Phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Bình Dương

Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp với hơn 43.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động, trong đó có nhiều công ty tham gia trong lĩnh vực gia công sản phẩm, ngành nghề thâm dụng lao động và đất đai như da giày, dệt may... 
Công nhân Công ty DS Vina, KCN Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương sản xuất phụ liệu ngành may mặc
Công nhân Công ty DS Vina, KCN Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương sản xuất phụ liệu ngành may mặc

Tỉnh đang đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm và giúp các DN từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tốp 5 địa phương dẫn đầu

Những năm gần đây, tỉnh Bình Dương đã ưu tiên nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu như ngành dệt may với các lĩnh vực sản xuất sợi, dệt vải, dây kéo, nhuộm, hoàn thiện sản phẩm dệt; ngành cơ khí (sản xuất kim loại, sản phẩm từ kim loại, máy móc thiết bị và phụ tùng cho các ngành công nghiệp ô tô); ngành điện - điện tử (sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị dây dẫn điện, cáp quang)... Đến nay, Bình Dương có khoảng 2.300 DN sản xuất kinh doanh sản phẩm CNHT, nằm trong tốp 5 các địa phương có ngành CNHT phát triển mạnh của cả nước (cùng với TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai và Bắc Ninh), bước đầu đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và các DN FDI, tạo điều kiện cho DN trong nước tiếp cận công nghệ hiện đại, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp toàn thế giới. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề, nhất là việc cung cấp nguyên phụ liệu sản xuất khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn tại các thị trường lớn (như châu Âu, Trung Quốc), vì vậy, đẩy mạnh phát triển CNHT sẽ giúp các DN chủ động được nguồn hàng, tránh bị phụ thuộc vào nước ngoài, đồng thời tạo thêm lợi thế trong thu hút đầu tư.

Vai trò kiến tạo của chính quyền địa phương

Từ cuối năm 2019, tỉnh Bình Dương thông qua Đề án nâng cao tỷ trọng nội địa hóa, năng lực công nghệ và hiệu quả quản lý tri thức trong một số ngành xuất khẩu chủ lực của Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh nhìn nhận giá trị gia tăng trong các sản phẩm còn thấp, hiệu quả chưa tương xứng với quy mô; kim ngạch xuất khẩu các DN FDI chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn nhưng liên kết với các DN trong nước còn yếu, liên kết giữa các DN còn chưa chặt chẽ, điểm nghẽn về nhân lực và chi phí cao về logistics chưa cải thiện khiến hiệu quả hoạt động hạn chế. Cụ thể là lĩnh vực linh kiện phụ tùng mới đáp ứng 10%-20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ; 15% cho điện tử, tin học, viễn thông; 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao; lĩnh vực CNHT ngành dệt may, da giày mới đáp ứng được hơn 40% nhu cầu...  

Hiệp hội Da giày, túi xách tỉnh Bình Dương cho rằng, lãnh đạo tỉnh cần có chiến lược phát triển nguyên phụ liệu, có cơ chế ưu đãi thuế quan đối với các dự án đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu và CNHT mới có thể giải quyết nút thắt về vấn đề quy tắc xuất xứ, giúp DN tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; bởi hầu hết các sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao DN đều phải nhập của nước ngoài, giá thành khó cạnh tranh, nhất là với các sản phẩm mang thương hiệu lớn. 

Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương: ngành CNHT của tỉnh đang được ưu tiên tập trung phát triển, trong đó chú trọng đến các ngành công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Tỉnh đã giao Sở Công thương tăng cường kết nối với các hiệp hội để nắm bắt nhu cầu, phối hợp cùng Ban quản lý các khu công nghiệp tổ chức kết nối cung - cầu, tạo điều kiện cho DN sản xuất CNHT tiếp cận các đối tác trong và ngoài nước, nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng DN trong nước.

Ngày 6-8-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT với các mục tiêu: đến năm 2025, DN Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa; chiếm 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các đơn vị lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó, DN trong nước chiếm khoảng 30%. Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp... Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương xây dựng và ban hành Chương trình phát triển CNHT, bố trí ngân sách để triển khai Chương trình phát triển CNHT, hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng, chi phí xử lý môi trường cho các dự án sản xuất sản phẩm CNHT...

Tin cùng chuyên mục