Từ khi có quy định về phạt “nguội” vi phạm giao thông, dư luận có hai luồng ý kiến, số ít người dân còn lưỡng lự nhưng số đông đồng tình. Phạt nguội qua ghi hình camera, người vi phạm không chối cãi đâu được, bằng chứng rõ ràng, “án tại hồ sơ”. Phạt nguội sẽ không có tranh chấp, không còn chuyện cãi vã giữa người thi hành công vụ và người vi phạm giao thông. Phạt nguội đã được cảnh sát giao thông nhiều nước tiên tiến áp dụng, vì đây là biện pháp minh bạch và đúng lỗi vi phạm, không gây ức chế cho người bị phạt, tránh được những hiện tượng đối phó, xin xỏ, gọi điện thoại “cầu cứu” của người vi phạm. Mặt khác, tránh được những hình ảnh hoặc cách ứng cử của người thi hành công vụ thiếu nghiệp vụ, thiếu năng lực hành xử, tránh được tai tiếng CSGT “rình” phạt.
Phạt nguội đòi hỏi công tác tuyên truyền và hệ thống biển báo, đèn đường phải đi trước một bước, nhất là tại những điểm, những nút giao thông mới vừa được đầu tư. Như nút giao thông ngã tư Hàng Xanh (TPHCM) cần gắn thêm một đèn xanh có hình mũi tên được phép rẽ trái từ trung tâm TP ra theo đường Điện Biên Phủ đi về Bến xe miền Đông, sẽ hạn chế tắc đường vào giờ cao điểm. Mỗi lần ùn tắc giao thông, người dân rất bức xúc, than phiền làm cầu vượt làm gì, để vòng xoay như cũ còn hay hơn, đẹp hơn, đỡ tốn kém tiền của dân. Đồng thời có chế độ thời gian đèn đường dừng lại hoặc được đi phải hợp lý với từng tuyến đường, tránh hiện tượng có nơi thời gian chờ quá dài, có nơi xe cuối chưa lăn bánh thì đèn đỏ đã bật lên.
Cùng với phạt nguội, các cơ quan chức năng vẫn thực hiện phạt “nóng” (phạt tức thời) nhưng tập trung xử lý những xe chở quá tải trọng. Điều dư luận không đồng tình là chưa ngăn chặn được tình trạng xe chở quá tải gây hư hỏng cầu đường. Ngành giao thông đã đưa ra nhiều nội dung xử phạt cùng lúc nhưng hiệu quả mang lại thấp. Đề xuất biện pháp hữu hiệu thì ít mà phải đầu tư thêm quá nhiều trạm cân, rồi việc tuyển dụng người thực thi cân xe cũng làm cho bộ máy giao thông phình ra. Dù lực lượng chức năng mai phục, nhưng những đoàn xe quá tải vẫn có thể chờ lúc sơ hở hoặc có “nội gián” để vượt trạm cân. Tập trung phạt “nóng” vào việc xử lý xe chở quá tải trọng sẽ giúp công tác kiểm tra xe quá tải trọng năng động, linh hoạt hơn, kiểm tra được mọi chỗ mọi nơi lưu thông trên đường. Những người có ý định chở quá tải sẽ khó đối phó với lực lượng chức năng, từ đó sẽ góp phần giảm thiểu vi phạm.
Phạt “nguội” phải cần mua sắm trang thiết bị để theo dõi, để tác nghiệp và đó là cách làm của những nước phát triển. Còn phạt “nóng” chưa cần đầu tư nhiều việc mua sắm mà cần nhiều hơn ở sự quyết tâm của các cơ quan chức năng, có biện pháp tích cực ngăn chặn kịp thời tình trạng phá đường như hiện nay.
NGUYỄN THÀNH CHÍNH