Trong tâm thức sâu thẳm của người Việt, cứ mỗi độ xuân về, người Việt Nam sống định cư ở nước ngoài đều hướng về quê hương với tình cảm thiêng liêng, tràn đầy tự hào dân tộc. Năm nay, dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Ất Mùi 2015, nhưng rất đông bà con kiều bào đã trở về Việt Nam để sum họp cùng gia đình và đón tết cổ truyền dân tộc. Mỗi lần về nước, bà con kiều bào chứng kiến sự thay da đổi thịt ở quê nhà, từ đó vững tin vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia vào những công việc trọng đại của đất nước. Theo thống kê, số lượng kiều bào, nhất là doanh nhân, trí thức trở về Việt Nam đầu tư, sinh sống, làm việc và lượng kiều hối đổ về Việt Nam mỗi năm một tăng. Điều này cho thấy tiềm năng và thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất lớn, cần phải có cơ chế, chính sách mang tính đột phá để khai thác một cách hiệu quả nguồn lực này trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 4 triệu người ở 103 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là cộng đồng trẻ, năng động, có nhiều tiềm năng về đầu tư, kinh doanh, tri thức quản lý và khoa học - công nghệ, tập trung ở nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn như công nghiệp điện tử, thông tin, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, công nghệ nanô, các lĩnh cực quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán…
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dự kiến tổng giá trị kiều hối vào Việt Nam năm 2014 sẽ vào khoảng 11-12 tỷ USD, trong đó, kiều hối chuyển về khu vực TPHCM thông qua các ngân hàng trên địa bàn đạt khoảng 5 tỷ USD, chủ yếu từ Mỹ. Đây là con số vô cùng ấn tượng trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay. Do vậy, bên cạnh tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, việc phát huy sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chính là phát huy sức mạnh cội nguồn dân tộc trong mỗi người con sống xa quê hương - vốn đã gắn bó với nhau, luôn chăm lo giữ gìn cốt cách tâm hồn Việt và luôn hun đúc tình yêu quê hương qua nhiều thế hệ.
Ở TPHCM, những đóng góp của kiều bào vào phát triển kinh tế - xã hội là không nhỏ, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, ứng dụng công nghệ, nghiên cứu khoa học, đào tạo. Nhiều trí thức, nhà khoa học kiều bào trở về TPHCM được mời tham gia vào một số hoạt động, giảng dạy đại học, tham gia câu lạc bộ khoa học, tham gia đóng góp ý kiến cho các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước… Tuy nhiên, quá trình các doanh nhân, trí thức Việt kiều khi về nước, làm việc ở TPHCM đã nảy sinh khá nhiều bất cập. Trong hoạt động khoa học, sự khác biệt về tư duy và phong cách làm việc là rào cản đáng kể đối với các chương trình hợp tác làm việc chung. Việc ứng dụng các công trình nghiên cứu khoa học còn ít hiệu quả, việc trọng dụng và trả lương cho người nghiên cứu chưa thực sự xứng đáng... Những lần tiếp xúc với lãnh đạo TPHCM, nhiều chuyên gia, trí thức Việt kiều phản ánh tình trạng thiếu thốn các điều kiện nghiên cứu như phòng thí nghiệm, mối liên hệ quốc tế, ê-kíp làm việc mạnh; những vướng mắc trong kinh phí xét - cấp cho các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ; về chế độ đãi ngộ… Bà con Việt kiều mong muốn TPHCM thường xuyên cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hỗ trợ các doanh nhân, trí thức kiều bào hợp tác đầu tư, tiếp xúc, trao đổi, quan hệ với các cơ quan chính quyền; đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của kiều bào tại Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào mua nhà ở; thực hiện cơ chế “một cửa” trong giải quyết các thủ tục hành chính đối với kiều bào; sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng trí thức kiều bào vào các vị trí quản lý tại các cơ quan trong nước... Để giải quyết căn cơ, hiệu quả cao, bà con Việt kiều mong muốn Nhà nước cần xây dựng được một cơ chế “đặc biệt” mang tính đột phá. Những nguyện vọng trên của kiều bào là chính đáng, thiết thực, nên cần phải làm thường xuyên, đồng bộ thì mới có thể thu hút được tình cảm, nguồn lực chất xám, nguồn lực kinh tế, vị trí ảnh hưởng của cộng đồng đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Người Việt Nam sống xa Tổ quốc, nhất là các doanh nhân, trí thức luôn nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc nên họ luôn sẵn sàng đóng góp tài năng và sức lực cho quê hương. Vấn đề đặt ra là các cấp lãnh đạo và quản lý trong nước cần phải có các hành động cụ thể thông qua việc thể hiện đồng bộ quyết tâm chính trị của lãnh đạo, kèm theo là những cơ chế, chính sách tích cực mời gọi đầu tư, tạo môi trường làm việc và trọng dụng nhân tài.
TUẤN SƠN