Phim truyền hình Việt Nam thời “giờ vàng” - Chúng ta quá giỏi!?

Phim truyền hình Việt Nam thời “giờ vàng” - Chúng ta quá giỏi!?

Bây giờ, bật kênh truyền hình nào - từ trung ương đến địa phương cũng thấy phim Việt, cả phim cũ lẫn phim mới. Khán giả không kịp nhớ tên phim, tên nhân vật và còn quên luôn cả tên diễn viên. Khi phim Việt chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ, chưa kịp vui mừng, hãnh diện vì phim ta lấn át phim nước ngoài, người xem đã rơi vào cảm giác ngán ngẩm như sắp bị… bội thực đến nơi.

  • Chạy đua làm phim
Một diễn viên cho biết: “Chỉ đến khi ra trường quay mới biết hôm nay mình đóng cái gì, sau đó học thoại ngay (nếu thu tiếng trực tiếp), còn không đã có người nhắc thoại”.

Nghị định 54/2010 của Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 21-5-2010, thời lượng phát sóng phim truyện VN trên các đài truyền hình phải đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim. Thời điểm ấy, với các đài truyền hình tỉnh, đây là vấn đề khó khăn, vì đài nhỏ ít kinh phí, thiếu đội ngũ nên khó sản xuất đều đặn phim truyện VN, nên nguồn phim Việt thường không đủ đáp ứng tỷ lệ này.

Gần đây, hầu như đài truyền hình nào cũng mở ra Giờ vàng phim Việt, có sự ưu ái đặc biệt này một phần để chấp hành tỷ lệ nhà nước yêu cầu, phần khác, phim Việt đang được khán giả chú ý và nguồn thu (quảng cáo) từ phim Việt rất đáng kể.

Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM (HTV) Huỳnh Văn Nam, từng cho biết: “Nguồn thu của HTV từ phim Việt chiếm 60%”. Các đài tỉnh muốn thu hút quảng cáo, tất nhiên không thể nằm ngoài xu thế này. Vì thế, 1 năm qua Giờ vàng phim Việt xuất hiện liên tục từ đài này sang đài khác. Đã có giờ cho phim Việt, ắt phải có phim để chiếu.

Thế nên, với những đài lớn như VTV, HTV ngoài sản phẩm tự sản xuất (mỗi năm hơn 200 tập phim), các đài còn có những sản phẩm từ xã hội hóa, liên kết, liên doanh sản xuất phim với các đơn vị tư nhân. Với đài tỉnh, bước đầu mua lại các phim nước 2, nước 3 (phim đã được phát sóng trước đó rồi) về phát, để có thời gian đặt hàng các đơn vị tư nhân sản xuất phim cho mình.

Chính vì thế mới có tình trạng khán giả vừa xem phim này ở đài này, ngay lập tức lại thấy phim được phát ở đài khác. Mỗi đơn vị cùng lúc có hai, ba đoàn phim đang quay. Có phim vẫn còn đang quay đã được lên sóng!

  • Sống khỏe nhờ phim

Có khán giả ở Thủ Đức, TPHCM vốn yêu thích phim Việt Nam đã phải kêu lên: “Bây giờ mở đài nào cũng thấy chiếu toàn phim Việt Nam, mà không có phim nào xem được. Phim nào cũng có nội dung phi lý, diễn viên đóng chả có hồn vía gì cả. Tôi bắt đầu thấy mất cảm tình với phim Việt. Cứ đà này, người xem đến quay lưng lại với phim Việt mất”.

Chưa bao giờ người làm nghề có thể tin được, trong một thời điểm có đến chục đoàn phim đang quay. Thế nhưng, có hơn 20 đoàn phim truyền hình dài tập (từ 30 - 60 tập) đang trên trường quay và khoảng 5 phim khác chờ bước qua Tết Dương lịch sẽ bấm máy.

Cứ hình dung, địa bàn TPHCM cũng chỉ có từng ấy đạo diễn, diễn viên (có nghề, được khán giả biết mặt, biết tên), chia đều cho 20 đầu phim dài tập ấy thì đủ biết đội ngũ làm phim  thiếu đến mức nào. Do vậy mới có chuyện, diễn viên đóng vài phim đã kiêm chức phó đạo diễn, rồi lên đạo diễn. Đội ngũ đạo diễn hiện nay còn có người từng là cascadeur, sau một thời gian ngắn làm phó, đã nghiễm nhiên trở thành đạo diễn chính.

Chưa bao giờ làm đạo diễn phim ở Việt Nam lại dễ dàng đến như thế! Đội ngũ diễn viên còn dễ dàng hơn. Bây giờ ca sĩ, chân dài đóng phim đã thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Phim nào cũng có ít nhất 1 - 2 chân dài hoặc ca sĩ tham gia. Có phim dùng đến gần 10 siêu mẫu, người mẫu trong phim. Có diễn viên đóng cùng lúc 3 - 4 phim. Đáng “nể” hơn khi có đạo diễn cùng lúc nhận làm 2 phim. Một đạo diễn làm 3 phim/năm không còn hiếm.

Mặt bằng chung hiện nay, thù lao diễn viên chính từ 4 - 7 triệu đồng/tập; còn với đạo diễn từ 7 - 10 triệu đồng/tập. Phim thường có độ dài từ 30 tập trở lên, vì thế số tiền thu được từ chuyện đóng phim với diễn viên và đạo diễn không nhỏ. 

Từ trái qua: Ca sĩ Mi Trần, siêu mẫu Ngọc Ngoan, siêu mẫu Vũ Thu Phương, những diễn viên đang đắt show của phim truyền hình.

Từ trái qua: Ca sĩ Mi Trần, siêu mẫu Ngọc Ngoan, siêu mẫu Vũ Thu Phương, những diễn viên đang đắt show của phim truyền hình.

  • Chất lượng còn đâu?

Phim làm ào ào, phát sóng ầm ầm nên hy vọng vào chất lượng phim là chuyện không tưởng. Trong một cuộc họp báo ra mắt đoàn phim đang quay, một diễn viên lên giao lưu cứ ấp úng mãi không nói được tên nhân vật mà mình đang đóng. Cuối cùng, cô đành quay sang đạo diễn hỏi: “Vai của em trong phim tên gì nhỉ?”. Vì cô đang cùng lúc đóng hai phim, nên nhầm lẫn phim này sang phim khác, vai này sang vai kia.

Hiện nay, trung bình một tập phim được quay trong vòng 1 ngày rưỡi. Có đoàn phim, đạo diễn ra hiện trường mới biết hôm nay mình quay phân đoạn nào. Chuyện thay đổi phân đoạn, cảnh quay, diễn viên cũng là bình thường.

Cũng có khi, kế hoạch quay có rồi nhưng đột nhiên diễn viên chính trong cảnh quay hôm ấy bận chạy show phim khác chưa về kịp, thế là phải ứng biến quay cảnh khác để không tốn chi phí. Sản xuất phim hiện nay theo kiểu: làm nhiều, nhanh và chi phí thấp. Thử hỏi lấy đâu ra phim có chất lượng?!

Bây giờ, khán giả mấy ai nhớ được chính xác tên diễn viên, nổi bật với nhân vật nào, trong phim gì? Còn nói về tình trạng đạo diễn chạy show làm phim, có người trong ngành đã phải… làm thơ: “Hoan hô đạo diễn nước ta, làm việc cật lực bằng ba nước ngoài”.

Quả thật, chưa bao giờ mà đạo diễn, diễn viên của ta lại chạy show làm phim, đóng phim rộn ràng như thời gian này. Nếu so sánh với cách làm việc của nước ngoài (một năm chỉ làm được 1 - 2 phim), hóa ra chúng ta quá giỏi!?

NHƯ HOA - KHÁNH DUY

Tin cùng chuyên mục