Sáng 12-6, UBND tỉnh Quảng Nam và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức Hội thảo Giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh để tìm giải pháp phát triển loại sâm quý này.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: Sâm Ngọc Linh được phát hiện ở đỉnh Ngọc Linh từ rất lâu nhưng việc đầu tư, phát triển chưa xứng với tiềm năng, sản phẩm từ sâm chưa nhiều, chuỗi giá trị gia tăng từ sâm Ngọc Linh chưa cao. Quảng Nam xác định phát triển cây dược liệu, trong đó đặc biệt là sâm Ngọc Linh để phát triển kinh tế, là yếu tố quan trọng của địa phương trong xóa đói giảm nghèo.
Theo ông Thanh, trong thời gian qua, công tác bảo tồn và phát triển Sâm Núi Ngọc Linh được chú trọng và đầu tư, diện tích trồng Sâm được mở rộng, đời sống và nhận thức của người dân được nâng lên khá rõ. Việc bảo tồn và phát triển Sâm Núi Ngọc Linh trong thời gian tới là rất lớn.
Tiếp tục đầu tư, nghiên cứu sâu để bảo tồn và phát triển nguồn gen. Bên cạnh đó, việc phát triển sản xuất Sâm Núi Ngọc Linh phải theo hướng đảm bảo chất lượng sản phẩm, sản xuất an toàn. Đồng thời, đảm bảo mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng bền vững và đa dạng sinh học,… Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chống hàng giả, hàng kém chất lượng.
Bảo tồn gen và nhân giống là yếu điểm trong giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Ông Huỳnh Trung Kim, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Kon Tum cho biết, thời gian qua, tỉnh Kon Tum luôn quan tâm và chỉ đạo đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh; có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng và phát triển Sâm. Mặt khác, UBND tỉnh đã tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, người dân triển khai các dự án, đề án, đề tài nghiên cứu trồng Sâm Ngọc Linh. Ngoài ra các hộ gia đình tại các xã Măng Ri, Ngọc Yêu, Ngọc Lây, Đăk Na huyện Tu Mơ Rông đã được UBND huyện hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng Sâm Ngọc Linh; tăng cường công tác quản lý nhà nước về chống sâm giả.
Quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh kết hợp bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, nâng cao đời sống của người dân vùng trồng sâm. Theo đó, diện tích quy hoạch 31.742ha; diện tích trong khu vực vùng lõi trồng sâm Ngọc Linh khoảng 9.343 ha thuộc địa bàn của 8 xã.
Bên cạnh đó, ông Kim cũng chỉ ra một số mặt hạn chế trong quá trình phát triển sâm Ngọc Linh như việc phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; việc nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất giống; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống chưa được quan tâm đúng mức.... Tình hình khai thác sâm Ngọc Linh chưa quan tâm đúng mức đến việc tái sinh, bảo tồn nên bị suy giảm một cách nhanh chóng; khai thác, mua bán và vận chuyển sâm Ngọc Linh chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến sự suy giảm sâm Ngọc Linh tự nhiên; diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp làm thay đổi hệ sinh thái, hậu quả là sâm Ngọc Linh có thời điểm gần như tuyệt chủng.
Sâm Núi Ngọc Linh (tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv), còn gọi là sâm K5, sâm Việt Nam, thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae) chỉ phân bố tại vùng núi Ngọc Linh thuộc huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) và 2 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), ở độ cao từ 1.500 - 2.500m so với mực nước biển, là một trong 5 loài Sâm quý được thế giới công nhận.
Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có 52 saponin, đặc biệt hợp chất majonoside R2 cùng với 26 saponin dammaran làm cho sâm Ngọc Linh có nhiều công dụng vượt trội như: bồi bổ sức khỏe, kháng khuẩn, chống stress, chữa được một số bệnh.... Đây là đặc điểm ưu việt của sâm Ngọc Linh mà các loại sâm khác không có.