Xét xử phúc thẩm “đại án” ở Vinaline: Đồng loạt kêu oan và xin giảm án

Ngày 22-4, TAND Tối cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Phiên xét xử phúc thẩm do Thẩm phán TAND Tối cao Nguyễn Văn Sơn làm chủ tọa. Có 16 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó riêng bị cáo Dương Chí Dũng có 3 luật sư bào chữa.
Xét xử phúc thẩm “đại án” ở Vinaline: Đồng loạt kêu oan và xin giảm án

Ngày 22-4, TAND Tối cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Phiên xét xử phúc thẩm do Thẩm phán TAND Tối cao Nguyễn Văn Sơn làm chủ tọa. Có 16 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó riêng bị cáo Dương Chí Dũng có 3 luật sư bào chữa.

Vừa gây thiệt hại, vừa tham ô
 
Tại phiên tòa phúc thẩm có 9 bị cáo bị truy tố về các tội danh “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm có: Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải), Mai Văn Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải), Trần Hải Sơn (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines), Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines), Mai Văn Khang (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines), Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam) và Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa).

Bị cáo Dương Chí Dũng (áo trắng) và Mai Văn Phúc (áo xanh) cùng các bị cáo khác tại phiên tòa phúc thẩm

Bị cáo Dương Chí Dũng (áo trắng) và Mai Văn Phúc (áo xanh) cùng các bị cáo khác tại phiên tòa phúc thẩm

Không cầm tiền chỉ nhận quà!?
 
 Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Dương Chí Dũng là người đầu tiên trả lời phần thẩm vấn của HĐXX. Trước vành móng ngựa, nguyên chủ tịch Vinalines tiếp tục kêu oan về tội “Tham ô tài sản” và đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt với tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Dũng cho rằng, trong việc mua ụ nổi 83M, bị cáo chỉ là thành viên HĐQT của Vinalines và quyết định mua ụ nổi này do tập thể HĐQT thống nhất, bản thân bị cáo không có chỉ đạo và quyết định được việc mua bán.
 
 “Đối với tham ô, bị cáo thề có trời, có đất không nhận bất cứ đồng tiền tham ô nào…” - bị cáo Dương Chí Dũng nói. Đối với khoản tiền 4,7 tỷ đồng mà gia đình bị cáo Dũng nộp cho cơ quan chức năng để khắc phục hậu quả vụ án, bị cáo Dũng cho rằng, đó là tiền khắc phục hậu quả chung, không xác định số tiền này là khắc phục tội tham ô.
 
 “Sau khi bị khởi tố, bị cáo bỏ trốn sang Campuchia sau đó bị bắt giữ. Đây là việc làm sai trái. Bị cáo xin dốc hết tài sản để khắc phục hậu quả do bị cáo gây ra. Bị cáo thấy còn nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ, mong HĐXX xem xét” - bị cáo Dũng bày tỏ.

Xét xử phúc thẩm “đại án” ở Vinaline: Đồng loạt kêu oan và xin giảm án ảnh 2

Dương Chí Dũng đã tham ô hàng triệu USD trong vụ mua ụ nổi 83M

Trong khi đó, bác lại lời khai của bị cáo Dũng, bị cáo Trần Hải Sơn cho biết, sau khi việc mua bán ụ nổi 83M được thực hiện, phía Công ty AP có “lại quả” khoản tiền 1,67 triệu USD. Sau đó, theo chỉ đạo của Dũng và Phúc, Sơn đã nói với em gái mình là giám đốc công ty Vũ Hà rút số tiền 28 tỷ đồng mà phía Công ty AP chuyển vào tài khoản, để đưa cho Dũng 10 tỷ đồng, Phúc 10 tỷ đồng, Chiều 340 triệu đồng và bản thân Sơn hưởng hơn 7,6 tỷ đồng. Trước vi phạm này, bị cáo Sơn đã xin tòa giảm nhẹ hình phạt và cho biết sẽ vận động gia đình khắc phục hậu quả.

Bị cáo Mai Văn Phúc cũng chối tội tham ô và phủ nhận việc nhận khoản tiền 10 tỷ đồng từ phía Sơn đưa mà chỉ thừa nhận có nhận quà Sơn đưa cho là một chai rượu và một phong bì 2 triệu đồng tại nhà Phúc ở Làng Quốc tế Thăng Long. Đối với số tiền 3,5 tỷ đồng mà gia đình đã nộp để khắc phục hậu quả tội tham ô, bị cáo Phúc bày tỏ không đồng tình với việc này.

“Bị cáo không tác động gia đình bồi thường. Bị cáo không tham ô thì làm sao phải khắc phục hậu quả” - bị cáo Phúc nói. Về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước, bị cáo Phúc cho rằng, mặc dù là Tổng Giám đốc Vinalines nhưng do mới được điều về nên không chỉ đạo phải mua bằng được ụ nổi 83M và không giữ vai trò quyết định trong việc mua ụ nổi, không ý thức được sai phạm, cũng như không chủ trương việc đòi lại quả 1,66 triệu USD và không được ăn chia.

Cũng bị xét xử về tội tham ô, bị cáo Trần Hữu Chiều lại thừa nhận có cầm từ Trần Hải Sơn 340 triệu đồng nhưng biện minh rằng không rõ khoản tiền này là khoản tiền bồi dưỡng hay khoản nào khác. Bị cáo Chiều cũng xin giảm nhẹ hình phạt và xin giảm bồi thường dân sự. Để khắc phục, bị cáo Chiều đã nộp lại 340 triệu đồng.

Các bị cáo Mai Văn Khang, Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện đều xin giảm nhẹ hình phạt và xin giảm tiền bồi thường. Bị cáo Khang còn đòi phải được minh oan.

Mượn tiền đưa chồng mua nhà cho “bồ nhí”!?

Cũng tại phiên thẩm vấn, HĐXX đã xét hỏi đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số người có liên quan tới vụ án. Trong đó, đáng chú ý, bà Phạm Mai Phương (vợ bị cáo Dũng) khi được HĐXX yêu cầu trình bày về đơn kháng cáo yêu cầu hủy kê biên 3 căn nhà, bà Phương cho biết: Hai căn hộ cao cấp ở Hà Nội mà cô Thảo (“bồ nhí” của Dũng) đang đứng tên đều là tiền của bà. Đối với căn nhà ở phố Nguyên Hồng thì căn nhà này được mua bằng tiền của mẹ đẻ bà Phương, của bà Phương và chỉ một phần của Dương Chí Dũng. Tuy nhiên khi HĐXX đặt vấn đề rằng tiền đâu mà bà Phương đưa cho chồng nhiều đến thế để mua căn hộ, bà Phương cho biết, đấy là số tiền bà mượn của bạn bè!?

Dự kiến phiên tòa sẽ kết thúc vào ngày 24-4.
MINH KHANG

>> Xử phúc thẩm “đại án” ở Vinalines 

>> Xét xử vụ án ở Vinalines: Dương Chí Dũng xin lỗi nhưng không nhận tội
 

Tin cùng chuyên mục