Phát huy tối đa sức sáng tạo

Một trong những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo văn hóa 2022 diễn ra ngày 17-12 tại tỉnh Bắc Ninh chính là vấn đề nhân lực cho hoạt động văn học nghệ thuật (VHNT).

Nhiều ý kiến cho rằng, VHNT Việt Nam trong giai đoạn hiện nay còn mờ nhạt, thiếu hụt những tác phẩm mới có nội dung tư tưởng và chất lượng cao; một số tác phẩm chạy theo thị hiếu thấp kém, chủ đề câu khách. Một số ngành chịu sự tác động của cơ chế thị trường, xu hướng hội nhập nên ngày càng bị mai một, thiếu vắng văn nghệ sĩ tài năng.

Hiện số lượng văn nghệ sĩ cả nước do Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố quản lý là hơn 42.000 người. Thế hệ văn nghệ sĩ gạo cội cũng đã quan tâm nhiều hơn đến những góc cạnh đời thường, vượt qua những công thức, né tránh trước đây, nhạy bén, mạnh dạn phê phán cái xấu, các biểu hiện biến chất, thoái hóa, xu hướng tiêu cực trong đời sống xã hội. Trong khi đó, lớp văn nghệ sĩ trẻ luôn tìm tòi cái mới, đem đến cho đời sống VHNT một triển vọng phát triển mới. Tuy nhiên, với cách nhìn, cách nghĩ của giới trẻ, nhiều tác phẩm chưa sâu nhưng giỏi quảng bá đã tác động không nhỏ đến thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, nhất là tầng lớp bình dân và giới trẻ. Một bộ phận văn nghệ sĩ trẻ có biểu hiện dễ dãi, bằng lòng với tình trạng nghiệp dư, “ăn xổi ở thì”, chiều theo thị hiếu tầm thường, thậm chí lập dị, ngộ nhận dưới danh nghĩa các trào lưu VHNT phương Tây.

Rõ ràng, sự chuyển biến vô cùng mạnh mẽ của thế giới do tác động của quá trình toàn cầu hóa với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ thông tin đã khiến cho đội ngũ văn nghệ sĩ ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam lúng túng, bị động, không theo kịp sự phát triển “quyền lực mềm” của một số quốc gia phát triển thông qua công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Nhiều cơ quan, lãnh đạo ở các cấp quản lý, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa nói chung và của VHNT nói riêng. Phần đông đội ngũ văn nghệ sĩ vẫn còn thụ động và thiếu khát vọng, chưa dấn thân và chưa theo kịp sự biến đổi của thực tiễn ở trong nước và trên thế giới. Chỉ một số bộ phận văn nghệ sĩ thích nghi tương đối tốt với cơ chế thị trường, nhưng lại sớm bộc lộ những khuynh hướng chạy theo thị hiếu tầm thường, theo lợi ích cá nhân.

Cần có hành lang pháp lý và một chiến lược quốc gia phát triển VHNT, được nghiên cứu, chuẩn bị và thẩm định kỹ càng, để đảm bảo tính khả thi, định hướng, mở đường, bao trùm từ cơ chế lãnh đạo, quản lý, quy hoạch đội ngũ, cơ chế, giải pháp đột phá, kế hoạch triển khai, đảm bảo nguồn lực đầu tư và đặc biệt là phát triển đội ngũ và tổ chức. Cũng cần thiết tăng cường, ưu tiên đầu tư để phát triển đội ngũ và tổ chức, ươm tạo và bồi dưỡng nhân tài. Dành sự ưu tiên đầu tư phát triển những ngành đào tạo, những môn nghệ thuật không thể thích ứng hoặc khó thích ứng được với cơ chế thị trường, nhưng vô cùng cần thiết với sự phát triển của toàn lĩnh vực và để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc như các loại hình nghệ thuật truyền thống, kịch hát dân tộc, tuồng, chèo, cải lương, dân ca của các dân tộc ít người. Quan trọng vẫn là cơ chế để đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, nhất là thu hút các nguồn đầu tư từ ngoài ngân sách nhà nước, từ xã hội và nhất là từ cộng đồng doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài.

Ở nước ta hiện nay, vừa có các văn nghệ sĩ trong các đơn vị nghệ thuật công lập, vừa có các văn nghệ sĩ hoạt động tự do, các đơn vị xã hội hóa. Vì vậy, cần có chính sách để phát huy sức sáng tạo của tất cả văn nghệ sĩ. Đó là sự quan tâm bình đẳng của Đảng, Nhà nước cho chặng đường dài phía trước của tất cả văn nghệ sĩ là công dân Việt Nam hoạt động và sáng tạo cho đất nước, nhân dân Việt Nam.

Phải tránh được sự ỷ lại vào nguồn lực của Nhà nước và không coi sự sáng tạo là một công việc cấp bách, hoạt động VHNT như một dạng viên chức nhà nước… Làm được điều này sẽ khuyến khích sáng tạo, cũng như sự tự rèn luyện, trau dồi, học tập nhằm đổi mới tư duy, nâng tầm sáng tạo, đáp ứng được công cuộc đổi mới và góp phần phát triển đất nước.

Tin cùng chuyên mục