Trà từ lâu được coi loại thức uống thanh cao mang đậm nét văn hóa của người Á Đông. Người xưa hết sức công phu trong việc chọn trà, chế biến và thưởng thức trà. Ngày nay, thị trường ngày càng quan tâm, đòi hỏi sản phẩm trà có chất lượng, độ an toàn cao và ngành trà Lâm Đồng đang đi tiên phong trong cả nước theo hướng này.
Năm 1927, nhờ thuận lợi về khí hậu và thổ nhưỡng cây trà bắt đầu bén rễ trên cao nguyên Lâm Đồng với sự ra đời của Sở trà Cầu Đất, đến nay, Lâm Đồng đã trở thành địa phương có diện tích trà lớn nhất nước với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung tại Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đà Lạt…
Từ năm 1995 trở về trước, cây trà Lâm Đồng chủ yếu là giống trà trung du, trà lai tạp trồng bằng hạt, tới những năm gần đây nhiều diện tích đã được chuyển đổi sang các giống cao sản như: TB14, LD97 và LD1. Các giống trà cành chất lượng cao như: Kim Tuyên, Tứ Quý, Thúy Ngọc, Ô Long cũng được chú trọng phát triển. Chỉ tính trong giai đoạn 2004 - 2010, mỗi năm Lâm Đồng trồng mới khoảng 250 - 300ha trà chất lượng cao và trà cao sản. Hiện tổng diện tích trà toàn tỉnh Lâm Đồng đạt khoảng 24.000ha, trong đó diện tích trà chất lượng cao trên 4.830ha, tập trung nhiều nhất tại huyện Bảo Lâm với 2.150ha và TP Bảo Lộc 2.000ha.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, đến nay toàn tỉnh có 22 doanh nghiệp nước ngoài và 11 doanh nghiệp trong nước đang đầu tư sản xuất trà chất lượng cao trong vùng quy hoạch với diện tích 1.361ha. Diện tích được ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trà khoảng 536ha, chủ yếu ứng dụng các kỹ thuật tưới tự động, tưới tiết kiệm. Tỉnh cũng đã có 20 đơn vị, cá nhân được cấp chứng nhận sản xuất trà theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Nét mới trong sản xuất, kinh doanh trà tại Lâm Đồng là sự hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu trà chất lượng cao. Doanh nghiệp tư nhân trà - cà phê Phương Nam (Bảo Lộc) đi đầu trong mô hình hợp tác này. Tháng 11-2008, DN Phương Nam hợp tác với 20 hộ dân sản xuất trà chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đầu năm 2009, hợp tác với hộ nông dân Nguyễn Bình Đông trồng trà chất lượng cao theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích 40ha tại xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm). Trang trại sản xuất trà được đầu tư bài bản, từ hệ thống hạ tầng, tưới nước, bón phân… đến chế độ theo dõi, chăm sóc và thu hái, bảo quản. Hiện tổng sản lượng thu mua trà búp tươi của Doanh nghiệp tư nhân Phương Nam thông qua chương trình liên kết với nông dân đạt trên 750 tấn mỗi năm.
Còn tại vùng trà Cầu Đất (Đà Lạt), nhiều năm qua, Công ty TNHH Haiyih hợp tác với nông dân địa phương trồng 160ha trà chất lượng cao (trong đó khoảng 90% trà Ô Long) làm nguyên liệu sản xuất trà Ô Long xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc). Toàn bộ sản phẩm trà làm ra đều được doanh nghiệp bao tiêu và ngoài việc ứng vốn, công ty còn có chính sách hỗ trợ tiền công thu hái, xăng dầu cho nông dân nhằm tạo sự gắn bó lâu dài giữa doanh nghiệp với người trồng trà.
Bà Nguyễn Thị Phương Loan, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Lâm Đồng, nhận xét: Sự hợp tác này có lợi cho cả hai bên, doanh nghiệp đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất, còn nông dân chủ động được đầu ra cho sản phẩm trà búp tươi. Phần lớn các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần tác động phát triển nhanh nguồn nguyên liệu trà chất lượng cao. Hơn thế, việc hợp tác này còn giúp xây dựng hồ sơ nguồn gốc cho sản phẩm trà chất lượng cao phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
NAM VIÊN