Giới khoa học vừa lên tiếng cảnh báo, trong điều kiện có biến đổi khí hậu (BĐKH) và mực nước biển dâng, việc phát triển thủy điện tràn lan trên dòng sông Mekong sẽ khiến khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chịu tác động kép từ cả thượng lưu xuống và từ biển vào.
Dòng chảy các sông, suối đổ vào Việt Nam mỗi năm có tổng lượng khoảng 830-850 tỷ m³, trong đó phần đóng góp của sông Mekong chiếm khoảng 57%, tương đương 475 tỷ m³. Điều này phản ánh tầm quan trọng của sông Mekong không chỉ đối với việc phát triển ĐBSCL mà còn nhiều khu vực khác trong nước như Tây nguyên, Điện Biên, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
Do nằm ở hạ lưu, ở cuối nguồn dòng Mekong, khu vực ĐBSCL lâu nay được hưởng nhiều lợi thế từ sự mầu mỡ phù sa con sông này bồi đắp và nhận lại toàn bộ lượng dòng chảy sông sau khi qua các nước nằm ở thượng lưu. Thế nhưng, cũng do vị trí nằm cuối dòng chảy, nước sông Mekong về đến ĐBSCL đã, đang và sẽ chịu tác động của mọi biến động thiên nhiên lẫn hoạt động của con người ở phía thượng lưu. Một trong những nguy cơ tác động ấy là việc phát triển thủy điện, đặc biệt các bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Mekong.
Tác động của việc phát triển thủy điện đối với khu vực hạ lưu sông Mekong được nhìn nhận cả trên khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Đối với hạ lưu các công trình thủy điện, tác động tích cực đáng kể nhất là điều hòa dòng chảy nếu là thủy điện hồ chứa điều tiết năm. Thế nhưng các hồ chứa có điều hòa dòng chảy cho hạ lưu hay không lại tùy thuộc rất nhiều vào chế độ vận hành của bản thân hồ chứa và trong thực tế, vì lợi ích kinh tế, phần lớn các hồ chứa thủy điện đã vận hành theo chế độ phát điện, còn lợi ích của các ngành dùng nước khác đã bị bỏ quên, không được đáp ứng, do đó tác động tích cực của các hồ thủy điện là rất hạn chế.
Trái lại, tác động tiêu cực đối với hạ lưu do việc phát triển thủy điện thì rất đậm nét, dễ thấy. Trước hết, các nhà máy thủy điện sẽ làm thay đổi toàn bộ chế độ dòng chảy trong ngày hoặc theo mùa so với dòng chảy tự nhiên. Chế độ dòng chảy xuống hạ lưu sẽ thay đổi theo hướng bất lợi như lưu lượng đỉnh lũ sẽ tăng khi các hồ chứa ở thượng lưu tích nước quá sớm còn lưu lượng trong mùa khô sẽ giảm do các hồ chứa ở thượng lưu vẫn tìm cách tích nước để đảm bảo phát điện trong thời gian này. Khi lưu lượng giảm trong mùa khô, khu vực hạ lưu có nguy cơ thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất, tăng diện tích bị xâm nhập mặn. Những thay đổi dòng chảy như thế rốt lại tiềm ẩn nguy cơ lớn kéo theo sự thay đổi môi trường lưu vực sông, tác động đến những thay đổi năng suất sinh học sơ cấp của hệ sinh thái, bao gồm những ảnh hưởng tới khu vực ven sông, thực vật ven sông, điều kiện sống ở hạ lưu như các vùng đất ướt, đồng bằng ngập lũ.
Tiếp theo, tình trạng găm giữ vật liệu bồi lắng và chất dinh dưỡng trước đập thủy điện sẽ khiến cho dòng sông phía hạ lưu suy giảm lượng phù sa và chất dinh dưỡng, từ đó tác động tiêu cực đến các loài thủy sinh, đặc biệt làm suy giảm lượng cá ở hạ lưu vốn dĩ là nguồn sinh kế của hàng triệu người dân sống trong lưu vực. Giống như các lưu vực sông tương tự trên thế giới, phù sa sông Mekong bồi bổ cho các cánh đồng ngập lũ, vùng châu thổ, đầm hồ cũng như góp phần tạo nên những bãi bồi lấn xa ra biển. Nói cách khác, lượng phù sa lắng đọng có quan hệ mật thiết với lượng phù sa vận chuyển trong sông và điều kiện địa hình lòng sông.
Theo một đánh giá của Ủy ban Mekong quốc tế, lượng phù sa hàng năm của sông Mekong đến cửa sông và đổ ra biển là từ 150-200 triệu tấn. Lượng phù sa khổng lồ này là sự bổ sung mầu mỡ cho ĐBSCL, bồi đắp và làm cho ĐBSCL lấn ra biển với mức độ 1-2 m/năm.Việc giảm chất bồi lắng có thể dẫn tới sự thoái hóa lòng dẫn, thay đổi sinh thái lòng sông, thoái hóa các vùng đồng bằng ven biển và tất cả những điều này quay trở lại làm cho nước biển lấn sâu vào nội đồng, xói lở bờ sông và bờ biển. Đứng ở vị trí đối mặt với nạn xói lở bờ lớn nhất chính là những tỉnh ở đầu châu thổ như An Giang, Đồng Tháp, trong đó đặc biệt đáng ngại là ở Tân Châu - An Giang.
THIỆN NHÂN