
Lúc 14 giờ (giờ Washington) ngày 15-7 (tức rạng sáng 16-7 giờ Hà Nội), đã diễn ra phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ về vấn đề chất độc da cam/dioxin (CĐDC) ở Việt Nam, nhằm xem xét hình thức đáp ứng yêu cầu của những người bị phơi nhiễm chất độc do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam.
Cuộc điều trần do Hạ nghị sĩ Eni F. H. Faleomaveaga chủ tọa. Phiên điều trần có 2 đại diện của Chính phủ Mỹ là ông Matthew Palmer, quyền Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương và tiến sĩ John Wilson, Giám đốc Văn phòng Hỗ trợ kỹ thuật châu Á và Trung Đông thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ.
Phía Việt Nam có bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC Việt Nam (VAVA) và chị Trần Thị Hoan, 23 tuổi, nạn nhân CĐDC. Đây là phiên điều trần thứ 3 của Quốc hội Mỹ về vấn đề CĐDC của Việt Nam (lần thứ nhất vào tháng 5-2008 và lần thứ 2 vào tháng 6-2009).

Các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM. Ảnh: Tr.Ng.
Tại phiên điều trần, chị Trần Thị Hoan nói: “Tôi sinh ra không có chân và mất 1 tay. Nhiều người có tình trạng còn nặng nề hơn tôi. Chúng tôi yêu cầu công lý cho tất cả các nạn nhân”.
Chị Hoan cung cấp những thông tin về cuộc sống hiện tại của các nạn nhân CĐDC tại Việt Nam và bày tỏ: “Tôi mong muốn các công ty hóa chất và Chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm trước hậu quả mà họ đã gây ra. Thông qua câu chuyện của mình, tôi mong người dân cũng như Chính phủ Mỹ hiểu được tác hại do CĐDC gây nên và nỗi đau mà chúng tôi đang phải chịu đựng hàng ngày. Điều cuối cùng tôi muốn nói, Chính phủ Mỹ cần nhanh chóng tẩy rửa môi trường để những thế hệ sau này sinh ra không như tôi”.
“Đây là một cuộc điều trần tốt, vì nó đưa ra ngày càng cụ thể hơn về vị trí và trách nhiệm của chính quyền Mỹ. Đây cũng chính là mục tiêu của cuộc điều trần năm nay. Nó cung cấp thêm những con số và thông tin để các thành viên của Quốc hội hiểu rõ hơn về vấn đề này, giúp họ đưa ra những quyết định cần thiết dựa trên những thông tin và con số thực tế” - Hạ nghị sĩ Faleomaveaga |
Đại diện VAVA, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng nói: “Có hàng triệu và hàng triệu nạn nhân vẫn còn sống và đang chịu đựng nhiều loại bệnh tật, kể cả ung thư. Các công ty hóa chất Mỹ phải đền bù cho hàng triệu người, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Mỹ và nhiều nước khác như Triều Tiên, Philippines, Australia và New Zealand”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng kêu gọi Quốc hội Mỹ cùng với các nhóm cựu chiến binh và tổ chức phi chính phủ của Mỹ hỗ trợ hơn 3 triệu nạn nhân CĐDC Việt Nam bằng cách cung cấp các nguồn lực cho dịch vụ y tế toàn diện, công tác phục hồi cũng như các cơ sở giáo dục cho nạn nhân CĐDC của Việt Nam, giúp Việt Nam tẩy sạch các địa điểm có nồng độ dioxin cao, đồng thời yêu cầu các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất CĐDC sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam phải thừa nhận trách nhiệm đối với Việt Nam và hỗ trợ nạn nhân CĐDC của Việt Nam.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhấn mạnh: “Hành động hiệu quả và kịp thời của Quốc hội Mỹ trong việc giúp đỡ nạn nhân CĐDC tại Việt Nam là bước đi cuối cùng để hàn gắn vết thương chiến tranh khi nhân dân hai nước đang tiếp tục xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hòa bình”.
Đại diện Chính phủ Mỹ, ông Matthew Palmer, quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ điểm lại các cột mốc trong tiến trình đàm phán về vấn đề CĐDC: “Tháng 12-2009, Chính phủ Mỹ và Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về CĐDC, chính thức hóa công cuộc hợp tác và đánh dấu bước tiến mới trong cam kết giải quyết vấn đề này”. Cũng theo ông, Ủy ban cố vấn chung Mỹ - Việt về CĐDC gồm nhiều chuyên gia hai nước đã được thành lập và họp 5 phiên. Phiên mới nhất vừa diễn ra tại Hà Nội.
Ông Palmer nói: “Cả Mỹ và Việt Nam đồng ý rằng sức khỏe của nhân dân Việt Nam và sự an toàn của môi trường sẽ là vấn đề quan trọng cho tương lai của Việt Nam”. Quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: “Chính phủ Mỹ đã thể hiện cam kết vững chắc trong việc hợp tác để tìm được một giải pháp cho những quan ngại kéo dài này và để đảm bảo tiếp tục cải thiện mối quan hệ Mỹ - Việt”.
Phát biểu tại phiên điều trần, Tiến sĩ John Wilson nêu rõ: “Trong lúc hai nước đang kỷ niệm 15 năm thiết lập và phát triển quan hệ song phương, Mỹ cần phải thừa nhận rằng mình có thể làm được nhiều hơn nữa, kể cả giải quyết các vấn đề liên quan tới CĐDC và điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho quan hệ giữa hai nước”. Ông kêu gọi Quốc hội Mỹ tiếp tục cam kết giải quyết vấn đề CĐDC tại Việt Nam, đồng thời kêu gọi nước Mỹ “hãy là nhà lãnh đạo trong vấn đề này và tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc sống của nhiều người dân Việt Nam”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết, so với 2 phiên điều trần trước, Chính phủ Mỹ đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức về vấn đề CĐDC ở Việt Nam. Bà nhận xét: “Bước tiến mới năm nay, họ không những chấp nhận mà còn mời nạn nhân đến để điều trần trong Quốc hội Mỹ. Đây là một chuyển biến tích cực. Hai đại diện của Chính phủ Mỹ lần này với thái độ mềm mỏng, luôn luôn nói rằng rất hợp tác với Việt Nam”.
VŨ MINH
(Theo TTXVN, VOV, US Dept. of State)