa có một giải pháp căn cơ nào để “cầm cương” nó.
TƯỜNG LÂM