Phản hồi loạt bài Bia ôm thác loạn
Sau loạt bài “Bia ôm thác loạn” và phản hồi của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, Công an quận Bình Thạnh (Báo SGGP ngày 18, 19, 20-6), chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều phản hồi từ các cơ quan chức năng và bạn đọc. Để rộng đường dư luận, Báo SGGP tiếp tục trích đăng một số ý kiến.
- Phóng viên: Sau khi Báo SGGP phản ánh tình trạng bia ôm thác loạn trên địa bàn, quận Bình Thạnh có ý kiến gì không thưa bà?
>> Bà LÊ THỊ BÍCH KHANH: Ngay khi báo nêu, quận đã có văn bản yêu cầu trưởng công an quận, đội trưởng các đội kiểm tra liên ngành VH-XH, trưởng phòng LĐTB-XH; trưởng phòng VH-TT và chủ tịch các UBND phường tập trung rà soát, kiểm tra và báo cáo kết quả cho Thường trực UBND quận về tình hình kinh doanh dịch vụ nhạy cảm mà Báo SGGP nêu, báo cáo trước ngày 25-6. Ngay ngày 19-6, quận đã triệu tập chủ tịch UBND và trưởng công an 20 phường, lãnh đạo các phòng, ban liên quan họp kéo dài đến 19 giờ. Qua đó lên kế hoạch phối hợp chuyển hóa ngay và có biện pháp xử lý mạnh đối với các cơ sở vi phạm. Mặc dù TP chỉ đạo tháng cao điểm phòng chống ma túy từ 20-6 đến 20-7, nhưng quận sẽ thực hiện đến 31-8. Đây cũng là tháng cao điểm ra quân kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội, trong đó tập trung đánh tan tập đoàn H. mà Báo SGGP nêu. Trên địa bàn quận hiện có khoảng hơn 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm và liên tục bị kiểm tra. Lực lượng của quận tập trung hỗ trợ cho phường 4 phường trọng điểm và 24 tuyến đường trọng điểm phức tạp.
- Kiểm tra thường xuyên nhưng tại sao quận lại không phát hiện được những hành vi thác loạn như báo nêu?
Các cơ sở cử người bám riết lực lượng chức năng. Anh em cũng có nhiều sáng kiến, tách ra, chia thành nhiều nhóm nhưng thường về nghiệp vụ và phá án không có. Khi vào, những điểm trên có hệ thống chuông báo động hay khóa cửa, không cho đoàn kiểm tra vào. Hành vi này không có chế tài, chỉ lập biên bản. Đợi nhà hàng mở cửa thì mọi thứ đã xong hết rồi, không còn bằng chứng.
- Có ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng bia ôm thác loạn là trách nhiệm của quận, bà có ý kiến gì không?
Đó là trách nhiệm của địa phương, không thể chối bỏ, chúng tôi có lỗi với dân. Sau khi Báo SGGP đăng, lãnh đạo quận hết sức trăn trở và phê bình ngay công an quận, trưởng công an quận. Quận chỉ đạo kiên quyết trong tháng cao điểm phải xong chuyên án.
- Nhưng công an quận nói, muốn làm được phải có tiền để thâm nhập vào các cơ sở đó?
Tại cuộc họp ngày 19-6, Chủ tịch UBND quận đã khẳng định: cứ làm, tiền bao nhiêu sẽ chi. Chi bao nhiêu do công an đề xuất, UBND quận không tiếc số tiền ấy. Quan trọng là làm cho ra. Tuy nhiên, có một số hạn chế về kỹ thuật, nghiệp vụ cần phải củng cố, nâng cao.
- Cụ thể, về nghiệp vụ, quận thấy còn chưa đạt ở những điểm nào?
Về nghiệp vụ, công an phải đi phá án, phải có chuyên án. Nhưng vừa rồi, không biết mấy anh làm sao mà toàn xử mấy hành vi vi phạm khác, chưa thấy “ép phê” gì cả!
- Bà nói kiểm tra liên tục, nhưng cụ thể các điểm mà Báo SGGP nêu đã kiểm tra chưa và lần gần đây nhất là lúc nào?
Có kiểm tra hết rồi. Hiện chúng tôi đã giao cho công an soát xét lại vấn đề này.
NHÓM PV
Không phải phớt lờ
Chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi ngắn với Trung tá Nguyễn Văn Nừa, Đội phó Đội Phòng ngừa và đấu tranh chống tệ nạn xã hội, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Đội 5-PC45) Công an TPHCM, xung quanh những biện pháp chấn chỉnh hoạt động mại dâm trá hình sau loạt bài của Báo SGGP.
- Phóng viên: Thưa ông, trước tình hình như Báo SGGP phản ánh, công an có biện pháp gì?
>> Trung tá NGUYỄN VĂN NỪA: Thời gian qua, chúng tôi đã rà soát trên địa bàn Bình Thạnh và các quận khác, nếu thấy hoạt động mại dâm như báo nêu sẽ theo dõi ngay lập tức. Còn muốn làm kỹ càng và triệt để thì phải đi sâu, lập chuyên án và có thời gian vì bọn chúng có nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi. Ngay khi Báo SGGP đăng bài, chúng tôi đã giao cho trinh sát địa bàn nắm lại các địa chỉ báo phản ánh. Sắp tới, chúng tôi sẽ cho lực lượng xâm nhập vào các hang ổ.
- Liệu sự vào cuộc này có chậm?
Báo đăng tải như vậy, cơ sở sẽ cảnh giác, công an khó khăn hơn. Cơ sở nào dùng những hình thức ăn chơi thác loạn để câu khách trước sau nó vẫn tiếp tục làm thôi, không bỏ đâu, vì siêu lợi nhuận mà. Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, PC45 cũng đã hướng dẫn công an các địa phương đẩy mạnh xử lý các hoạt động mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Có thực tế là ở quận-huyện, các cơ sở nhạy cảm đều quen mặt lực lượng địa phương, nên chúng tìm cách đối phó rất nhanh.
- Những hành vi múa thoát y, ăn chơi thác loạn này xử lý như thế nào?
Nếu múa thoát y thì đoàn kiểm tra liên ngành sẽ đề xuất xử phạt hành chính và đề nghị rút giấy phép đăng ký hoạt động. Còn hình sự, công an sẽ xử lý nếu có mại dâm tại chỗ hoặc tiếp viên đi khách sạn bán dâm.
- Công tác phối hợp giữa PC45 và Đoàn 2 thế nào?
Hai bên phối hợp thường xuyên và gắn bó. PC45 không đi kiểm tra trực tiếp, bởi nếu trinh sát xuất hiện nhiều, cơ sở sẽ quen mặt. PC45 tập trung đi chuyên sâu, lập án đấu tranh với các hoạt động mại dâm. Còn khi đoàn đi kiểm tra, bắt quả tang phát hiện mại dâm, PC45 và công an các quận huyện sẽ xử lý.
- Phía Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội phản ánh đã từng bắt quả tang tiếp viên đang bán dâm tại chỗ ở điểm 420 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh nhưng khi gọi PC45 và công an phường 13 quận Bình Thạnh đến thì phía công an cho rằng không tham gia ngay từ đầu nên không xử lý hình sự được. Trung tá có thể giải thích việc này?
Xử lý hành chính người bán, người mua; các đối tượng chứa chấp, tổ chức, môi giới... có thể bị xử lý hình sự, tùy mức độ. Về điểm 420 Nơ Trang Long, hôm đó, đoàn 2 đã lập biên bản bắt quả tang, chủ cơ sở đã thừa nhận hành vi đó nhưng công an địa phương đổ thừa không phối hợp với địa phương ngay từ đầu (lúc kiểm tra chỉ có đoàn 2, sau phát hiện, bắt quả tang mại dâm mới gọi công an). Không lấy vụ này để nói địa phương được nhưng PC45 sẽ chuyên sâu hơn mấy quán này, xử lý nếu có mại dâm tại chỗ hoặc tiếp viên đi khách sạn bán dâm cho khách.
- Cách đây 2 tháng, chi cục đã có văn bản đề nghị PC45 vào cuộc ở 4 điểm trên đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh, nghi vấn có mại dâm tại chỗ. Tại sao tình hình chưa tiến triển gì?
Chúng tôi đã đề xuất, cho người thâm nhập. Nhưng trong thời điểm đó, từ giữa năm 2012 đến nay, đội tập trung làm chuyên án bán dâm cho người nước ngoài và vừa triệt phá thành công vào giữa tháng 6-2013. Cả năm trời mới làm được, đâu phải dễ. Do điều kiện như thế nên chững lại chứ không phải phớt lờ. Đối với các điểm mà Báo SGGP phản ánh, bên đội cũng rà rồi nhưng không thể nắm được hết.
- Các cơ sở đều nói đã “mua hết rồi”? Có người bán ắt có người mua?
Bất cứ chủ quán nào cũng nói vậy để lấy lòng khách thôi. Phía quận thì tôi không biết, còn bên đội, không một CB-CS nào dám làm thế. Trên địa bàn TP, hơn 30.000 cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, muốn làm được không đơn giản. Chúng tôi tập trung chuyên sâu triệt phá các tổ chức đường dây mại dâm. Còn các hoạt động ăn chơi nhảy múa trác táng này là trách nhiệm đầu tiên của cơ quan quản lý nhà nước.
| |
NHÓM PV
| |
| |