Ngày 23-5, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TPHCM và Hà Nội tiếp tục với phần xét hỏi để làm rõ “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đó, đáng chú ý là phần trả lời thẩm vấn của “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như về việc chiếm đoạt số tiền hơn 718 tỷ đồng của ACB.
Lấy tiền ngân hàng đi gửi ngân hàng
Đối với tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, các bị cáo đã bị cáo buộc gây thiệt hại cho ACB số tiền hơn 718 tỷ đồng khi đã ủy thác cho 19 nhân viên của ACB gửi tiền VND và USD tại các tổ chức tín dụng mà ở đây là Chi nhánh của VietinBank ở TPHCM và đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. Để làm rõ sai phạm trên, trước câu hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX), đại diện Ngân hàng Nhà nước tại phiên tòa đã cho biết, việc đem tiền của ngân hàng đi gửi vào ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao hơn, mà cụ thể là ACB là vi phạm Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 3-3-2011 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về trần lãi suất.
Còn bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB) cho biết, vào tháng 3-2012, Hội đồng quản trị của ACB đã có nghị quyết về chủ trương ủy thác cho nhân viên đem tiền đi gửi tiết kiệm tại một số tổ chức tín dụng. Thực hiện nghị quyết này, ông Nguyễn Văn Hòa (Kế toán trưởng ACB) là người trực tiếp điều hành nhân viên thực hiện và báo cáo lại với ông Lý Xuân Hải. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hòa thừa nhận chính mình là người ký hợp đồng ủy thác cho các nhân viên nhưng lại giao cho Huỳnh Thị Bảo Ngọc (Phó phòng quản lý quỹ ACB) toàn quyền là người liên hệ với VietinBank chi nhánh TPHCM và các ngân hàng khác để tìm kiếm nơi có hoa hồng tiền gửi cao. ACB đã thực hiện chuyển tiền cho nhân viên qua tài khoản. Người đã có tài khoản thì chuyển tiền vào rồi ký hợp đồng ủy thác, người chưa có thì chuyển tiền vào rồi mở tài khoản sau.
Trước tòa, bà Ngọc cho biết, khi được chỉ đạo việc thực hiện ủy thác tiền gửi, bà lên mạng tìm kiếm và liên hệ với VietinBank. Tổng đài viên bảo gặp Huỳnh Thị Huyền Như. Sau đó, hai người có trao đổi qua mạng và điện thoại về lãi suất tiền gửi và kỳ hạn. Sau khi gửi tiền, lãi suất, giá trị hoa hồng, đều báo cáo cho ông Hòa biết. Theo bà Ngọc, hợp đồng ký ủy thác cho 19 nhân viên là ông Hòa ký. Trong khi đó, trong quá trình điều tra trước đó, một số nhân viên của ACB đã khai đưa giấy chứng minh nhân dân cho bà Ngọc để VietinBank mở tài khoản.
ACB dâng “mồi ngon” cho Huyền Như
Tại phiên tòa, với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan tới vụ án, “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như - người đã chiếm đoạn hơn 718 tỷ đồng do ACB gửi, cho biết vào làm việc tại VietinBank từ năm 2001 và đến thời điểm bị bắt đang là Trưởng phòng giao dịch. Huyền Như cũng khai, chỉ biết bà Ngọc kể từ khi bà Ngọc liên hệ với mình để tham khảo về lãi suất. Do quy định của NHNN thông báo các ngân hàng không được vượt trần lãi suất 14%, trong khi khách hàng muốn lãi suất cao, Huyền Như không thông báo cho chi nhánh mà lấy tiền túi bù vào tiền gia tăng lãi suất và tiền hoa hồng. Theo Huyền Như, việc bỏ tiền túi ra là có mục đích chiếm đoạt số tiền này từ trước. Đáng chú ý, theo lời khai của Huyền Như thì quá trình lập, mở tài khoản đều không có sự gặp mặt giữa nhân viên VietinBank với người mở tài khoản là nhân viên ACB. Chính điều này tạo điều kiện cho Huyền Như dùng thủ thuật chiếm đoạt số tiền trên. Tuy nhiên, Huyền Như thừa nhận sai phạm nhưng lại khẳng định lãnh đạo VietinBank hoàn toàn không biết việc này.
Trước câu hỏi của HĐXX về sơ hở nào của ACB có thể tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt số tiền trên? Huyền Như đã thẳng thắn chỉ ra: Theo Quy định 184 về mở tài khoản của NHNN, khách hàng khi mở tài khoản phải đến trực tiếp ngân hàng để nhân viên ngân hàng đối chiếu thông tin nhưng trong trường hợp này, khách hàng của chị Ngọc không thực hiện đúng điều đó. Ngoài ra, sau khi ký kết hợp đồng tiền gửi, không có bất cứ phản hồi nào về các hợp đồng tiền gửi mà Huyền Như đã cung cấp. Sau khi tiền về tài khoản, chủ tài khoản có quyền kiểm tra và quản lý số tiền trong tài khoản và yêu cầu ngân hàng, nếu phát hiện tài khoản bị sử dụng sai mục đích thì phải báo ngân hàng nhưng phía người gửi là nhân viên ACB đã không có động thái đó. “Chị Ngọc không quan tâm tôi trích tiền để làm gì mà chỉ quan tâm đến lãi suất của khoản tiền gửi. Đó là các cơ sở để tôi có thể sử dụng số tiền này” - Huyền Như khai rõ.
Trong khi đó, đối chất với lời khai của Huyền Như, bà Ngọc đã phản bác lại cho rằng không đúng. Tuy nhiên, Huyền Như một lần nữa khẳng định: Có thể do không phải tiền túi của người ta bỏ ra nên người ta mới không quan tâm, tạo điều kiện cho tôi thực hiện hành vi chiếm đoạt. “Về bản thân VietinBank, do tôi là nhân viên trong đó nên mọi người nghĩ VietinBank có trách nhiệm nhưng như tôi đã trình bày, nếu ngay từ đầu, người gửi tiền có trách nhiệm quan tâm đến khoản tiền của mình thì tôi không thể chủ động thực hiện các việc chuyển tiền mà họ không biết…” - Huyền Như nói.
Cuối buổi chiều cùng ngày, HĐXX đã tiến hành xét hỏi các bị cáo về hành vi đầu tư cổ phiếu ACB gây thiệt hại cho ACB. Hành vi này trái với quy định tại Điều 29, Quyết định 27/2007/QĐ-BTC ngày 24-4-2007 của Bộ Tài chính và gây thiệt hại cho ACB tổng số tiền hơn 680 tỷ đồng. Trong phần xét hỏi, các bị cáo Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang đều cho rằng việc mua cổ phiếu là do Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên) chỉ đạo.
Nguyễn Quốc
>> Là giám đốc nhưng tôi không quan tâm hoạt động của công ty!