"Toàn dân viết phê bình!” - Báo giới từng nói thế. “Làm gì có đội ngũ phê bình âm nhạc!” - Giới âm nhạc lại phán vậy.
Dường như chất lượng diễn đàn đã phủ nhận kích cỡ đội ngũ.
Thực tế, đội quân hành nghề bình luận âm nhạc có số lượng dồi dào và thành phần đa dạng, trong đó lực lượng chính là hai giới: làm báo và làm nhạc.
Giới làm báo đưa vào phê bình âm nhạc những nét đặc trưng của báo chí: nhạy bén, kịp thời, sắc sảo, câu khách. Họ rất “thiện chiến” trong cập nhật thông tin, hiện tượng và sự việc bên ngoài, nhưng bàn về chất lượng âm nhạc thì chỉ chung chung vài “lời có cánh”. Đưa tin kịp thời là thế mạnh của báo giới trên diễn đàn âm nhạc. Không ai thay thế được vị trí tiên phong của những cây bút nhanh nhạy và can đảm chất báo chí. Chỉ khi nhà báo buộc phải đóng vai nhà phê bình âm nhạc thì mới lộ ra những thiếu hụt kiến thức chuyên ngành và vai diễn không thuyết phục.
Vấn đề không phải là trách cứ hay hạn chế sự tham gia của những cây bút “ngoại đạo”, mà cần ở họ kinh nghiệm tích lũy không ngừng và sự cẩn trọng khi đụng vào học thuật. Báo giới là thành phần không thể thiếu trong hoạt động phê bình âm nhạc và không thể phủ nhận họ đã làm được rất nhiều cho lĩnh vực này. Các cây bút “tay ngang” luôn theo sát thị trường ca nhạc, điều mà giới lý luận không mấy bận tâm, hơn thế, họ còn luận bàn trên mạng điện tử về những chủ đề hóc búa ngay cả với giới lý luận, như phân loại nhạc Việt, nhạc thể nghiệm, xu hướng hậu hiện đại. Có những cuộc tranh luận khá hấp dẫn, sắc bén - cái sắc của người viết báo và tiếc là thiếu diễn đàn như thế cho lý lẽ sắc sảo của người làm nhạc.
Giới nhạc viết phê bình cũng gồm các thành phần khác nhau, chủ yếu là nhạc sĩ sáng tác và lý luận.
Giới sáng tác góp thêm tiếng nói người trong cuộc với văn phong hồn nhiên, dễ đọc qua những hồi tưởng, câu chuyện bếp núc và nhiều phát hiện từ con mắt nhà nghề. Song đòi hỏi ở họ bài phê bình mẫu mực, chẳng khác trông chờ người đá bóng cũng giỏi thổi còi và giỏi cùng một lúc chơi cả hai vị trí.
Các nhà lý luận chuyên trách loại bài phê bình mang tính tổng quát về tầm nhìn và sâu sắc về học thuật, nhưng ít phổ cập. Công chúng không ưa những gì nặng nề, khô khan, mô phạm. Lối phân tích tỉ mẩn, dông dài và sự chậm trễ của giới lý luận không thích hợp với diễn đàn phổ thông.
Báo chí luôn cần bài cung cấp thông tin trước chương trình biểu diễn, đó là việc của phóng viên, nhà báo. Ban biên tập các báo thẳng thừng gạt ngay bài đánh giá chất lượng nghệ thuật sau chương trình, đó là việc của giới lý luận. Ngay các tạp chí nghệ thuật cũng chọn bài thời sự và không mặn mà với loại bài đã nguội thông tin, như thể họ không biết phê bình tất phải tán sau chứ không thể bịa trước. Lại thêm cái cớ khiến các nhà lý luận ít đăng đàn.
Thiếu vắng dân lý luận, diễn đàn báo chí vẫn rôm rả với các cây bút không chuyên, nên nhìn chung diễn đàn thiếu tính chuyên nghiệp. Nếu đây là nhược điểm lớn nhất của các tác giả không thuộc ngành lý luận âm nhạc, thì nhược điểm chính của dân nhà nghề là sự bất cập, là thiếu tính xã hội. Xu hướng tự phát đại trà hóa đội ngũ phê bình vẫn mạnh hơn ý thức “xã hội hóa” phê bình chuyên nghiệp.
Thực ra giới chuyên nghiệp có không ít bài viết kịp thời về những vấn đề nóng, nhưng chỉ đăng ở các tạp chí: Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sóng nhạc của Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, Thông báo khoa học của Viện Âm nhạc; hoặc trong kỷ yếu hội thảo chuyên ngành của Hội Nhạc sĩ, các hội địa phương và Viện Âm nhạc.
Cần ghi nhận nỗ lực xuất bản của Viện Âm nhạc đã duy trì một diễn đàn chuyên ngành để gây dựng “gia sản” cho hậu thế. Đáng tiếc, nỗ lực đó hiện dừng ở khâu xuất bản mà không phát hành, cho nên những cố gắng xã hội hóa nhạc chuyên nghiệp chỉ thể hiện trong cách viết của tác giả, chứ ấn phẩm phê bình chưa có cơ hội đi vào đời sống tạo hiệu quả xã hội như lẽ ra nó có thể. Sách in với số lượng ít, không bán, những người được “cho không biếu không” chưa chắc đúng đối tượng cần. Thật thiệt thòi cho phê bình âm nhạc nói chung và cho riêng các tác giả. Không thể kiểm chứng phản ứng của người đọc để điều chỉnh cách quảng bá âm nhạc chuyên nghiệp, thiếu những phản hồi khích lệ thì người viết nhiệt tâm mấy cũng đến lúc nguội lạnh.
Địa bàn hoạt động của phê bình âm nhạc chủ yếu là sách báo. Các nhà lý luận chỉ hành nghề viết, chưa vận dụng khoa nói. Phê bình có thể tác động trực tiếp vào sinh hoạt âm nhạc thông qua chương trình biểu diễn trên sân khấu và các chuyên mục ca nhạc của đài phát thanh - truyền hình. Song không hề có sự dẫn giải của các nhà lý luận trong chương trình biểu diễn, nhất là hòa nhạc không lời.
MC là vai diễn cho riêng các nam thanh nữ tú biết thao thao như vẹt những câu sáo rỗng bất chấp kiến thức âm nhạc. Internet là một diễn đàn ảo mà hiệu quả thực to lớn. Bỏ qua công cụ thông tin đang phủ sóng tới mọi nhà, giới phê bình mất cơ hội truyền bá nhạc chuyên nghiệp qua âm thanh kèm theo dẫn giải, qua đối thoại online với công chúng, đặc biệt giới trẻ, thế hệ tương lai của âm nhạc nước nhà.
Trong thời chuyển giao nhiều giá trị tưởng bất biến cũng lung lay, không có gì ngạc nhiên nếu phê bình âm nhạc chưa ổn định, lúc dò dẫm, lúc nôn nóng. Các nhà lý luận lúng túng trong việc hòa hợp lý thuyết sách vở với đời sống xã hội đang rối tung các chuẩn mực, trong khi các nhà báo quá tự tin sẵn lòng gánh lấy trách nhiệm “bao sân”. Thực ra đây chưa phải điều đáng lo ngại, bởi chính trong những lúng túng, những nôn nóng vẫn thấy được tiềm năng và khát vọng làm nghề của người cầm bút.
Cái đáng lo là tạo môi trường thuận lợi cho những người cầm bút sớm bộc lộ tiềm năng và khát vọng đổi thay. Cái khó là mở rộng diễn đàn, khích lệ tiếng nói của một nền phê bình âm nhạc đa dạng và đa năng, nhạy bén và chuyên nghiệp, biết phản biện và cảnh báo, biết khuyến khích và gợi mở vì sự phát triển chung của nghệ thuật âm nhạc nước nhà
NGUYỄN THỊ MINH CHÂU