Phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới

“Hợp tác xã (HTX) kiểu mới sẽ tạo ra động lực kép, mạnh mẽ để đột phá góp phần phát triển nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay, vì tạo ra sự tương tác đồng hướng của 4 lợi ích: lợi ích của hơn hàng chục triệu hộ nông dân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp (DN) và lợi ích của các nước giao thương với Việt Nam”, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định…
Phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới

“Hợp tác xã (HTX) kiểu mới sẽ tạo ra động lực kép, mạnh mẽ để đột phá góp phần phát triển nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay, vì tạo ra sự tương tác đồng hướng của 4 lợi ích: lợi ích của hơn hàng chục triệu hộ nông dân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp (DN) và lợi ích của các nước giao thương với Việt Nam”, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định…

Thu nhập thấp do sản xuất manh mún

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nhận định: “ĐBSCL là vùng kinh tế năng động, phát triển. Nơi đây đã và đang hình thành các mô hình kinh tế hợp tác sản xuất hàng hóa; mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết sản xuất lúa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản… mang lại giá trị cao; có sức lan tỏa trong sản xuất nông nghiệp của vùng, giúp người dân nâng cao thu nhập”. Tuy nhiên, trên bình diện chung phải nhìn nhận, những năm qua dù đời sống của người dân vùng ĐBSCL từng bước được cải thiện, nhưng vẫn còn khó khăn do tác động của giá cả các mặt hàng nông sản bấp bênh, không ổn định; diện tích sản xuất nông nghiệp trong các mô hình liên kết còn nhỏ; ứng dụng cơ giới hóa chậm. Các hộ gia đình, đơn vị kinh tế tư nhân sản xuất kinh doanh vẫn ở dạng tự phát, thiếu liên kết hợp tác, thiếu tính tổ chức trong hoạt động. Chưa có nhiều đơn vị đứng ra hỗ trợ, hướng dẫn nông dân cách tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả.

HTX là cầu nối để nông dân đưa nông sản vào siêu thị tiêu thụ.

Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng: “Thu nhập bình quân hàng tháng của 1 lao động trong nông nghiệp hiện nay dao động khoảng 3 triệu đồng, chỉ bằng 70% thu nhập của 1 lao động công nghiệp và bằng 58% thu nhập của 1 lao động dịch vụ. Nguyên nhân do nông dân không thể dự báo được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ở thị trường địa phương, quốc gia và quốc tế. Họ sản xuất theo phong trào nên thường dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá rớt dẫn tới thiệt hại”.

Cần giải pháp đột phá

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, chiếm 50% sản lượng lúa; 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản; 90% sản lượng gạo xuất khẩu... “Trong xu thế hội nhập và phát triển, liên kết hợp tác là xu thế tất yếu, nhất là lĩnh vực nông nghiệp cần được xem trọng. Các khâu quy hoạch thủy lợi, xây dựng cánh đồng lớn, khâu làm đất, chọn giống, xuống giống, nguồn nước tưới tiêu, thu hoạch, bảo quản, cơ giới hóa nông nghiệp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nguồn vốn tín dụng, tìm đầu ra cho sản phẩm… cần được thực hiện đồng bộ nhằm giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm, tăng chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận. Có như thế thì cuộc sống của người dân mới được nâng lên” - ông Nguyễn Phong Quang, xác định.

Giải quyết vấn đề này, nhiều ý kiến đề xuất đẩy mạnh phát triển HTX kiểu mới. Nếu có HTX kiểu mới với khối lượng mua đầu vào và bán đầu ra từ 300 đến 500 lần so với 1 hộ nông dân, thì khả năng đàm phán giá mua và bán với các doanh nghiệp sẽ cao hơn, đem lại thu nhập khá hơn cho nông dân. Các HTX cùng loại có thể thành lập công ty cổ phần để tiêu thụ sản phẩm cho các HTX trong vùng, khắc phục sự phụ thuộc vào thương lái. Muốn hội nhập quốc tế về xuất khẩu, chỉ có qua HTX kiểu mới, hoặc liên hiệp các HTX mới có thể bán hàng cùng loại sản phẩm quy mô lớn, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và chứng nhận đảm bảo chất lượng. Minh chứng cho điều này là trường hợp của HTX chăn nuôi bò sữa Long Hòa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Ban đầu, HTX này chỉ có 12 xã viên với 26 con bò sữa, đến nay đã nâng lên 300 con bò sữa và 25 xã viên. Trong đó, luôn có 160 con bò cho sữa; thu nhập bình quân mỗi xã viên từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Hay như bà con xã viên HTX rau an toàn Vĩnh Long có thu nhập gấp 5 lần so với làm lúa khi chưa vào HTX. Bởi được cung ứng giống, vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra sản phẩm, nên nông dân không còn lo cảnh bị tư thương ép giá.

Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, kiến nghị: “Để HTX kiểu mới phát triển, các bộ ngành trung ương cần đầu tư nhiều hơn cho vùng ĐBSCL, chọn “điểm” nhân rộng các HTX kiểu mới để nhiều địa phương học hỏi. Mặt khác, trong khi các ngân hàng đang dư vốn, nhưng nông dân lại thiếu vốn sản xuất, do vậy cần có cơ chế mạnh dạn cho các HTX được vay vốn. Ngoài ra, nên tính toán cơ chế lấy ngân sách trả lương cho HTX kiểu mới từ 1 - 3 năm đầu, sau đó HTX sẽ tự hoạt động”.

Ông Đỗ Văn Sơ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau cho rằng: Thu nhập bình quân của tổ viên tổ hợp tác, xã viên HTX của tỉnh hiện khoảng 22 triệu đồng/người/năm, thấp hơn thu nhập bình quân đầu người của tỉnh. Đa số HTX còn lúng túng và chậm chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Nhiều HTX hoạt động còn hình thức, chất lượng nguồn nhân lực rất thấp, gặp trở ngại trong việc tìm thị trường tiêu thụ nông sản… Đây là những hạn chế cần được nhanh chóng giải quyết để phát triển mô hình HTX kiểu mới…

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục