Phát huy truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, lãnh đạo các cấp, các ngành, từ người lãnh đạo cao nhất nước cho đến các tầng lớp nhân dân, tất cả như đều tất bật tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Dòng người nối nhau đến các nghĩa trang thắp hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ… như dài hơn. Các hoạt động chăm lo thương binh, gia đình có công với cách mạng có sự tập trung hơn với tấm lòng tri ân sâu sắc.

Không nơi nào như Việt Nam, có hơn 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và hơn 3.000 công trình ghi công liệt sĩ trải dài khắp các vùng miền Tổ quốc. Khi có giặc ngoại xâm, “cả nước ra trận” và những người con gái, con trai đã không tiếc máu xương, sẵn sàng dâng hiến tuổi xuân cho Tổ quốc, với niềm tin tất thắng vào cơ đồ hùng cường, hạnh phúc của dân tộc. Sự hy sinh cho độc lập, tự do, cho hòa bình, thống nhất đất nước của cả dân tộc là vô cùng to lớn. Sự hy sinh vô giá ấy đã tạc vào lịch sử một “dáng đứng Việt Nam”, bản lĩnh và khí phách Việt Nam, biểu tượng của lương tri con người, lương tri thời đại.

Chiến tranh đã lùi xa, và sự biết ơn những người ngã xuống thì còn mãi đến muôn đời. Lòng biết ơn luôn thôi thúc các thế hệ nối tiếp sống sao cho xứng đáng, đóng góp sao cho có ý nghĩa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong các hoạt động tri ân vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã thể hiện sự cùng nhau làm tốt công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với đất nước.

Ngân sách quốc gia dành 400 tỷ đồng để tặng quà cho hơn 1,3 triệu người có công. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cả nước đã vận động được hơn 4.900 tỷ đồng chăm lo người có công; 3.736 Mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đơn vị, địa phương phụng dưỡng… Các địa phương, như TPHCM, đã dùng các “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” và huy động các nguồn đóng góp lớn từ nhân dân để chăm lo gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công.

Từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoạt động chăm lo người có công tại TPHCM đã được triển khai sâu rộng và tạo thành phong trào được nhiều người tham gia; như phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, phong trào xóa đói giảm nghèo, tăng hộ khá, tặng học bổng cho các học sinh trong gia đình có công và có hoàn cảnh khó khăn… Công tác truy tập hài cốt liệt sĩ đã đạt được nhiều kết quả.

Các phong trào “đền ơn đáp nghĩa” trở thành nét đẹp, là truyền thống nghĩa tình sẽ được người dân thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng phát huy trong giai đoạn phát triển mới, để đưa TPHCM tiến lên văn minh, hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, góp phần đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục