Phạt nặng hành vi chạy ngược chiều

Mặc dù là đường một chiều, có biển cấm đi ngược chiều, thế nhưng ở nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM, nhiều người vẫn vô tư lưu thông ngược chiều.

 

Hành động này không chỉ vi phạm luật giao thông, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông rất cao. TPHCM đang hướng tới xây dựng một thành phố văn minh... thì việc chấn chỉnh, cải thiện tình trạng giao thông lộn xộn, cố ý đi ngược chiều là rất cần thiết. 

Vô tư chạy ngược chiều trên cầu Điện Biên Phủ hướng từ quận 1 về quận Bình Thạnh
 Cấm... nhưng vẫn cứ đi


Ghi nhận thực tế tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM cho thấy, tình trạng người giao thông đi ngược chiều diễn ra rất phổ biến, đường một chiều thành đường 2 chiều khiến tình trạng giao thông trở nên phức tạp. Quan sát tại nhiều tuyến đường, chỉ trong vòng một giờ, chúng tôi đếm không xuể số lượng người đi xe ngược chiều. Vi phạm này xảy ra liên tục, bất kể giờ giấc. Hiện tượng người đi ngược chiều tại một số tuyến đường là điều không mới, nhưng đáng lo ngại là nó đang dần trở thành thói quen xấu của một số người dân thành phố. Đơn cử như tại cầu kênh Xáng, hướng từ quận 7 về quận 1, có rất nhiều người vô tư đi ngược chiều trên cầu để lưu thông về hướng quận 1, quận 4... Họ đi một cách rất tự nhiên khiến cho những người lưu thông từ hướng quận 1 về quận 7 gặp khó khăn. Chị Lê Thị Thu, một người dân ở đây, cho biết, ngày nào tình trạng người đi ngược chiều trên cầu kênh Xáng cũng diễn ra, một phần do ý thức kém, một phần do phía đúng chiều luôn trong tình trạng ùn ứ, kẹt xe. Cách đây mấy hôm, chị thấy cảnh sát giao thông xử phạt một số trường hợp đi ngược chiều trên cầu, nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Nhiều người vẫn vô tư đi ngược chiều trên cầu mà không nghĩ đến những hậu quả sau đó. Nhiều lần chị thấy xô xát, cự cãi diễn ra ngay trên cầu giữa những người lưu thông trên đường, gây ra tình trạng ách tắc, ùn ứ giao thông. Tình trạng này còn phức tạp hơn ở quốc lộ 13 (quận Thủ Đức) đoạn xung quanh Công ty cân Nhơn Hòa, khi mỗi buổi sáng rất nhiều công nhân của công ty này chạy hàng hai, hàng ba ngược chiều từ hướng ngã tư Bình Phước về công ty. Lý do được cho là do tuyến đường này có dải phân cách kéo dài từ ngã tư Bình Phước xuống tận gần chân cầu Bình Triệu, nên nhiều người ở trọ tại khu vực chợ nông sản Thủ Đức, khu chung cư Đất Xanh... đều cố tình đi ngược chiều để đến công ty cho gần.

Tương tự, người tham gia giao thông cũng vô tư chạy ngược chiều trên cầu số 3, 4 bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Tân Bình), cầu số 9 (quận Phú Nhuận) mặc cho có biển báo cấm một chiều và không được rẽ trái. Nhiều người dân ở đây cho biết, việc chạy ngược chiều trên các cây cầu này dường như đã trở thành… bình thường. Những ngày có đông phương tiện tham gia thì tình trạng giao thông trở nên lộn xộn, khó kiểm soát, va chạm xảy ra thường xuyên ở khu vực này. Tại khu vực Suối Tiên, tình trạng đi ngược chiều cũng diễn ra rất phổ biến trong khi có rất nhiều xe tải, xe container lưu thông đe dọa nghiêm trọng tính mạng người vi phạm. Tại chân cầu Điện Biên Phủ, hướng vòng xoay đi vào đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1). Đây được xem là điểm “nóng” về tình trạng đi ngược chiều, nhất là mỗi sáng từ thứ hai đến thứ sáu. Ghi nhận cho thấy lúc nào cũng có người lưu thông ngược chiều trên cầu để đi về  hướng phường 15, quận Bình Thạnh. Việc vi phạm thường xuyên đến mức, nhiều người xem đây giống như đường 2 chiều. 

Cần mạnh tay xử phạt

Tại sao tình trạng người lưu thông ngược chiều diễn ra khá phổ biến trên nhiều tuyến đường ở TPHCM? Theo nhiều chuyên gia, phần lớn do ý thức người tham gia lưu thông. Phần nữa, ở nhiều nơi, việc lắp đặt dải phân cách, rào chắn chưa hợp lý. 

Theo quy định tại Điểm i khoản 4, Điều 6 Nghị định 46/2016 NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông Đường bộ, người điều khiển xe máy đi ngược chiều bị phạt 300.000 đồng - 400.000 đồng và bị tước giấy phép lái xe 30 ngày. Cơ sở pháp lý để xử lý hành vi đi ngược chiều đã rất rõ ràng. Vấn đề nhân lực ít, không đủ sức phân bổ rộng khắp cũng đã có hướng xử lý. bằng việc nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM đã được lắp đặt camera. TPHCM cũng đã có chủ trương xử phạt nguội (qua hình ảnh camera ghi nhận được). Như vậy, vấn đề còn lại là ngành chức năng phải tổ chức xử lý nghiêm. Chỉ có chế tài nghiêm mới hạn chế được hành vi này bởi khi lưu thông, theo luật người dân phải biết, hiểu các quy định về giao thông, nhất là các biển báo hướng dẫn giao thông cơ bản nhất như chỉ dẫn về đường một chiều. Do đó, chỉ có một giải thích cho hành vi vi phạm là do sự thiếu ý thức, cố tình. Tất nhiên công tác tuyên truyền vẫn cần được duy trì nhưng cũng không nên chấp nhận lời giải thích của người vi phạm là không biết bởi khi điều khiển lưu thông phải có bằng lái và khi học lấy bằng, đã được dạy về luật. 

Về phía ngành chức năng, nên thường xuyên rà soát lại việc tổ chức giao thông. Giao thông được tổ chức hợp lý cũng góp phần làm giảm tình trạng người dân vi phạm luật giao thông.

Tin cùng chuyên mục