Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan: Phát triển đô thị nén ở các huyện ngoại thành

Phát biểu tại hội nghị về đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, việc phát triển đô thị ở các huyện không thể tiếp tục theo kiểu tự phát, “vết dầu loang”, dàn hàng ngang. Trái lại, cần phát triển đô thị nén, để dành không gian rộng lớn cho công cộng.

Ngày 8-3, UBND TPHCM tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ các đề án nhánh thuộc đề án đầu tư – xây dựng các huyện thành quận hoặc thành thành phố thuộc TPHCM, giai đoạn 2021-2030.

Việc chuyển đổi các huyện ngoại thành lên quận hoặc thành phố thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030 là một trong những chương trình đột phá của TPHCM theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng, đề án đầu tư – xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030 đã chậm trễ 2 năm. Nếu không khẩn trương hoàn thành để đưa vào quy hoạch chung của TPHCM thì những nghiên cứu vừa qua sẽ “coi như bỏ”.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, việc xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố là để phát triển huyện thành đô thị vệ tinh hiện đại, sinh thái, xanh, số chứ không phải đô thị theo kiểu phát triển tự phát. Các đô thị này cần phải có định hướng phát triển vượt trội so với định hướng phát triển các đô thị bình thường.

Việc định hướng vượt trội này nhằm khắc phục tình trạng phát triển đô thị theo vết dầu loang, tự phát, có nhà ở trước khi có hạ tầng như hiện nay. Bởi kiểu phát triển như vậy sẽ làm cho cuộc sống chật hẹp, nghèo nàn dù không gian vẫn còn rộng lớn. Các khu nhà trọ mọc lên, không có hạ tầng điện nước, mưa xuống thì ngập, nắng lên thì bụi bặm, người dân thì vẫn duy trì nhiều thói quen chưa văn minh, như xả rác bừa bãi…

Mô hình đô thị mà các huyện đang hướng tới xây dựng phải phát triển toàn diện ở tất cả khía cạnh. Trong khía cạnh kinh tế thì phải xác định công nghiệp, dịch vụ là chủ yếu, còn nông nghiệp cố gắng duy trì ổn định. Những đô thị này phải khác với đô thị ở trung tâm. Người dân ở đây phải được có nơi ở thoáng hơn, đường sá rộng hơn, cơ sở vật chất tốt, chăm sóc sức khỏe chu đáo hơn.

“Cách duy nhất là xây dựng đô thị nén, đưa người dân lên ở cao tầng để dành không gian ở dưới cho cơ sở hạ tầng, không gian công cộng”, đồng chí Võ Văn Hoan nói và lưu ý cần thận trọng khi thông tin về định hướng phát triển các huyện. Bởi nếu không sẽ dẫn đến giá đất “nhảy múa”, người dân lo ngại chuyện thay đổi địa giới, giấy tờ.

Định hình con người đô thị

Nhằm hướng đến sự chuyển đổi và phát triển 5 huyện ngoại thành mang tính bền vững, UBND TPHCM chỉ đạo các sở ngành phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cùng các huyện nghiên cứu 5 đề án nhánh gồm: Kinh tế đô thị; Hạ tầng đô thị; Bộ máy đô thị; Văn hóa đô thị; Con người đô thị.

Trong số các đề án nhánh, lần đầu tiên TPHCM chỉ đạo nghiên cứu về chủ đề con người đô thị nhằm xây dựng và đưa ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi người nông dân thành thị dân. Đây là sự sáng tạo trong đề xuất và giao chủ đề nghiên cứu mới trong các đề án đầu tư xây dựng chuyển huyện thành quận hoặc thành phố trong thành phố. Điều này góp phần hướng đến phát triển bền vững, do con người là trung tâm của mọi vấn đề.

Về kết quả nghiên cứu 5 đề án nhánh, các chuyên gia cho rằng, 5 huyện cần lưu ý đến các giải pháp đề xuất xây dựng và định hình con người đô thị, lối sống đô thị. Qua đó, các huyện cần tập trung triển khai các giải pháp ưu tiên đối với người dân. Việc này nhằm tăng cường khả năng thích ứng với lối sống đô thị, thay đổi sinh kế, tuân thủ pháp luật và bảo vệ môi trường của con người dân; cùng với đó là khả năng tiếp cận nhà ở, dịch vụ an sinh xã hội, tiếp cận thông tin của người dân... trong quá trình chuyển đổi huyện lên quận hoặc thành phố thuộc thành phố.

Từ thực tiễn cho thấy, nếu không đầu tư xây dựng “con người đô thị” tương thích trong môi trường mới, cho dù các huyện ngoại thành có đầu tư cơ sở vật chất hiện đại đến đâu, cũng vẫn xuất hiện những rào cản rất lớn, gây ra cản trở rất lớn quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương khi chuyển đổi sang đơn vị hành chính mới cấp quận hoặc cấp thành phố thuộc thành phố, trong thời gian tới.

Vì sao lên quận khó đáp ứng tiêu chí?

Báo cáo tại hội nghị, TS Dư Phước Tân (nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) cho biết, đối chiếu các tiêu chí phân loại đô thị của 5 huyện cho thấy, đến năm 2030, hầu hết 5 huyện ngoại thành đều không đạt tiêu chí đô thị loại 1 (lên quận). Trong khi tiêu chí đơn vị hành chính cấp thành phố thuộc thành phố phù hợp với các huyện ngoại thành.

UBND TPHCM tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ các đề án nhánh thuộc đề án đầu tư – xây dựng các huyện thành quận hoặc thành thành phố thuộc TPHCM, giai đoạn 2021-2030.

UBND TPHCM tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ các đề án nhánh thuộc đề án đầu tư – xây dựng các huyện thành quận hoặc thành thành phố thuộc TPHCM, giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, mô hình chuyển lên đơn vị hành chính cấp quận là rất khó khăn, nhất là các huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi đang còn diện tích đất nông nghiệp khá nhiều. Một trong những nguyên do đó là vướng tiêu chí số đơn vị hành chính và 100% xã phải có khả năng chuyển thành phường (không còn xã nông thôn).

Trong khi tiêu chí chuyển đổi thành phố thuộc thành phố có cho phép huyện giữ lại 1 số xã nông thôn (35% trong tổng số xã). Từ đó, việc lựa chọn phấn đấu theo mô hình thành phố thuộc thành phố sẽ khả thi và thuận lợi hơn đối với 5 huyện, so với mô hình lên quận.

Ngoài ra, một số chuyên gia kiến nghị TPHCM tính toán đến phương án gợi mở về khả năng sáp nhập các huyện liền kề có tiêu chí chưa đạt, để bổ trợ hoàn thiện lẫn nhau, đồng thời phải phù hợp với định hướng phát triển chung của TPHCM.

Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Võ Đức Thanh phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Võ Đức Thanh phát biểu tại hội nghị.

Về lĩnh vực quản lý nhà nước, kiến nghị với Trung ương, đó là hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Cùng với đó kiến nghị có cơ chế đột phá cho TPHCM như giao bổ sung số lượng biên chế cho các phường, xã, thị trấn cần căn cứ theo các tiêu chí tùy theo thực tiễn địa phương về quy mô diện tích, dân số, sự phức tạp của địa bàn... để góp phần khắc phục tình trạng thiếu biên chế hiện nay, cũng như sự quá tải về công việc.

Đồng thời kiến nghị Trung ương cần có cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối nội vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát huy nguồn lực trong liên kết vùng, thu hút nguồn lực. Đồng thời kiến nghị có cơ chế đột phá hơn nữa về chính sách thu hút nhân tài.

Tin cùng chuyên mục