Phiên họp thứ 22 của UBTVQH, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: Chất lượng trả lời chất vấn ngày càng cao

Phiên họp thứ 22 của UBTVQH, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: Chất lượng trả lời chất vấn ngày càng cao

Chiều 14-8, kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng và Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận định, hoạt động chất vấn tại phiên họp UBTVQH ngày càng được nâng cao chất lượng. Những tín hiệu phản hồi sau các lần chất vấn - theo Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng - là tích cực, đơn cử như việc ổn định giá lúa, bảo đảm đời sống cho bà con nông dân; xem xét, bác bỏ nhiều dự án sân golf…

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng: Muốn dự án nhanh nhưng chưa có mặt bằng sạch!

Thực trạng và biện pháp giải quyết tình trạng tắc đường ở TPHCM và Hà Nội là vấn đề được nhiều ĐB tham dự phiên chất vấn quan tâm. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng công nhận, nhiều giải pháp đã được áp dụng nhưng chưa đạt kết quả mong muốn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng trả lời chất vấn.

Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các kế hoạch, Nghị quyết đã có về vấn đề này, Bộ sẽ phối hợp với hai thành phố đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng giao thông, ưu tiên các dự án phát triển giao thông công cộng; thực hiện chủ trương di dời bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất, bệnh viện, trường đại học... ra khỏi nội đô; nghiên cứu xây dựng và áp dụng các biện pháp kinh tế để điều tiết lưu lượng phương tiện giao thông cá nhân.

Nhiều vấn đề bức xúc về hạ tầng giao thông của TPHCM do ĐB Tất Thành Cang nêu đã được Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng giải đáp, như vấn nạn ùn tắc giao thông ở những điểm đường sắt cắt đường nội bộ, điểm giao giữa đường đô thị với quốc lộ; tiến độ xây dựng mạng lưới giao thông kết nối với cảng, kịp thời phát huy hiệu quả đầu tư di dời và xây dựng cảng mới.

Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Quy hoạch phát triển giao thông TPHCM đã được phê duyệt từ 2007 và việc phát triển hệ thống giao thông nội đô do UBND TPHCM chủ trì thực hiện, Bộ sẽ tư vấn, phối hợp. 

Một vấn đề có ý nghĩa trên địa bàn toàn quốc được nhiều ĐB nêu tại phiên họp – nói theo cách của ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) – là việc người dân vẫn phải trả phí cho những con đường đầy rẫy “ổ voi”, chẳng hạn như đường Láng - Hòa Lạc (Hà Nội). Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận tình trạng này và hứa kiến nghị với Bộ Tài chính và Chính phủ sắp xếp lại hoạt động của các trạm thu phí. Ông cung cấp thêm thông tin, hiện nay trạm thu phí có nhiều loại, có trạm của Nhà nước và trạm đầu tư theo hình thức BOT từ nguồn vốn xã hội hóa. “Trạm BOT nếu thực hiện đúng như phí của nhà nước thì phải 30 - 40 năm mới hoàn vốn, trong khi phải đầu tư rất lớn. Do đó trạm BOT được phép thu phí cao gấp rưỡi so với trạm Nhà nước”. 

ĐB Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) nói thêm, có những con đường sử dụng tạm trong thời gian thi công đường chính (nhưng thời gian “tạm” có khi lên tới vài năm trời) chất lượng quá xấu. Người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải chia sẻ với ĐB Hoa và cho biết, “muốn nhanh phải có mặt bằng sạch”, nên Bộ rất cần sự chung tay phối hợp của các địa phương. 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp: Sẽ có thông tư mới về quản lý trò chơi trực tuyến

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp chủ yếu liên quan đến công tác quản lý cấp phép tần số, nội dung các kênh truyền hình cáp, quản lý nhà nước đối với các trò chơi game online trực tuyến có yếu tố bạo lực, khiêu dâm ảnh hưởng đến trẻ em.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận yêu cầu Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ trong lĩnh vực quản lý trò chơi trực tuyến, không chỉ ở khâu ban hành văn bản pháp quy mà cả khâu kiểm tra đôn đốc và chế tài. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý trò chơi trực tuyến thay thế Thông tư 60 ban hành từ năm 2006 đang được Bộ hoàn thiện, dự kiến trình Thủ tướng ban hành trong quý 4-2009. 

Liên quan đến quản lý thuê bao di động trả trước, Bộ trưởng cho biết, đây thực sự là vấn đề đáng quan ngại. Bộ trưởng đề nghị Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ “phủ” chứng minh nhân dân, ngành giáo dục thực hiện cấp thẻ học sinh; tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuê bao di động. 

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành thông tin – truyền thông cũng thẳng thắn thừa nhận nhiều bất hợp lý hiện nay trong sử dụng hạ tầng viễn thông. Theo Bộ trưởng, dự án Luật Viễn thông và Tần số vô tuyến điện (trình UBTVQH cho ý kiến ngay tại phiên họp này) có những quy định mà khi được thực hiện sẽ giúp khắc phục tình trạng lãng phí hạ tầng viễn thông. 

Một mặt khẳng định hiệu quả hoạt động và tiềm năng kinh tế của ngành viễn thông, mặt khác, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp chia sẻ với nhiều ĐBQH về khó khăn của ngành bưu chính, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa: “Ngành Bưu chính hiện nay có khoảng 5 vạn lao động, đời sống của cán bộ nhân viên bưu chính thực sự nhiều khó khăn. Bộ đang rà soát để sắp xếp lại lực lượng lao động và hỗ trợ hợp lý”.

Theo Bộ trưởng, nhiều quy định về giá dịch vụ bưu chính đã quá lạc hậu, phi thị trường, đơn cử như chi phí chuyển một bức thư thông thường vào khoảng 3.500 đồng, nhưng sau một thời gian rất dài giữ giá 800 đồng, nay mới được điều chỉnh lên 2.000 đồng/thư. Ngành bưu chính phấn đấu đạt điểm hòa vốn vào năm 2013 và một trong những thế mạnh - được Bộ trưởng dự kiến sẽ tìm cách khai thác trong khuôn khổ cho phép của pháp luật - là các điểm bưu điện, vốn nằm ở những “vị trí đẹp” 

ANH PHƯƠNG

 

Tin cùng chuyên mục