* Cân nhắc việc thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá
(SGGPO).- Sáng 30-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục đại học, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Chú trọng nhóm chính sách xã hội hóa giáo dục
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Giáo dục đại học. Theo Tờ trình, Luật Giáo dục đại học là luật chuyên ngành đầu tiên quy định về tổ chức, hoạt động giáo dục đại học; cụ thể hóa những nội dung quy định còn mang tính khái quát của Luật Giáo dục về giáo dục đại học như về nhiệm vụ, quyền hạn của trường đại học; về mở ngành đào tạo, tuyển sinh; quyền và nhiệm vụ của giảng viên…
Nhiều nội dung quy định không còn phù hợp về giáo dục đại học trong Luật Giáo dục đã được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật này; những vấn đề chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ trong Luật Giáo dục đã được quy định mới và cụ thể hóa.
Đơn cử, Luật Giáo dục đại học đã bổ sung quy định về cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh, theo đó, “chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, gồm: số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên; cơ sở vật chất và thiết bị”. Một nội dung hoàn toàn mới khác được quy định tại dự thảo Luật Giáo dục đại học là “cơ sở giáo dục đại học tư thục được cấp kinh phí khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng”.
Cũng liên quan đến cơ sở giáo dục đại học tư thục, khoản 4, Điều 10 của dự luật nêu: “Ưu tiên thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục có vốn đầu tư lớn, đảm bảo đầy đủ các điều kiện thành lập theo quy định”. Định hướng gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu, giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp cũng đã được thể hiện cụ thể trong dự thảo Luật…
Thẩm tra về dự án luật này, Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định thẳng thắn: nhiều chủ trương, chính sách quan trọng như xã hội hóa giáo dục, phân tầng các cơ sở giáo dục đại học và trao quyền tự chủ cho các cơ sở Giáo dục đại học còn chưa được thể chế hóa. Một số vấn đề lớn của Giáo dục đại học như về mô hình tổ chức hoạt động, kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo quốc tế… vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, triệt để.
Đặc biệt, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ tiêu chí về cơ sở giáo dục “phi lợi nhuận” và cơ sở giáo dục “có lợi nhuận hợp lý”.
“Làm rõ hai khái niệm này mới có cơ sở để xây dựng cơ chế chính sách phù hợp khuyến khích các cơ sở giáo dục phi lợi nhuận và điều chỉnh hoạt động của cơ sở giáo dục có lợi nhuận hợp lý nhằm tránh khuynh hướng thương mại hóa giáo dục, bảo vệ quyền lợi của người học nói riêng và xã hội nói chung”, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội giải thích. Một nội dung quan trọng khác cần đưa vào Luật, theo ông Thi, là miễn thuế cho các khoản hiến tặng của tổ chức và cá nhân cho các trường đại học công lập hoặc đại học tư thục phi lợi nhuận.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng bày tỏ đồng tình cao với Báo cáo thẩm tra. Ông Dũng nói thêm: “Rất cần có sự đổi mới trong nhận thức để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Hàng năm người Việt Nam phải tiêu tốn một khoản tiền rất lớn, hàng trăm triệu USD để ra nước ngoài học đại học. Nếu nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong nước thì khoản tiền đó có thể giữ lại được trong nước. Và điều thuận lợi là ta đã có những trường đại học có tên tuổi, uy tín”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Giáo dục đại học với Luật Giáo dục và Luật Viên chức. Ông Lý đã chỉ ra một số điểm “cập kênh” giữa các văn bản luật này để Ban soạn thảo nghiên cứu, xử lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhận định, phải có một “mức sàn” về giảng viên, điều kiện vật chất… để đảm bảo chất lượng của giáo dục đại học. “Đầu vào hiện nay thì khó, nhưng đầu ra lại dễ. Đó là một nghịch lý khiến cho “sản phẩm” của giáo dục đại học hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội”, điều này cần được sửa đổi, bà nói.
Nhằm đảm bảo tính độc lập, tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, có những quy định hợp lý về Hội đồng trường. “Đối với cơ sở công lập thì vai trò của Hội đồng có phần mờ nhạt vì tính tự chủ thấp, còn có nhiều cơ quan quản lý. Nhưng các loại hình trường khác thì phải đặc biệt chú ý. Việc kiểm định, xác định tiêu chuẩn của cơ cơ sở giáo dục nên gắn liền với định mức học phí được phép thu, tạo động lực cho các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng”, ông nói.
Nếu được thông qua đúng quy trình, Luật Giáo dục đại học sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2013.
Có nên mỗi luật lại cho ra đời một quỹ?
Theo Tờ trình của Chính phủ, mỗi năm ở Việt Nam có gần 40.000 người chết do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá, do đó việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là hết sức cần thiết. Nhiều nội dung của dự luật được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình cao, như quy định về việc in cảnh báo tác hại đối với sức khỏe trên bao bì thuốc lá. Theo đó, nội dung cảnh báo phải chiếm ít nhất 50% diện tích mỗi mặt trước và sau trên vỏ bao thuốc lá. Đây được coi là biện pháp tuyên truyền ít tốn kém và có hiệu quả.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn về quy định thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá và trách nhiệm đóng góp bắt buộc của người hút thuốc lá và cơ sở sản xuất thuốc lá như trong dự thảo Luật. Tán thành quan điểm phải huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá; song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển bình luận: “Hiện có khá nhiều luật quy định về việc thành lập, mức thu, chi; quy chế sử dụng… của các loại quỹ đã làm cho chính sách tài chính bị chia cắt, thiếu tập trung. Có nên cứ mỗi luật lại cho ra một loại quỹ như vậy không? Nếu cần thiết thì có thể xây dựng hẳn một chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá”.
Phát biểu sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, việc yêu cầu người sử dụng thuốc lá đóng góp bắt buộc vào quỹ có ý nghĩa giống như đánh thêm một loại thuế gián thu. Ông gợi ý: “Vậy thì sao không xử lý bằng cách khác, chẳng hạn như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, như thế chúng ta vẫn đạt được mục đích”..
Bớt đi bệnh “kính thưa”!
Chiều cùng ngày, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày với Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Bản Đề án được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định là có những nội dung đổi mới khá toàn diện trên cả ba lĩnh vực công tác quan trọng nhất của Quốc hội: lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước với tinh thần bám sát chức năng, quyền hạn của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và tiết kiệm thời gian làm việc của Quốc hội.
Đơn cử, theo Đề án, hiện nay cách thức mở đầu trong trình bày, phát biểu tại Hội trường chưa thống nhất. Trừ các bài diễn văn quan trọng, khi trình bày tờ trình, dự án, báo cáo và phát biểu ý kiến; đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, đại diện các cơ quan chỉ “Kính thưa Quốc hội” và trình bày thẳng nội dung hoặc ý kiến của mình. Đối với hoạt động chất vấn, sẽ tiến hành chất vấn lần lượt từng nhóm vấn đề theo hướng đối thoại, tranh luận về từng vấn đề. Câu hỏi chất vấn phải ngắn gọn, rõ ý, không đặt câu hỏi ngoài chủ đề hoặc chỉ hỏi thông tin; thời gian hỏi tối đa là 2 phút/lần hỏi…
Đặc biệt, hoạt động tiếp xúc cử tri được đề nghị cải tiến theo hướng thông báo rộng rãi, công khai để mọi người dân quan tâm đều có thể tới dự các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội; đa dạng hóa hình thức và nội dung tiếp xúc (qua điện thoại, thư, báo, đài phát thanh, truyền hình; tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu Quốc hội lựa chọn…).
Liên quan đến hoạt động lập pháp, Ban soạn thảo Đề án kến nghị nguyên tắc “không tiến hành thẩm tra nếu dự án luật không được trình đúng hạn”. Nội dung báo cáo thẩm tra phải có ý kiến chính thức của Ủy ban Pháp luật về việc đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; của Ủy ban tham gia thẩm tra về các vấn đề thuộc lĩnh vực Ủy ban đó phụ trách.
Từ ngày 3-10: Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 3 Chiều 30-9, Văn phòng Quốc hội cho biết, phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ được tiến hành ngay sau phiên họp thứ 2, cụ thể là từ ngày 3 đến ngày 5-10 và từ ngày 11 đến ngày 15-10. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2011 của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Các báo cáo của Chính phủ về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2011; công tác thi hành án, về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2011; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2011; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011; báo cáo tổng kết dự án trồng mới 5 triệu ha rừng cũng sẽ được trình bày tại phiên họp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận. Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các dự án Luật Đo lường, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật tố cáo: Luật khiếu nại; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật Biển Việt Nam. Hai dự án luật kinh tế quan trọng cũng sẽ được xem xét, gồm dự án Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Bảo hiểm tiền gửi. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn nghe và góp ý về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và công tác chuẩn bị kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII; dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2012. |
ANH THƯ