Phát triển làng nghề: Khắc phục cách làm nhỏ lẻ, ô nhiễm môi trường

Phát triển làng nghề: Khắc phục cách làm nhỏ lẻ, ô nhiễm môi trường

(SGGPO).– Sáng nay 19-4, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân có chuyến khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh tại làng nghề làm gỗ truyền thống La Xuyên và  làng nghề đúc đồng truyền thống của làng Vạn Điểm, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Làng nghề đúc truyền thống của làng Vạn Điểm, thị Trấn Lâm, huyện Ý Yên nổi tiếng là nơi đưa công nghệ chạm khảm lên các sản phẩm trang trí và tâm linh. Nghề đúc đồng thu hút nhiều hộ gia đình, lao động trong làng và vùng lân cận, góp phần giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Mức thu nhập bình quân của thợ đúc đồng khoảng 3-6 triệu đồng/tháng. Nhờ nghề đúc đồng truyền thống, làng hiện không có hộ đói, số hộ giàu và khá chiếm 70%. Hiện một số công ty, doanh nghiệp đã gia nhập hiệp hội cơ khí đúc huyện Ý Yên, hoạt động theo phương thức liên doanh, liên kết nên sản xuất, sản phẩm ngày càng phát triển. Năm 2014 doanh thu từ hoạt động sản xuất đúc- cơ khí đạt trên 200 tỷ đồng. Còn tại làng gỗ La Xuyên, có cả ngàn hộ làm gỗ truyền thống, thu nhập khá ổn định.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (đeo kính, góc trái) khảo sát làng nghề tại Nam Định 

Theo ông Hoàng Xuân Thành, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên, trên địa bàn huyện Ý Yên có 25 làng nghề truyền thống, giải quyết được gần 20.000 lao động địa phương. Tuy đã có một số thương hiệu nổi tiếng cả nước như gỗ La Xuyên, đồng Ý Yên.. nhưng vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng. Còn trên địa bàn toàn tỉnh Nam Định, có 128 làng nghề (trong đó 34 nghề truyền thống trên 50 năm). Giá trị sản xuất tại các làng nghề đạt khoảng 4.000 tỷ đồng/năm, bằng 45% giá trị sản xuất của tổng các ngành nghề nông thôn. Tuy nhiên, thực tế chung là phần lớn các làng nghề phát triển tự phát, manh mún, nhỏ lẻ. Tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề, đa số cơ sở sản xuất lẫn trong khu dân cư gây tiếng ồn, bụi,.. Khả năng tiếp thị sản phẩm và tìm thị trường còn hạn chế. Người làm nghề khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, đặc biệt là chưa có sự hỗ trợ, liên kết, hợp tác trong việc phát triển nghề truyền thống...

Tương tự các làng nghề truyền thống khác, các làng nghề trên địa bàn tỉnh Nam Định cũng kiến nghị  Nhà nước có chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay lãi xuất thấp, đơn giản về thủ tục hồ sơ, mức vốn vay để đáp ứng được nhu cầu về vốn và phát triển bền vững. Đây là nhu cầu hàng đầu của các làng nghề hiện nay. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình mong muốn được hỗ trợ để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường xung quanh-vốn là thực tế rất bức xúc của các làng nghề hiện nay. Cùng với đó, hỗ trợ kinh phí dạy nghề truyền thống, cho phép mở các lớp truyền dạy nghề, có thể được phép cấp chứng chỉ cho người học nghề do các nghệ nhân truyền nghề; có cơ chế chính sách cụ thể về xây dựng thương hiệu làng nghề…

Đánh giá sau chuyến khảo sát, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để phát triển làng nghề, cần phải khắc phục tình trạng làm ăn nhỏ lẻ, mang mún, mạnh ai nấy làm hiện nay. Cần phải có sự liên kết các hộ dân làm nghề truyền thống thông qua một tổ chức hội làng nghề hoặc hợp tác xã làm nghề. “Khi đã có tư cách pháp nhân rồi thì hội hoặc hợp tác xã làng nghề sẽ đứng ra đễ hỗ trợ người dân trong vay vốn, tìm thị trường, xây dựng thương hiệu, xử lý ô nhiễm môi trường, thiết kế mẫu sản phẩm, quảng bá hàng hóa.. Lúc đó, giá trị của làng nghề sẽ được nâng lên. Từng người dân, từng hộ sản xuất rất khó làm được nhưng nếu có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, có một tổ hợp tác chung thì sẽ huy động được nguồn lực để giải quyết các hạn chế cố hữu hiện nay của làng nghề", đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Trong 2 ngày cuối tuần 18,19-4, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có chuyến khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề truyền thống ở Nam Định, Hà Nội, Bắc Ninh.  Mục đích của chuyến khảo sát nhằm tìm hiểu nắm bắt những khó khăn vướng mắc để từ đó đề xuất hướng phát triển cho các làng nghề truyền thống trong thời gian tới. Đây cũng là thực tiễn nóng hổi cho cuộc tọa đàm về phát triển làng nghề truyền thống trong giai đoạn hiện nay mà Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hiệp hội làng nghề Việt Nam sẽ tổ chức vào ngày mai, 20-4.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục