Hiện nay các ngành công nghiệp trọng yếu trên địa bàn TPHCM phát triển chậm và hiệu quả thấp, nguyên nhân chính là do công nghiệp hỗ trợ (CNHT) kém phát triển dẫn đến giá trị tăng thấp. Chính vì vậy, giải pháp căn cơ hiện nay là xây dựng chính sách đủ mạnh và tạo điều kiện thuận lợi nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp CNHT phát triển.
Quy định chặt chẽ, rõ ràng
Để đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh cạnh, UBND TPHCM đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển CNHT, đồng thời xây dựng Đề án Phát triển CNHT trên địa bàn giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Đề án Phát triển CNHT (do Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển và Trường Đại học Kinh tế phối hợp thực hiện), để phát triển bền vững các ngành công nghiệp trong yếu cũng như CNHT, điều kiện tiên quyết phải xây dựng ngay văn bản pháp lý có giá trị cao để điều chỉnh, giúp nhà đầu tư yên tâm. Bởi đối với Việt Nam, TPHCM là một nơi đi đầu cả nước về phát triển công nghiệp và dịch vụ nói riêng, do đó điều cần thiết để phát triển CNHT bền vững phải có một đạo luật riêng điều chỉnh CNHT. “Trước mắt, để giải quyết nhu cầu cấp bách cho sự phát triển của CNHT, Chính phủ cần ban hành một nghị định điều chỉnh CNHT. Có như vậy, các nhà đầu tư mới an tâm bỏ vốn kinh doanh và ngành CNHT mới có cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển về lâu dài” - một thành viên trong nhóm nghiên cứu Đề án Phát triển CNHT, đưa ra đề nghị. Khi có một văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành điều chỉnh trực tiếp về CNHT, sẽ giúp cho nhà đầu tư, xã hội hiểu rõ các khái niệm, quản lý nhà nước về CNHT; các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ, phát triển ngành CNHT…
Chế tạo khuôn mẫu cơ khí chính xác cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Ảnh: Cao Thăng
Cùng với xây dựng luật riêng cho CNHT, Chính phủ nên thành lập cơ quan đầu mối đủ mạnh để thống nhất quản lý CNHT ở cấp vĩ mô. Cơ quan này điều phối các bộ liên quan và có đủ quyền lực, tự chủ trong việc sử dụng các công cụ hữu hiệu để hoạch định chính sách CNHT và chịu trách nhiệm về các chính sách đó. Trên thực tế, sự thiếu hiệu quả trong phát triển CNHT thời gian qua bên cạnh nguyên nhân chính đến từ khung pháp lý còn thiếu và yếu, một nguyên nhân quan trọng khác do Việt Nam chưa có bộ máy chuyên trách cho sứ mệnh phát triển CNHT. Cụ thể, đến nay vẫn chưa có cơ chế buộc các bộ ngành liên quan cùng phối hợp làm việc, thiếu sự tham gia của doanh nghiệp CNHT do cơ chế hiện hành chưa tạo thuận lợi cho họ tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Việc thực hiện chiến lược và các chính sách dành cho ngành CNHT không đúng như quy định do sự chậm trễ trong quá trình triển khai vì thiếu sự đốc thúc của một cơ quan đầu mối lãnh đạo và chịu trách nhiệm rõ ràng.
Tăng ưu đãi
Trong Đề án Phát triển CNHT trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025, nhóm chuyên gia nghiên cứu đã đưa ra hàng loạt kiến nghị về những vướng mắc trong các quy định hiện hành, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ thức đẩy CNHT phát triển.
Cụ thể, Chính phủ nhanh chóng sửa đổi quy định về thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư của doanh nghiệp CNHT theo hướng giao cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm thẩm định các điều kiện hưởng ưu đãi của dự án CNHT và ra quyết định cuối cùng đối với dự án CNHT, thay vì phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định như quy định hiện hành. Doanh nghiệp CNHT khi đầu tư vào các địa bàn ưu đãi đầu tư, lĩnh vực ưu đãi đầu tư, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn phải được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước nhằm có điều kiện thuận lợi hơn để hoạt động. Bên cạnh đó, nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm CNHT, kể cả những doanh nghiệp được thành lập mới hay những doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất được thuê đất lâu dài và ổn định.
Đối với Luật Thuế giá trị gia tăng, nên sửa đổi theo hướng bổ sung quy định cho phép các sản phẩm CNHT được hưởng thuế suất ưu đãi 5%, thay vì 10% như quy định hiện hành để giúp doanh nghiệp có điều kiện cạnh tranh để tồn tại trong điều kiện kinh tế thị trường. Cho phép nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất của các dự án CNHT và được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất hoặc đầu tư vào địa bàn ưu đãi. Đặc biệt, nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn nữa về tín dụng cho doanh nghiệp CNHT. Tùy theo phân loại tín dụng ngắn hay trung, dài hạn, doanh nghiệp CNHT được áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất trong khung lãi suất cho vay. Đồng thời, khoản vay được hỗ trợ 50% hoặc 100% lãi suất vay trong thời gian từ 1 hoặc 2 năm đầu, được áp dụng theo thời gian vay thực tế của doanh nghiệp và chỉ áp dụng đối với các khoản vay trả nợ trước hạn hoặc đúng hạn tại thời điểm hỗ trợ lãi suất.
Đối với lĩnh vực CNHT như sản xuất linh kiện điện tử, cụm chi tiết cho máy công cụ, ô tô… đỏi hỏi chi phí đầu tư công nghệ khá cao nên doanh nghiệp Việt Nam khó có thể tham gia nếu thiếu sự liên kết với doanh nghiệp lớn sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện tốt vai trò đầu mối tạo điều kiện liên kết doanh nghiệp. Ngoài ra, nhà nước nên có quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp cho sự phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT.
Lạc Phong