Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao: Cần chính sách đồng bộ

Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao: Cần chính sách đồng bộ

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển nền công nghiệp của mỗi quốc gia. Phát triển CNHT càng trở nên quan trọng đối với các nước đang trong quá trình “công nghiệp hóa” như Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn lại sau hơn 10 năm triển khai, CNHT Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn sơ khai và manh mún.

“Thế hệ công nghiệp thứ hai”

Có thể khẳng định, sau gần 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Đây là điều không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, khách quan nhìn lại, chất lượng của phát triển vẫn còn rất thấp. Việt Nam đã đạt đến ngưỡng của một quốc gia có thu nhập trung bình thấp và nếu muốn tiếp tục vươn lên cần quyết liệt thay đổi mô hình tăng trưởng dựa quá nhiều vào tài nguyên thiên nhiên và sức lao động giá rẻ như hiện nay. Trong tương lai không xa, chúng ta sẽ mất lợi thế cạnh tranh với những nền kinh tế non trẻ trong khu vực như Myanmar, Lào, Campuchia… Nói cách khác, Việt Nam cần tích cực hơn trong việc nâng cao vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một chiến lược phù hợp khi đất nước vừa mở cửa, cần vốn đầu tư và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác cho thấy, nếu không quan tâm thúc đẩy mối liên kết giữa các công ty FDI và các nhà cung ứng nội địa, CNHT không thể phát triển và đến lượt nó sẽ không thể làm nền tảng cho những dự án đầu tư mới có trình độ công nghệ cao hơn. Kết quả là không những phần lớn giá trị của sản phẩm tạo ra nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam mà năng lực công nghệ nội địa sẽ giậm chân tại chỗ.

Giá trị gia tăng sản phẩm công nghệ cao chỉ đạt 15% đến 17% do tỷ lệ nội địa hóa thấp. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Trên thực tế, ngay từ đầu thế kỷ 21, Chính phủ đã có chủ trương phát triển CNHT nhưng sau 14 năm triển khai CNHT ở Việt Nam vẫn còn chưa định hình được sản phẩm. Nhiều loại sản phẩm như ô tô, điện thoại di động, da giày, dệt may… vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp… Việt Nam chưa có các sản phẩm CNHT mũi nhọn từ đó đẩy mạnh đầu tư trở thành thế mạnh. Thêm vào đó các chính sách, chiến lược, mối quan hệ cung cầu… chưa đồng bộ. Công nghiệp Việt Nam vẫn đang ở “thế hệ công nghiệp thứ hai”, vì vậy việc thực hiện tỷ lệ nội địa hóa cao là khó có thể đạt được. Nhìn chung ngành CNHT Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khai và manh mún. Số lượng các doanh nghiệp hỗ trợ nội địa mới chỉ dừng lại ở khâu sản xuất các chi tiết, linh kiện đơn giản và cơ cấu giá trị nội địa hóa rất nhỏ. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ có thể tập trung đầu tư và phát triển sản xuất các loại phụ tùng linh kiện có kích cỡ cồng kềnh với công nghệ sản xuất không quá phức tạp và chỉ với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp FDI. Năng lực của các nhà cung ứng chưa mạnh. Các doanh nghiệp nội địa có trình độ công nghệ thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp của các nước trong khu vực ASEAN, năng lực tổ chức sản xuất và quản lý chưa đáp ứng được đòi hỏi của các nhà đầu tư FDI. Một trong những điểm yếu nhất là khả năng nghiên cứu, phát triển (R&D). Ngoài ra, yêu cầu đặt ra cũng như chính sách thu mua từ phía các công ty FDI rất khắt khe về chất lượng, thông số kỹ thuật, nguồn nguyên vật liệu, thời gian cung ứng và thực hiện các khế ước hợp đồng. Thực tế, các doanh nghiệp nội địa khó có khả năng đáp ứng một cách toàn diện các yêu cầu này, nguyên nhân chính vẫn là năng lực sản xuất kinh doanh và uy tín của các doanh nghiệp nội địa vẫn chưa đủ mạnh.

Xuất bản “sách trắng” về công nghiệp

Để thúc đẩy ngành CNHT phát triển, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách về thuế, đất, hạ tầng kỹ thuật, ưu đãi tín dụng, các doanh nghiệp nội địa có nguyện vọng tham gia chuỗi cung ứng cho các nhà đầu tư FDI phải quyết tâm đổi mới sáng tạo để tạo ra được sản phẩm cung ứng không chỉ đáp ứng được yêu cầu đặt hàng mà còn phải có sự vượt trội về chất lượng, giá cung cấp cạnh tranh hoặc những yếu tố khác thể hiện cho được sự vượt trội hơn so với sản phẩm cùng loại đang được cung cấp bởi các doanh nghiệp từ Trung Quốc, Hàn Quốc… Đó là những yếu tố mang tính quyết định để doanh nghiệp FDI đặt hàng được thuyết phục để chọn doanh nghiệp nội địa của Việt Nam làm nhà cung cấp thay cho nhà cung cấp từ các nước khác như hiện nay.

Về phía TPHCM, cần có cơ chế chính sách để hình thành hệ thống các cơ quan đầu mối nhằm hỗ trợ toàn diện mọi hoạt động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) phát triển (từ hệ thống tổ chức, ngân sách, hệ thống chính sách hỗ trợ và tạo việc làm…). Đồng thời, hướng sự tập trung hoạt động của DNVVN vào các sản phẩm hoặc lĩnh vực CNHT mà TP quan tâm. Ngoài ra, để tạo sự phát triển công nghiệp ổn định lâu dài, hàng năm Nhà nước nên xuất bản “sách trắng” về công nghiệp. Đây là công cụ giúp các cơ quan quản lý nhà nước có thể đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp, bởi khi có bộ “sách trắng” trong tay, các cơ quan này có được các phân tích toàn cục, dự báo các điều kiện và xu thế phát triển thương mại, công nghiệp, DNVVN (SME) và các vấn đề liên quan khác. “Sách trắng” cũng như cơ sở dữ liệu công nghiệp và hệ thống thống kê công nghiệp là tối cần thiết cho hoạt động nghiên cứu, phân tích, hoạch định chính sách về công nghiệp. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu hiện nay và đuổi kịp các nước đi trước, các chính sách công nghiệp cần phải chú trọng xây dựng đồng thời xã hội công nghiệp và xã hội tri thức. Điều này có nghĩa là chính sách không chỉ tập trung vào việc giảm chi phí và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng công nghiệp mà còn phải duy trì được môi trường thuận lợi cho việc cải cách, đổi mới trên cơ sở liên kết giữa doanh nghiệp, trường đại học và cơ quan nghiên cứu. Qua đó, tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa nâng cao được nhận thức và thực hiện sự đổi mới sáng tạo mới có thể tạo ra được sản phẩm cung ứng tham gia vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặc dù hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của các nhà sản xuất công nghệ cao ở Khu công nghệ cao (KCNC) TPHCM lên đến vài tỷ USD mỗi năm, nhưng hầu như không có sự góp mặt của các doanh nghiệp trong nước. Vai trò nhỏ bé của các nhà cung ứng nội địa trong cuộc chơi của các nhà khổng lồ công nghệ ở KCNC vẫn chưa thể thay đổi: Tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm công nghiệp chỉ mới đạt 20%, phần nguyên, vật liệu nhập khẩu chiếm đến 80%. Trong đó, ngành cơ khí chế tạo phải nhập khẩu phần lớn linh kiện và phụ tùng hàng năm với tổng giá trị nhập khẩu lên tới gần 3 tỷ USD. Còn ngành điện, điện tử, dù đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 20% đến 30%, nhưng chỉ mới tập trung chủ yếu ở các hạng mục phụ như bao bì, khung máy, vỏ máy... Đáng lo hơn, ở nhóm ngành công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp hơn nữa và phần lớn nguyên, vật liệu phải nhập khẩu, nên giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghệ cao chỉ đạt từ 15% đến 17%.

LÊ HOÀI QUỐC
(Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM)

Tin cùng chuyên mục