Ngay cả các nước theo truyền thống luật dân sự (pháp điển hóa) như Liên minh châu Âu (EU) hay Trung Quốc đều đã công bố các bản án, quyết định của tòa án về SHTT; và tòa án các nước này cũng thường xuyên tham khảo, trích dẫn án lệ khi xét xử những tranh chấp về SHTT. Giới thẩm phán, cán bộ thực thi, luật sư, học giả, sinh viên luật có thể tiếp cận và nghiên cứu các bản án về SHTT, giúp họ có cái nhìn đầy đủ, toàn diện các khía cạnh biểu hiện của quyền SHTT trong đời sống thực tế, về thực trạng các giao dịch liên quan đến tài sản trí tuệ, cách giải quyết của tòa án và cơ quan hành chính đối với các vụ xâm phạm quyền SHTT. Từ đó, họ có thể phát hiện những khoảng trống trong pháp luật và đề xuất giải pháp hoàn thiện.
Ở nước ta, việc công bố các bản án về SHTT là một trong những biện pháp gián tiếp để thu hút đầu tư nước ngoài, bởi nó thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tuân thủ Hiệp định TRIPS (hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền SHTT, áp dụng trong khuôn khổ các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới - WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đồng thời tăng cường tính minh bạch trong thực thi quyền SHTT.
Phát triển hệ thống án lệ về SHTT cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực của tòa án trong việc xét xử các tranh chấp quyền SHTT. Từ đó, dịch chuyển dần cơ chế thực thi quyền SHTT ở Việt Nam đi theo đúng quỹ đạo tự nhiên với trọng tâm là cơ chế khởi kiện dân sự. Bởi chỉ thông qua cơ chế này, các chủ thể quyền SHTT mới được bảo vệ đầy đủ, trọn vẹn; được hưởng các chế tài dân sự mà biện pháp hành chính không thể mang lại cho họ như chế tài bồi thường thiệt hại.
Hiện pháp luật Việt Nam về SHTT trong các FTA, nhìn tổng thể đã cơ bản đáp ứng với các cam kết; chỉ một số ít nội dung chưa tương thích, mang tính quy định chi tiết, đơn lẻ, ở các vấn đề cụ thể mà chúng ta cần hoàn thiện trong thời gian tới như pháp luật về hợp đồng, pháp luật về giao dịch bảo đảm, pháp luật về chuyển giao công nghệ… Theo đó, pháp luật về giao dịch bảo đảm và pháp luật về chuyển giao công nghệ cần quy định rõ hơn về cơ chế nhận bảo đảm bằng tài sản trí tuệ, nhận diện rõ các loại tài sản trí tuệ có thể sử dụng làm tài sản bảo đảm. Đồng thời, cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của nước ngoài về thúc đẩy hoạt động cho vay có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ...