(SGGPO). – Chiều 19-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Dược sửa đổi. Người dân đang mong đợi luật này ra đời sẽ quản lý tốt hơn về giá thuốc, chất lượng thuốc bảo đảm hơn. Thảo luận về luật này, ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, Chủ tịch Hội dược học TPHCM có nhiều ý kiến rất đáng chú ý.
Theo bà Phong Lan, Luật Dược sửa đổi là điều mà chúng ta mong chờ, nhưng để xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân, dự thảo còn phải bổ sung, hoàn thiện một số vấn đề để luật có thể đi vào cuộc sống. Cụ thể, về chính sách phát triển công nghiệp dược Việt Nam, hiện nay thiếu định hướng quản lý Nhà nước, vì thế thị trường phát triển tự phát, doanh nghiệp ít nhưng nhiều sản phẩm trùng lắp, đầu ra không bảo đảm. “Khi Việt Nam gia nhập TPP, ngành được chịu tác động rất lớn, cần tránh trường hợp xây dựng luật chưa lâu đã phải sửa”, bà Lan phát biểu. Về đào tạo dược sĩ, bà Lan phản ánh, hiện nay các em học 5 năm ra trường nhưng ít em làm được việc, phải đào tạo lại. “Chúng tôi khi thi vào ngành dược với điểm cao nhất nhì, ai cũng mong ngành dược Việt Nam phát triển. Nhưng thực tế, những ai theo đuổi các công ty dược trong nước thì sống lay lắt, chỉ những ai làm công ty nhập khẩu thì mới sống được. Nhưng như vậy là càng “đau”, vì sao những gì làm ra tốt nhất thì chúng ta xuất khẩu, còn người dân trong nước thì chấp nhận những sản phẩm làng nhàng. Đó là lý do mà luật lần này cần định rõ được chính sách để phát triển ngành dược.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại cuộc thảo luận tại tổ ĐBQH
Về mạng lưới lưu thông phân phối dược, ĐB Phong Lan cho rằng, hiện nay quá nhiều tầng nấc trung gian, do đó một sản phẩm dược khi đến tay người dân đội rất nhiều chi phí, đó là lý do khiến giá thuốc tăng cao. “Quyền phân phối trực tiếp của các hãng dược phẩm nước ngoài ra sao, vấn đề này chúng ta còn né tránh. Thực tế, hiện nay các công ty nước ngoài phân phối qua các công ty dược Việt Nam, nhưng công ty dược Việt Nam chỉ ngồi hưởng chiết khấu, còn lại tất cả đều do công ty dược nước ngoài chi phối”, bà Lan chỉ ra và khẳng định, quyền lợi của người dân phải là tối thượng, không phải là quyền lợi của một nhóm. “Khi tôi nhận chức Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM thì TPHCM có hơn 400 công ty phân phối dược, muốn sắp xếp nhưng không được vì luật quy định được phép, hiện nay đã lên 1000, cả nước là 2000”, ĐB Lan nói thêm.
Về vấn đề đăng ký thuốc, theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan, hiện nay có nhiều phản ánh là thời hạn đăng ký 6 tháng ít khi được bảo đảm, thường kéo dài cả năm. Nguyên nhân là có quá nhiều hồ sơ trùng lắp, 1 hoạt chất nhưng có cả hàng trăm đăng ký. Vì vậy, cần rút gọn quy trình đăng ký thuốc.
“Về chất lượng thuốc, là người trong ngành nhưng xin lỗi ngành y tế (Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có mặt ở buổi thảo luận-PV), chúng tôi rất quan ngại”, vẫn ĐB Lan phát biểu. Theo ĐB, thuốc nhập khẩu chỉ được kiểm tra mẫu, chúng ta lại không được thực địa nhà máy sản xuất, vì vậy đăng ký chỉ trên giấy tờ. Năm 2014, kiểm tra hơn 40.000 mẫu thuốc thì chỉ 20% là thuốc ngoại, như vậy thuốc nội được “chăm sóc” kỹ hơn. Đề nghị phải tăng kiểm tra thuốc nhập ngoại. Muốn thế phải tăng cường năng lực của hệ thống kiểm nghiệm nếu không muốn bị kéo dài thời gian, ách tắc.
Cũng theo bà Lan, trong việc kiểm nghiệm thuốc hiện nay lượng thuốc bị thu hồi vì thuốc giả, không bảo đảm chất lượng ngày càng ít đi, điều này có thể không phản ánh đúng thực tế. “Ai bồi thường cho người dân khi sử dụng thuốc giả bị ảnh hưởng?. Cần có hình phạt đủ sức răn đe đối với hành vi làm thuốc giả. Rất mong Luật hình sự quy định điều này”, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM mong muốn.
Về vấn đề đấu thầu thuốc, bà Lan cho rằng, hiện nay rất phức tạp. Nếu đấu thầu tập trung thì chưa chắc hiệu quả vì ít doanh nghiệp lớn, sẽ có tình trạng doanh nghiệp tìm mọi cách trúng thầu rồi chạy làng, hoặc sau đó mới thuê để gia công thuốc rồi cung ứng. “Rất đáng lo ngại. Vì vậy, đấu thầu không nên là cách duy nhất. Nên nghiên cứu để các bệnh viện uy tín được quyền mua thuốc với sự đồng ý của bảo hiểm y tế”, bà Lan đề nghị.
“Tại sao có độc quyền nâng giá thuốc chưa kiểm soát được, còn nhiều trung gian lòng vòng, mua chuộc bác sĩ kê đơn?. Luật cần quy định điều này. Về chế tài, cần xử lý thật nghiêm, từ trước tới nay chúng ta chưa phạt ai, trong khi đó ở các nước nếu phát hiện hãng dược mua chuộc bác sĩ kê đơn có thể bị phạt cả tỷ USD”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan phát biểu.
Về cấp chứng chỉ hành nghề dược, dự thảo quy định 5 năm, theo bà Lan là ổn, để bảo đảm yêu cầu cập nhật thông tin, kiến thức. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay thì nên cấp vĩnh viễn nhưng kèm theo yêu cầu phải cập nhật kiến thức. “Thực tế, hiện nay trừ những nhà thuốc của công ty có đủ dược sĩ theo quy định, những nhà thuốc nhỏ không có đủ, nhiều dược sĩ mở nhà thuốc nhưng thuê các em dược sĩ mới ra trường bán thuốc. Nếu quy định có 5 năm hành nghề mới cấp chứng chỉ thì các em sẽ chỉ còn con đường đi làm trình dược viên”, bà Lan phân tích.
Về quản lý các nhà thuốc, bà Lan dẫn ra, trước năm 1975, hệ thống nhà thuốc được quản rất chặt chẽ, các chiến sĩ cách mạng muốn mua kháng sinh để mang ra chiến trường không dễ, nhiều người vi phạm bán thuốc phải đi tù. “Cái gì hay thì chúng ta phải học. Thuốc phải quản chặt, không chấp nhận tình trạng mua thuốc cũng dễ như mua rau hiện nay, tội phạm muốn mua thuốc mê cũng dễ dàng”, bà Lan nói. ĐB băn khoăn tại sao lại bỏ quy định về quản lý tiền chất, lẽ ra không được bỏ mà phải quản lý chặt chẽ hơn. Cùng với đó là quản lý chặt về vaccine, dược chất. Ngoài ra, Luật cũng hoàn toàn trống vắng mảng mỹ phẩm và đó là điều cần tính toán lại.
Dược là ngành siêu lợi nhuận. Thuốc giả nhiều người làm. Dược sĩ đào tạo ra chạy theo làm trình dược viên, phải xem lại tình trạng này. Nhà thuốc mở ra tràn làn, quản lý thế nào?. Không có xứ nào như ở ta mua thuốc không cần qua bác sĩ. Người dân tự mua kháng sinh để chữa bệnh, quá nguy hiểm. Quảng cáo thuốc thì sai sự thật, thuốc nào cũng chữa được bách bệnh. Rồi thực phẩm chức năng, có đưa vào luật này không?. Nhập khẩu dược là siêu lợi nhuận, luật này phải hướng tới phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam. Luật này phải đặt công nghiệp dược là một lĩnh vực trọng tâm, quản lý chất lượng thuốc, giải quyết vấn đề đạo đức của dược sĩ. Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) Phải đưa vào luật quy định nhà thuốc phải bán thuốc theo toa. Người ta muốn tự tử thì mua thuốc phải khó khăn chứ, sao lại dễ dàng như vậy?. Vừa qua nhiều trường hợp bị tai biến, tử vong sau khi tiêm vaccine, ai chịu trách nhiệm?. Có đưa vào luật để điều chỉnh hay không, có cách giải thích nào ngoài việc cho rằng thuốc có tỷ lệ rủi ro nhất định? Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) |
Phan Thảo