Phát hiện hóa thạch 300 triệu năm trong hang Sơn Đoòng

Ngày 6-11 Phó GS-TS Tạ Hòa Phương (Khoa Địa chất, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Chủ tịch Hội Cổ sinh – Địa tầng Việt Nam) đã thông tin phát hiện hóa thạch khoảng 300 triệu năm trong hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình.
Phát hiện hóa thạch 300 triệu năm trong hang Sơn Đoòng

(SGGP).- Ngày 6-11 Phó GS-TS Tạ Hòa Phương (Khoa Địa chất, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Chủ tịch Hội Cổ sinh – Địa tầng Việt Nam) đã thông tin phát hiện hóa thạch khoảng 300 triệu năm trong hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình.

Mô tả của GS Phương cho thấy hóa thạch san hô nằm ở phía tây hố sụt thứ nhất trong hang Sơn Đoòng với chi chít hóa thạch san hô bốn tia (Tetracorals) màu trắng. Đường kính cá thể san hô hóa thạch lớn đến 3-4cm. Chúng bị bào mòn, hiện trên mặt đá với nhiều tiết diện khác nhau, chiều dài có khi đạt trên 10cm. Ngay trên trần hang cũng có thể thấy những dải dày hóa thạch của loại san hô này. Giáo sư Phương đánh giá: “Thật may mắn cho tôi được tham gia đoàn thám hiểm, được chứng kiến thế giới của san hô hóa thạch. Chưa bao giờ tôi thấy san hô bốn tia đơn thể có kích thước lớn và số lượng nhiều đến thế”. Độ tuổi của các hóa thạch san hô khoảng 300 triệu năm.

Một dạng hóa thạch bên trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: Ryan Deboodt

Ngoài ra giáo sư Phương còn phát hiện thêm hóa thạch Huệ biển (Crinoids) trên những tảng đá vôi ở đoạn đầu hang, gần khối măng đá khổng lồ có dạng những trụ đá sừng sững vươn cao. Những con vật có hình bông huệ sống dưới biển vào thời kỳ cách nay khoảng 300 triệu năm đã để lại hóa thạch dưới dạng những đốt thân. Các đốt hình tròn, với lỗ thủng giữa có hình dạng khác nhau. Một số đốt còn gắn liền thành chuỗi, màu trắng, nổi bật trên nền đen của đá. Nhà cổ sinh địa tầng này cũng nhấn mạnh, hóa thạch quan trọng và có ý nghĩa nhất trong hang Sơn Đoòng là hóa thạch thú móng guốc. Đó là hóa thạch duy nhất ở Việt Nam bảo tồn nguyên vẹn. Nó nằm trên một quả đồi thạch nhũ nhỏ, cách cửa sau hang Sơn Đoòng khoảng 150m.

Minh Phong

Tin cùng chuyên mục