Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM - Năm 2019: TPHCM đột phá cải cách hành

Năm 2019, TPHCM tập trung nhiều giải pháp nhằm tạo đột phá về cải cách hành chính, trong đó tập trung xử lý các hạn chế như sự phối hợp trong nội bộ các cơ quan, đơn vị.

Trách nhiệm người đứng đầu cũng được đặc biệt chú ý với yêu cầu phát huy trách nhiệm, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành và xử nghiêm các trường hợp thực hiện cải cách hành chính không hiệu quả. Người đứng đầu cũng không được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nếu chỉ số cải cách hành chính của đơn vị chưa chạm ngưỡng tốt.

Kiểm tra, thanh tra công vụ

Năm 2019, Sở Nội vụ TPHCM đề xuất thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đột phá cải cách hành chính. Đầu tiên là phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Vì vậy, thành phố yêu cầu thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo cải cách hành chính các cấp. Thủ trưởng cơ quan phải là người trực tiếp quản lý, chỉ đạo toàn diện công tác cải cách hành chính tại đơn vị mình và chịu trách nhiệm trước cấp ủy về kết quả cải cách hành chính.

Đồng thời cũng phải thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức thực hiện không hiệu quả hoặc không thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính. Trách nhiệm cải cách hành chính phải gắn với kết quả và gắn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của thủ trưởng. Năm 2019, thành phố chỉ phân loại thủ trưởng sở - ngành, UBND quận - huyện đạt mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi chỉ số cải cách hành chính của đơn vị đạt từ loại tốt trở lên (từ 85 điểm trở lên). Xin lưu ý trong năm 2018, chỉ 1/2 sở - ngành đạt từ 85 điểm trở lên.

Cùng đó là việc tăng cường truyền thông về cải cách hành chính, chủ động phát hiện và kịp thời nhân rộng những mô hình, gương điển hình sáng tạo trong cải cách hành chính tại từng đơn vị. Hiện nay có nhiều mô hình, nhiều sáng tạo cải cách hành chính nhưng việc kiểm tra, đánh giá và nhân rộng còn làm chậm. Do đó, năm nay thành phố sẽ thực hiện việc này kịp thời hơn.

Đặc biệt, một khi đã có chỉ đạo là phải triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống. Hiện nay nhiều nơi đang làm tốt, song thực tế việc tiếp thu, nhận rộng ở một số sở - ngành, quận - huyện thì rất chậm. Dường như có tâm lý “nơi đó làm tốt thì mình không theo mà tự nghiên cứu, tìm cái gì đó khác với người ta”. UBND TPHCM ủng hộ sự năng động, chủ động nghiên cứu, luôn khuyến khích các đơn vị sáng tạo. Tuy nhiên, đối với những mô hình, sáng kiến được đánh giá tốt thì phải được nhân rộng, áp dụng hiệu quả.

Năm 2019, các sở - ngành, UBND các quận - huyện và thủ trưởng các sở - ngành, chủ tịch UBND quận - huyện được thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP và của Chủ tịch UBND TP. Do đó, các đơn vị phải chuẩn bị thật tốt để ngày 20-1 áp dụng ngay việc ủy quyền này. Trong đó, cơ quan, đơn vị có lĩnh vực được ủy quyền thì hướng dẫn nơi nhận ủy quyền; đồng thời nơi nhận ủy quyền phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nhận ủy quyền.

Khi chuyển giao nhiệm vụ (theo ủy quyền) không để xảy ra ách tắc công việc, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp khi làm thủ tục hành chính có liên quan. Đối với nội dung này, TP cũng tổ chức kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo việc thực hiện các quyết định về ủy quyền một cách hiệu quả.

Ngoài ra, việc tăng cường giám sát, kiểm tra, khảo sát chuyên đề về các hoạt động cải cách hành chính, nhất là kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu cũng sẽ được tập trung hơn. Nội dung kiểm tra, thanh tra công vụ tập trung vào việc thực hiện quy tắc ứng xử và thực thi công vụ.

Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM - Năm 2019: TPHCM đột phá cải cách hành ảnh 1 Cán bộ quận 7 hướng dẫn người dân làm thủ tục xin cấp giấy phép đăng ký kinh doanh  
Ảnh: VIỆT DŨNG
Qua đó, sẽ xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần không đúng quy định, giải quyết hồ sơ trễ hạn không có lý do chính đáng; đồng thời xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó. Mục tiêu phải đạt 30% cơ quan, đơn vị trở lên được kiểm tra.

Xử lý khâu yếu nhất

Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, khâu yếu nhất trong cải cách hành chính hiện đang nằm trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị. Nguyên nhân do quy trình phối hợp giữa các sở - ngành, quận - huyện lâu nay chưa rõ ràng.

Vì thế, năm 2019, TPHCM đẩy mạnh cải cách hành chính bằng nhiều hình thức, đặc biệt là cải cách hành chính trong nội bộ từng cơ quan và giữa các cơ quan, đơn vị với nhau. Nhiệm vụ đặt ra là phải xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình phối hợp giữa sở - ngành, UBND quận - huyện trong thực hiện nhiệm vụ và giải quyết thủ tục hành chính.

Cụ thể, Sở Nội vụ cùng các đơn vị liên quan sẽ xây dựng quy trình phối hợp giữa các sở - ngành, quận - huyện để đảm bảo không bị ách tắc. Thông thường, người dân than phiền do việc chậm trễ trong giải quyết thì các đơn vị nói đã hỏi “sở A, sở B, quận C, quận D” nhưng không được phúc đáp, giải quyết cho người dân. Tôi từng đề nghị chỉ rõ đơn vị nào chậm thì không dám nói tên cụ thể.

Do đó, TP sẽ có quy chế phối hợp và căn cứ vào đó để xác định rõ trách nhiệm. Các đơn vị cũng tự căn cứ vào quy chế này để đấu tranh, yêu cầu các sở - ngành, quận - huyện làm đúng thời hạn, đúng nhiệm vụ. Có như thế mới tạo chuyển biến, khắc phục được điểm yếu này.

Cùng với đó là việc công bố, công khai thủ tục hành chính một cách hiệu quả; đồng thời rà soát, kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút gọn thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực, nhất là thủ tục liên quan đến xây dựng, nhà đất, kinh doanh, đầu tư… Chủ động và phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quy trình giải quyết thủ tục theo cơ chế một cửa liên thông.

Năm 2019, TP cũng tiếp tục sắp xếp, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cơ quan hành chính các cấp gắn với việc xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công việc của cán bộ công chức, viên chức thông qua hưởng thu nhập tăng thêm. Chậm nhất cuối quý 3-2019 phải sắp xếp xong các cơ quan đơn vị, chuyên môn từ TP đến quận - huyện.

Trong công việc này chắc chắn sẽ có điều chỉnh, phân công nhiệm vụ cho phù hợp hơn và tinh gọn bộ máy. Mặc khác, TP cũng sẽ tổ chức thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp sở trở xuống nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính.

Để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp. Do đó, năm nay sẽ tập trung triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện 4 nhiệm vụ trụ cột của đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh”, xây dựng và triển khai chính quyền điện tử.

TPHCM cũng tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp giám sát tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc. Đặc biệt, để đo lường chính xác hiệu quả của công tác cải cách hành chính thì phải nâng cao chất lượng khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với từng cơ quan hành chính các cấp. Kết quả khảo sát phải được công bố hàng quý và từ kết quả này sẽ phân tích, tìm các giải pháp khắc phục những điểm người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng.

Tóm lại, cải cách hành chính là nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân, từng cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ này đòi hỏi sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị của TP, sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí - truyền thông và sự đồng thuận của người dân TP. Qua đó, nhằm cùng “chung tay cải cách hành chính” góp phần xây dựng TPHCM phát triển nhanh, bền vững.

Kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu

- Thứ nhất, trong năm 2019, TPHCM tập trung cải cách tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ phẩm chất và năng lực thi hành công vụ.

- Thứ hai, TPHCM tập trung cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp, đảm bảo trên 90% hồ sơ giải quyết đúng hạn. Hiện có lĩnh vực tỷ lệ giải quyết đúng hạn chỉ đạt 40% (đất đai). Xin nhấn mạnh, năm 2019 tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên từng lĩnh vực phải đạt trên 90%, không được lấy lĩnh vực này bù lĩnh vực khác rồi tính tỷ lệ toàn cơ quan đạt trên 90%. Cùng đó, TP phấn đấu nâng số lượng thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 lên 30% - 40% và 20% thủ tục thuộc lĩnh vực đầu tư được tiếp nhận qua mạng (hiện là 15%); từ 80% trở lên hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (hiện khoảng 75%).

- Thứ ba, triển khai đồng bộ các kế hoạch thực hiện đề án xây dựng TPHCM thành TP thông minh; kiến trúc chính quyền điện tử, đảm bảo tính đồng bộ, liên thông dữ liệu giữa các ngành, các lĩnh vực và các cấp.

- Thứ tư, nâng cao chất lượng khảo sát chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính, phấn đấu đạt trên 80% người dân, tổ chức hài lòng.
- Thứ năm, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành hoạt động cải cách hành chính và phát huy sáng tạo, cải tiến trong cải cách hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Năm 2018, Sở Nội vụ tổ chức kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành hoạt động cải cách hành chính nhưng tỷ lệ chưa cao. Năm 2019, Sở Nội vụ kiểm tra nhiều hơn, với ít nhất 30% sở - ngành, quận - huyện.

Bởi vì, 3 nội dung quan trọng nhất trong đột phá cải cách hành chính năm 2019 đều cần dấu ấn của người đứng đầu, gồm: nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; tổ chức bộ máy hợp lý, khoa học gắn với nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và cải cách hành chính.

                                                                   MẠNH HÒA - KIỀU PHONG (ghi)

Tin cùng chuyên mục