Tổng thống Pháp François Hollande ngày 6-12 đã tiếp gần 40 lãnh đạo châu Phi tại một hội nghị thượng đỉnh ở Paris về hòa bình và an ninh, trong đó sự can thiệp quân sự của Pháp ở Cộng hòa Trung Phi (CAR) chi phối chương trình nghị sự.
Can thiệp quân sự lần thứ hai
Kênh truyền hình Pháp France 24 mô tả cuộc họp thượng đỉnh này như một sự khởi động để Pháp can thiệp quân sự vào CAR và là lần thứ hai can thiệp vào châu lục này trong năm 2013, sau cuộc can thiệp tại Mali.
Tổng thống Pháp François Hollande chủ trì cuộc họp kéo dài 2 ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) thông qua nghị quyết cho phép quân đội Pháp và châu Phi tại CAR sử dụng vũ lực để bảo vệ dân thường. Nghị quyết của LHQ được thông qua sau khi các quan chức Pháp và nhiều quốc gia châu Phi cảnh báo cuộc nội chiến tại CAR có nguy cơ leo thang thành một cuộc diệt chủng, sau khi Tổng thống lâm thời CAR Michel Djotodia mất quyền kiểm soát phần lớn đất nước.
Hiện Pháp có khoảng 400 quân tại CAR, một thuộc địa cũ của Pháp và sẽ tăng lên tổng số 1.000 binh sĩ. Lực lượng Liên minh châu Phi (AU) có 2.500 binh sĩ sẽ tăng lên 3.600 binh sĩ.
Đối tác chứ không phải thuộc địa
Cũng theo France 24, các biện pháp can thiệp vào 2 thuộc địa cũ của Pháp đã đặt ra câu hỏi phải chăng Pháp đang trở lại quá khứ can thiệp bằng trò chơi sen đầm để tạo ra sân sau như vùng cận Sahara. Nhiều nhà phân tích cho rằng thời kỳ Pháp xem châu Phi là thuộc địa đã qua nhưng hiện nay Pháp không thể đứng ngoài các thách thức của châu lục này.
Paul Melly, một chuyên gia về quan hệ Pháp - châu Phi tại nhóm nghiên cứu Chatham House, Vương quốc Anh, cảnh báo không nên so sánh Pháp hiện nay với thời kỳ thực dân. Ông Paul Melly nói: “Châu Phi đã thay đổi và cả Pháp cũng thay đổi”. Tổng thống Pháp Hollande đã liên tục đảm bảo với quốc tế, đặc biệt là châu Phi khi ủng hộ các cuộc can thiệp quân sự gần đây, xem châu Phi như đối tác quan trọng. Biên tập viên tờ tạp chí Africa Report Patrick Smith cho rằng cả Pháp và AU đều muốn giải pháp lâu dài và là giải pháp của châu Phi với các vấn đề của châu Phi.
Trong những năm qua, lực lượng gìn giữ hòa bình của AU có mặt tại nhiều điểm nóng ở châu Phi. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn còn thiếu kinh nghiệm, nhất là với khả năng phản ứng nhanh, những gì xảy ra ở Mali đã chứng minh. Theo ông Paul Melly, ngoài việc thiếu khả năng hoạch định, tổ chức, AU còn thiếu sự hỗ trợ tài chính của cộng đồng quốc tế. Lực lượng thường trực châu Phi sau một thập niên dài lên kế hoạch vẫn chưa trở thành hiện thực.
Ngoài vấn đề quân sự, thông qua hội nghị thượng đỉnh lần này, điện Elysée muốn thúc đẩy liên kết kinh tế của Pháp với châu Phi khi Paris đã mất vị trí trước các cường quốc mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Hollande kêu gọi các doanh nghiệp Pháp tăng gấp đôi thương mại với châu Phi, sau khi thị phần xuất khẩu của Pháp sang châu Phi từ 7,73% giảm xuống còn 2,8% và nhập khẩu từ 9,08% giảm còn 2,05% trong năm 1960 so với năm 2011. Những thị trường lớn nhất của châu Phi thuộc khối nói tiếng Anh, Pháp lại chưa có dấu ấn kinh tế nơi đây.
Tờ New York Times cho rằng CAR đã trở thành tâm điểm mới nhất trong nỗ lực của Tổng thống Hollande nhằm viết lại và làm “sống lại” ảnh hưởng Pháp ở lục địa này, bởi sự ảnh hưởng của Pháp ngày càng bị thách thức trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
THỤY VŨ (tổng hợp)