Tại hội nghị, lãnh đạo các huyện cũng đã thông tin định hướng chuyển lên thành quận hoặc thành phố trực thuộc TPHCM. Cụ thể, các huyện lên thành phố thuộc TPHCM gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ. Riêng huyện Nhà Bè định hướng thành quận đô thị vệ tinh. |
Ngày 2-6, tại huyện Cần Giờ, UBND TPHCM tổ chức hội nghị triển khai các đề án khoa học (đề cương chi tiết đề án nhánh) thuộc Đề án đầu tư – xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan và Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân chủ trì.
Tại huyện Cần Giờ, UBND TPHCM tổ chức hội nghị triển khai các đề án khoa học (đề cương chi tiết đề án nhánh) thuộc Đề án đầu tư – xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030. Ảnh: VĂN MINH
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý, các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè có vị trí cửa ngõ rất quan trọng của TPHCM, kết nối với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa tại 5 huyện này diễn ra nhanh chóng, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc,… đã đang và sẽ hình thành. Trình độ dân trí, lối sống đô thị được hình thành rõ nét và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành. Điều này cho thấy nhu cầu chuyển đổi và nâng cấp các đơn vị hành chính từ huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TPHCM ngày một trở thành vấn đề bức thiết.
Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra một mục tiêu quan trọng trong Chương trình đột phá đổi mới quản lý TPHCM, là thực hiện Đề án đầu tư - xây dựng các huyện, để thành lập thành các đơn vị hành chính cấp quận (hoặc thành phố thuộc TPHCM) trong giai đoạn 2021 – 2030.
Hội nghị thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Ảnh: VĂN MINH
Tại hội nghị lần này, UBND TPHCM triển khai 5 đề án khoa học, là đề cương chi tiết đề án nhánh thuộc Đề án đầu tư – xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030.
Các đề án nhánh gồm: Đề cương đề án nhánh “Con người đô thị”; “Xây dựng và phát triển văn hóa đô thị tại các huyện trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2030”; “Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước của chính quyền các huyện trong quá trình hình thành chuyển từ huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM”; “Cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo mô hình phát triển kinh tế đô thị của các huyện chuyển thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM trong giai đoạn 2021-2030 và đề xuất các giải pháp thực hiện” và đề án “Hạ tầng đô thị”.
Đi vào thảo luận, trao đổi từng đề án nhánh, TS Dư Phước Tân, chủ nhiệm đề án nhánh “Con người đô thị” nhấn mạnh, có đầu tư thật nhiều cơ sở vật chất, tiện nghi hiện đại mà không định hình nên “con người đô thị” và lối sống đô thị sẽ là rào cản rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
TS Dư Phước Tân, chủ nhiệm đề án nhánh “Con người đô thị” trình bày tại hội nghị. Ảnh: VĂN MINH
Một vấn đề khác đặt ra đó là, để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn ở các huyện ngoại thành, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất và an sinh xã hội, cần thiết nâng cấp các huyện trở thành đô thị loại 3 (cấp thành phố thuộc thành phố) hoặc loại 1 (cấp quận) là rất cần thiết. Điều này tạo tiền đề đầu tư vật chất và lối sống phù hợp theo đúng chuẩn, nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân 5 huyện ngoại thành.
Để định hình nên con người đô thị khi chuyển đổi các huyện lên thành quận hoặc thành phố, TS Dư Phước Tân đánh giá cần hội tụ đủ 4 nhân tố. Đó là cung ứng và chăm lo nhà ở cho người dân; tạo điều kiện tiếp cận tốt dịch vụ và an sinh xã hội; người dân cần thích nghi với môi trường sống ở đô thị và ý thức, tuân thủ pháp luật cao. Thực trạng cho thấy 4 nhân tố này ở các huyện ngoại thành còn đang thiếu, chưa đủ mạnh nên cần đầu tư và xây dựng nhiều hơn trong thời gian tới.
Đánh giá thêm về những thách thức ở các huyện ngoại thành, TS Dư Phước Tân nhìn nhận, hiện nay các huyện ngoại thành thu hút lượng lớn dân cư đến sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, do chưa chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị kịp thời nên dẫn đến chất lượng sống của người dân vẫn còn thấp. Đồng thời cũng nêu ra 8 thách thức lớn đối với người dân trong quá trình chuyển huyện lên quận hoặc thành phố.
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, chuyên gia cho biết, bên cạnh đầu tư hạ tầng, kinh tế, bộ máy hành chính đô thị cần có chiến lược tập trung xây dựng, định hình lối sống đô thị, con người đô thị ở 5 huyện ngoại thành.
Bên cạnh đó, cung cấp tốt các loại hình dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế chăm sóc sức khoẻ, giao thông, thu gom rác thải… nhằm nâng cao chất lượng sống người dân. Chính quyền địa phương cũng cần có chính sách đào tạo nghề, giảm tỷ lệ hộ nghèo…
Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Triệu Đỗ Hồng Phước tham gia thảo luận, góp ý tại hội nghị. Ảnh: VĂN MINH
Trao đổi tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Triệu Đỗ Hồng Phước góp ý, cần tiếp tục nghiên cứu thêm một số nội dung như các biện pháp để hỗ trợ sự chuyển tiếp huyện lên quận hoặc thành phố thông qua các dịch vụ của xã hội như giáo dục, y tế, tiếp cận thông tin, chính sách dân sinh, khung pháp lý… Các bên liên quan như chính quyền, doanh nghiệp, người dân và các tổ chức đoàn thể - chính trị xã hội sẽ có trách nhiệm thi hành như thế nào trong quá trình chuyển đổi.