Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, cả khu phố cổ Đồng Văn - Hà Giang cũng chỉ còn lại khoảng 40 ngôi nhà cổ. Theo tìm hiểu, nhu cầu chung của bà con ở đây là vẫn muốn đập phá tiếp các ngôi nhà cổ còn lại để xây nhà mới hiện đại và tiện nghi hơn. Nhiều năm qua, các gia đình đã lén lút đập phá khiến nhiều công trình đã trở thành… thiên cổ.
Lem nhem cũ, mới
Phải khẳng định, ở xứ sở được mệnh danh là “công viên” đá xám hùng vĩ mà xuất hiện một khu phố cổ với những ngôi nhà trình tường hoàn toàn bằng đất và các cột kèo toàn là gỗ quý, bên trên lợp ngói âm dương đã ngả sang màu đen nhám như ở Đồng Văn - thật sự là một điều quá sửng sốt cho những ai lần đầu tiên đặt chân tới đây.
Tuy nhiên, trong niềm vui cũng có những nỗi buồn khó tả, đó là cảnh tượng cả một dãy phố cổ chỉ còn teo tóp lại ở một góc phố huyện. Phần nhiều ngôi nhà đã và đang tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng mà hiện tại vẫn chưa hề được bảo tồn, tu sửa kịp thời. Trong khi đó, chủ nhân của các ngôi nhà lại không có điều kiện để bảo vệ “di sản” trước tác động của thời gian, thời tiết và xu thế đô thị hóa.
Điều đáng mừng là mặc dù đã bị tàn phá đi nhiều, nhưng tới thời điểm hiện tại, các ngôi nhà cổ còn sót lại ở Đồng Văn vẫn nằm quần tụ ở quanh khu vực chợ cũ. Nhờ vậy, đã tạo nên dáng dấp một khu phố cổ rõ ràng hơn. Dù rằng cùng với nét cổ kính rêu phong cũ kỹ thì một lô nhà kiến trúc tạp nham theo kiểu “phố huyện vùng cao” ở bên ngoài vẫn đang từng ngày bủa vây, thu hẹp dần không gian phố cổ, nhà cổ.
Khi bước vào các ngôi nhà, tìm hiểu kỹ qua chủ nhân, chúng tôi mới nhận ra rằng, phần lớn các ngôi nhà đang trong tình trạng: giữ lại nhà cổ để ăn ở thì quá khổ nhưng theo chủ trương mới là không cho phép cải tạo, phá dỡ để chờ bảo tồn. Trong khi đó, dự án bảo tồn chưa thể khởi động được vì thiếu ngân sách.
Cụ Trần Văn Bộc, chủ nhân ngôi nhà số 37, nằm ngay kế chợ cổ Đồng Văn, tiếp chúng tôi trong căn nhà đất được thiết kế theo lối trình tường, cấu trúc 2 tầng, các xà kèo đều bằng gỗ nứt nẻ, mối mọt ăn rỗng nhiều chỗ. Hỏi về tuổi của ngôi nhà, cụ Bộc chỉ bảo: “Năm nay tôi 80 tuổi, lúc tôi sinh ra cũng đã không biết là nhà được làm từ bao giờ nữa, chỉ biết là do ông của tôi làm”.
Chừng ấy năm, mặc dù đã được tu sửa một lần nhưng hiện nay nhà đã xuống cấp tệ hại. Dẫn chúng tôi vòng về sau nhà theo cửa hậu, cụ Bộc chỉ những tấm vách gỗ đã bung lở. Nhưng còn chưa bằng các bức tường phía đầu hồi. Dẫn ngược trở ra phía ngoài, cụ chỉ từng vết nứt đang chạy dọc thân bức tường đất, chỉ trát thoáng qua một lớp vữa mỏng. Con trai cụ Bộc bước vào nói rằng, hàng ngày ngôi nhà chỉ làm nơi để uống nước, tiếp khách chứ không còn ăn ngủ được nữa vì những đêm có mưa to gió lớn một chút là cả ngôi nhà đã rung lên bần bật, có thể sụp xuống bất cứ lúc nào, nên chẳng yên tâm. Mà bây giờ, cũng chỉ có hai vợ chồng cụ Bộc ở lại, còn con cái đều chạy đi nơi khác mua nhà, tậu đất để ở trong khu phố mới.
Và để theo kịp xu thế hiện đại, cụ Bộc cùng với con cái cũng cố “lách luật” như rất nhiều hộ dân khác ở đây là vẫn để lại ngôi nhà cổ phía trước nhưng đua nhau xây nhà ống, nhà hộp 1-2 tầng phía sau để cơi thêm diện tích và cải thiện lại nội thất. Vì thế, bây giờ đi vào phố cổ Đồng Văn, chỉ gặp kiến trúc lem nhem cũ mới, nơi thò chỗ thụt, trong đang xây mà ngoài thì đổ nát.
Dọc theo phố cổ, chúng tôi tìm gặp ông Lương Triệu Đông, trưởng thôn Quyết Tiến (một tiểu khu của phố cổ). Ông Đông cho biết, mấy năm trước các gia đình đã phá nhà cổ hàng loạt. “Tiếc lắm mà cũng chẳng thể làm gì được”, ông nói. Lại nhớ lời tâm sự của con trai cụ Bộc: “Gia đình nào phá nhà cổ sớm để xây nhà mới thì còn… may, chứ bây giờ không thể phá được nữa vì đã nằm trong danh sách bảo tồn của nhà nước rồi”. Theo anh, bi kịch của chủ nhân các nhà cổ không chỉ là “khổ” mà còn chẳng có một chút sinh lợi nào bởi nhà quá nhỏ bé, chật chội, ẩm thấp, xuống cấp nên có mở quán ăn, nhà hàng cũng không có chỗ chứa khách, mà khách cũng không muốn vào, buôn bán tạp hóa cũng không tiện lợi…
Hài hòa lợi ích người dân và mục đích bảo tồn di sản
Dẫu vậy, bảo tồn phố cổ là điều cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Song phải tìm hướng hỗ trợ cho người dân phố cổ không chỉ ở việc bảo tồn, cải tạo lại di sản mà còn hỗ trợ về cơ chế, nguồn thu để đảm bảo mức thu nhập và có động lực để tự bảo tồn. Một trong những giải pháp có lẽ mang tính khả thi cao là đưa khu phố cổ vào khai thác, kinh doanh du lịch, thu phí tham quan để tái đầu tư bảo tồn di sản.
Rất mừng là hiện tại, để bảo tồn khu chợ cổ, UBND huyện Đồng Văn và tỉnh Hà Giang đã cho xây dựng một khu chợ mới nằm cách đó khoảng vài trăm mét để ưu tiên bảo vệ khu chợ cổ nằm gọn trong lòng thị trấn khỏi bị xuống cấp thảm hại như các ngôi nhà dân ở xung quanh. Song đáng lo là “số phận” của những ngôi nhà mà dân đang ở có thể bị phá bất cứ lúc nào hoặc tự xuống cấp nếu không được trùng tu kịp.
Theo cụ Trần Văn Bộc, thời điểm hiện tại, thực hiện chủ trương bảo tồn phố cổ Đồng Văn của Bộ VH-TT-DL, đã có 7/31 ngôi nhà nằm trong danh sách bảo tồn được rót tiền đầu tư cải tạo. Trong đó, ngôi nhà 39 của ông Cầm Ngọc Vạn đã bắt đầu được thợ vào khởi động dự án trùng tu bảo vệ. Tuy nhiên, điều mà người dân còn lăn tăn chưa ưng thuận là theo chính sách, nhà nước chỉ hỗ trợ cho bà con 80% tổng chi phí, còn lại 20% chủ nhà sẽ phải bỏ ra. Nhưng nhiều chủ hộ lại đang viện lý do không có tiền nên việc triển khai còn chậm.
VĂN PHÚC HẬU